[Tiếng dân] Khát vọng thể thao

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do dịch bệnh Covid-19 nên người già chúng tôi có dịp chứng kiến 17 ngày thi đấu tuyệt vời của Olympic Tokyo 2020. Rốt cuộc có 86/206 đoàn giành được huy chương các loại, rất tiếc rằng trong đó không có tên Việt Nam.

Mang tiếng là “vùng trũng thể thao” nhưng khu vực Đông Nam Á cũng có 4 quốc gia đoạt huy chương: Indonnesia (1HCV, 1HCB, 3HCĐ); Philippines (1,2,1); Thái Lan (1,0,1); Malaysia (0,0,1). Đặc biệt nhất là việc Jamaica và Bahamas hai quốc gia nhỏ xíu ở vùng Caribe nằm phía Đông Hoa Kỳ với dân số 400.000 và 2,9 triệu người cũng giành được HCV.
Hội nhập thể thao thế giới từ 1980, sau 10 kỳ Thế vận hội, chúng ta vẫn chỉ có 1 tấm HCV súng ngắn bắn hơi 10m của Hoàng Xuân Vinh (Olympic Rio 2016). Nhìn sang Thái Lan (10 HCV), Indonesia (8 HCV), chúng ta không khỏi chạnh lòng. Dù VĐV cầu lông Nguyễn Tiến Minh (38 tuổi) còn kém VĐV đua ngựa Mary Hanna cao tuổi nhất Olympic Tokyo 2020 những 28 tuổi, nhưng ở cái tuổi này khó có thể kỳ vọng gì. 18 vận động viên tham dự thi đấu ở 8 bộ môn (rowing, bơi, cầu lông, Teakwondo, cử tạ, bắn súng, bắn cung, Judo) đã cố gắng hết sức, nhưng đúng là lực bất tòng tâm. Việc sau 4 kỳ Olympic có huy chương, lần này Việt Nam chúng ta trắng tay khi đã đầu tư không ít tiền bạc đã khiến cho nhiều người cảm nhận sự nuối tiếc. Điều đáng lo là dù trắng tay tại Olympic Tokyo 2020 nhưng sau khi Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Tiến Minh rời cuộc chơi, chúng ta vẫn chưa thấy lực lượng kế cận.

Indonesia, Thái Lan, Philippines vẫn đoạt HCV trong khi Olympic dường như quá tầm với thể thao Việt Nam, dù chúng ta liên tục có mặt trong tốp 3 SEA Games. Có vẻ như các nước trong khu vực, điển hình nhất là Thái Lan đã “bỏ qua” SEA Games để xây dựng một chiến lược đầu tư phát triển thể thao chất lượng cao đúng, hợp lý và khoa học hướng tới châu lục và đấu trường Olympic. Trong khi đó, chiến lược đầu tư trọng điểm, dồn kinh phí vào vài VĐV, điển hình là Ánh Viên đã không mang lại kết quả như mong muốn. Đã nhiều lần người ta đã cảnh báo tình trạng đất công viên, sân tập thể thao các đô thị ngày càng bị thu hẹp nhường cho kế hoạch “phân lô bán nền”. Thể thao học đường không được quan tâm đúng mức khiến các em học sinh ngoài học hành chỉ còn cách dán mắt vào điện thoại để chơi game. Ngoài bóng đá, không có nhiều DN Việt quan tâm đến việc đầu tư vào thể thao, bỏ tiền xây dựng các trung tâm TDTT hiện đại như các nước trong khu vực.

Nói thế để biết để nâng cao vị thế của Việt Nam tại các đấu trường quốc tế, nếu chỉ mình ngành thể thao sẽ khó lòng xoay xở. Nó phải bắt đầu từ việc quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển các môn thể thao trọng điểm, chú trọng phát triển thể thao quần chúng, thể thao học đường để phát hiện HLV, VĐV có năng khiếu. Hơn ai hết người đứng đầu ngành thể thao phải là người có năng lực, trách nhiệm và lòng khát khao đưa thể thao Việt Nam ra sân chơi thế giới.

Bài hát cuối cùng của Olympic Tokyo 2020 do các cô giáo, học sinh Nhật Bản có tên “Gửi niềm hy vọng với những vì sao”. Chỉ 3 năm nữa ngọn đuốc Olympic Paris 2024 lại sẽ được thắp sáng, điều này khiến cho các nhà quản lý thể thao Việt Nam phải nhanh chóng lấy lại niềm tin và hy vọng của người dân bằng các thành tích cụ thể. Quan trọng hơn, đó là việc tạo cho mỗi người dân, mỗi một học sinh đều có điều kiện rèn luyện sức khỏe, để từ đó tạo nên một dân tộc khỏe mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần