Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Khi ý Đảng ngày càng gần lòng dân

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; quy định: “Mỗi Thành ủy viên phải dành ít nhất 1/3 thời gian đi cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân” đang được người dân ủng hộ.

Từ cổ chí kim, thời nào cũng vậy, chính quyền phải gần dân mới thấu hiểu và giải quyết tốt được các vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân. Ngay cả thời phong kiến, triều đại nào vua thường xuyên vi hành, lắng nghe ý kiến của người dân thì quốc thái, dân an và ngược lại.
Không phải ngẫu nhiên, ngay trong Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Ban Thường vụ đã chốt con số 1/3 thời gian đi cơ sở, vì tình trạng ngại đi cơ sở hiện nay là có thật. Ông giáo già chia sẻ: “Không nói đâu xa, ngay cấp uỷ chi bộ ta đây thôi, nhận xét về đảng viên tham gia ban quản trị các khu chung cư, cũng chỉ nghe dư luận nói… Trong khi bí thư chi bộ chỉ cần vài bước chân, gặp dân là biết đảng viên đó có làm tốt công tác hay không?”. Đúng là ở cơ sở mà cán bộ còn quan liêu thế thì khó mà chỉ đạo có hiệu quả công tác, tư duy ấy cần phải chấm dứt ngay.

Bà phụ nữ dân phố lại chia sẻ: “Điều tôi tâm đắc là trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy đã đưa 2 nội dung có tính cấp thiết, chiến lược cần ban hành nghị quyết chuyên đề. Đó là: Nghị quyết về công tác cán bộ và nghị quyết một số vấn đề về phát triển văn hóa để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp”. Đây thực sự là vấn đề nóng mà đảng viên và người dân quan tâm, điều cốt lõi để phát triển Hà Nội trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

“Theo các ông bà, dự kiến trong nhiệm kỳ này, Thành ủy tổ chức khoảng 26 hội nghị định kỳ và một số hội nghị chuyên đề là nhiều hay ít?”, Ms Biết Tuốt như thường lệ vẫn bất ngờ đưa ra những câu hỏi khó.

Bà Hài Tươi không cần suy nghĩ đã có ngay câu trả lời: “Không thể nói con số đó nhiều hay ít, cái chính là tại các hội nghị này chúng ta đều có được các nghị quyết sát với tình hình, thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Thành ủy trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội Thủ đô”.

Ông tổ trưởng dân phố giờ mới nói: “Người dân thì thấy nhiều cái mới, đầu tiên là chủ đề của Hà Nội năm 2021: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển. Như vậy, trong năm đầu tiên Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, điều quan trọng là phải tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với Đảng bộ TP, đối với Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp...”.

Ms Biết Tuốt lúc này vỗ vai ông dân phố nói như reo: “Một phát hiện hay, quá hay. Như thế là lần này Hà Nội của chúng ta quyết tâm đặt kỷ cương lên đầu để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Giờ đây, Hà Nội đề cao tư duy phát triển không phải là “quyền anh, quyền tôi”, mà phải phân cấp mạnh cho các quận, huyện, thị xã”.

Đến lúc này, tân bí thư chi bộ mới vào cuộc: “Tôi thích cái ý kiến của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ đạo “thành phố không chỉ phân cấp, ủy quyền mà sẽ đẩy mạnh giao quyền nhằm phát huy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã. Thành phố sẽ tăng cường hậu kiểm để bảo đảm việc thực hiện đúng” phải cởi trói như thế mới có thể đi nhanh được”.

Dường như người dân Thủ đô có cùng cảm nhận với Bí Thư Thành ủy: “Chúng ta đã nói nhiều, nghị quyết đã ban hành, quan trọng bây giờ là phải hành động với tinh thần đổi mới, sáng tạo và với tư duy phát triển”.

Người dân Hà Nội đang trông chờ những hành động cụ thể của các cấp ủy ngay sau Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội.