[Tiếng dân] Hãy tạo điều kiện cho dân nghèo về quê

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ ngày 13/10/2021, Bộ GTVT đã có văn bản quy định tạm thời cho máy bay, tàu hỏa và ô tô hoạt động trở lại sau một thời gian dài đông cứng.

Đây là một quyết định được đông đảo người dân mong đợi, nhất là những người nghèo bị giãn cách xã hội lâu ngày đang phải vật lộn với mưu sinh, cần về quê để kiếm kế sinh nhai.
Tuy nhiên, với việc Bộ GTVT quy định các điều kiện vận chuyển hành khách như hiện nay rất khó cho các đơn vị vận tải. Nhiều người dân đến bến xe rất khó mua vé bởi khi xăng dầu lên cao, nếu bán vé theo tỷ lệ như quy định khó lòng bù đắp chi phí. Không có nhiều người dân có tiền để mua vé máy bay, khi tàu hỏa và ô tô chưa hoạt động bình thường đã và đang gặp muôn vàn khó khăn khi lựa chọn phương tiện đi lại. Trong khi đó, bản thân ngành đường sắt cũng có hàng nghìn lao động mất việc làm, nhân viên xin nghỉ việc ngày càng nhiều do ngừng chạy tàu quá lâu.

Tàu, xe đắp chiếu trong khi đó, những ngày qua hàng nghìn người dân từ các tỉnh phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... đang tự di chuyển hàng trăm cây số về quê bằng xe máy, thậm chí cả xe đạp, đi bộ và đối mặt với nhiều rủi ro. Với quy định khắt khe của việc lên tàu cũng như máy bay “Phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19)” thì bản thân đường sắt hàng ngày cũng chỉ chạy 1 đôi tàu SE7/8 vì ít khách sẽ lỗ vốn.

Trong khi đó, đường sắt là loại hình phương tiện rất phù hợp với túi tiền người lao động nghèo, thu nhập thấp, người già, bệnh tật, người có con nhỏ, phụ nữ đang mang thai và nhu cầu cấp thiết về quê. Không chỉ chạy Sài Gòn - Hà Nội mà mới đây đường sắt còn chạy xuyên tâm Sài Gòn - Việt Trì, rất thuận lợi cho người dân. Và sắp nhiều người lao động có nhu cầu trở lại thành phố làm việc trong thời gian tới cũng sẽ chọn tàu hỏa nếu các nhà xe tư nhân vẫn nằm im nghe ngóng.

Tính đến ngày 11/10/2021, ngành đường sắt đã tổ chức thành công 11 chuyến tàu chuyên biệt đưa gần 6.000 hành khách là công dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình về quê an toàn. Có vài sản phụ đã sinh nở trên tàu, được chăm lo chu đáo, ăn uống trên tàu được đảm bảo, nói chung là người dân hài lòng.

Đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp hành khách, nhân viên bị lây nhiễm chéo trên tàu. Hiện tại đường sắt đã bán vé tàu điện tử, hoàn toàn có thể lưu thông tin hành khách trên hệ thống, qua đó dễ kiểm soát trong công tác phòng dịch. Sau khi hành khách đặt vé, mua vé là đường sắt đã có danh sách, thông tin đầy đủ để gửi cho các địa phương như: Số lượng người, đi từ địa phương nào, dự kiến giờ đến để địa phương bố trí lực lượng đón và thực hiện biện pháp phòng dịch.

Với mỗi đoàn tàu khách gồm 12 toa, ngay từ khâu bán vé đường sắt có thể phân khu: Nhóm chưa được tiêm đủ liều vaccine, nhóm đã được tiêm đủ liều và đã khỏi bệnh, nhóm chưa tiêm. Với mỗi nhóm đều có hướng dẫn các biện pháp cách ly cụ thể để đảm bảo an toàn. Do đó, vấn đề tiếp nhận người dân về bằng tàu, người dân mong muốn Bộ GTVT và đường sắt hãy triển khai thực hiện theo các phương án này.

Đối chiếu với các quy định của các quốc gia trong khu vực thì hành khách đi tàu hỏa, chỉ cần tiêm mũi 1 vaccine đủ 14 ngày và test tại chỗ âm tính là có thể lên tàu. Các cơ quan quản lý ban hành các văn bản phải tính đến tính khả thi, chứ quá chặt chẽ, khắt khe thì tàu không thể chạy lại được mà người dân vẫn phải dùng phương tiện cá nhân vượt hàng trăm cây số trong điều kiện thời tiết mưa, gió như hiện nay.