Hiện nay, các quy định cách ly, đóng cửa các phòng karaoke, gym, điểm vui chơi, tụ điểm giao thông… được triệt để chấp hành thì quy định “khoảng cách xã hội” 2m và cấm tụ tập trên 20 người lại chưa được thực thi nghiêm chỉnh.
Thực ra, trong dòng chảy cuộc sống chúng ta vô tình quên đi khoảng cách tối thiểu cần có. Ai làm nghề quản lý bay thì đều biết khoảng cách tối thiểu theo quy định giữa 2 máy bay là 5 dặm, vì tốc độ 1 máy bay bay cao là 8 dặm/1 phút, bay thấp cũng 5, 6 dặm/1 phút. Nếu phi công để khoảng cách xuống 4,9 dặm thì hệ thống TCAS (hệ thống chống va chạm trên không) của máy bay sẽ báo động.
Trong khi đó, theo điều 11 về giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe của Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định, nếu tốc độ xe hơi 100km/h thì khoảng cách tối thiểu là 70m, còn tốc độ 120km/h thì khoảng cách tối thiểu là 120m. Nếu bạn làm công tác chạy tàu đường sắt thì sẽ biết, cự ly hãm an toàn của 1 đoàn tàu từ 100km/h đến lúc dừng hẳn là 800m.
Nghĩa là con người và phương tiện di chuyển trên trái đất đều có cự ly giới hạn an toàn. Trong thời điểm dịch Covid-19, “khoảng cách xã hội” an toàn là 2m, để bảo vệ bạn và cho những người xung quanh. Rất nhiều người có vẻ dị ứng với quy định này và ra sức chống chế cho rằng không khả thi. Đó đây tại các siêu thị, chợ sân sinh… người vi phạm vẫn còn rất nhiều. Lâu nay chúng ta đã bỏ đi thói quen tốt là xếp hàng và khi ra đường không ít người bằng mọi cách cố nhoi lên phía trước.
Trước hết khi ký quyết định, hẳn các cấp có thẩm quyền đều lường hết những khó khăn của người dân. Nhưng đó là việc cực chẳng đã, nếu như không muốn thiết quân luật, cấm hẳn người dân ra khỏi nhà. Nếu quy định (luật) cấm tụ tập đông người và giữ “khoảng cách xã hội”, cơ hội cuối cùng để chống lây nhiễm không được thực hiện nghiêm, thì đúng là không còn phương án nào khả dĩ hơn.
Câu chuyện “khoảng cách xã hội” không chỉ riêng ở Việt Nam, mới đây quan mạng internet người ta đã thấy cảnh sát Ấn Độ cầm roi, đánh không thương tiếc những người không bịt khẩu trang và không giữ cự ly khoảng cách xã hội”. Người ta đã thấy trên các đường phố Ấn Độ, các cửa hiệu bán hàng như Việt Nam đã có ngay các công cụ chỉ dẫn và kiểm soát để phạt làm cột, vẽ ô chỉ vị trí, vẽ vạch đường.
Những cuộc tranh cãi liên tiếp trên truyền thông về việc đóng cửa các quầy bar, điểm vui chơi công cộng, tụ điểm đông người hay có cần quy định “khoảng cách xã hội” đã chấm dứt. Ngay cả chợ quê Ấn Độ, người dân sau nhiều lần chứng kiến cảnh sát ra tay đã chấp hành rất tốt quy định này.
Nhìn sang Singapore, cảnh sát nước này có vẻ còn nặng tay hơn. Nếu không chấp hành khoảng cách xã hội thì bị phạt 10.000 đô Sing hay 6 tháng tù giam, hay cả 2, nếu tái phạm. Tại bang Victoria (Australia), chính quyền cho biết, những trường hợp tụ tập hơn 2 người tại nơi công cộng sẽ bị phạt từ 1.600 AUD cho đến gần 10.000 AUD.
Nếu nhìn đường phố Mỹ sẽ khó thấy những nhóm đông trên 20 người và trong dòng người di chuyển vắng vẻ trên đường, người dân đều ý thức được giữ khoảng cách 2m. Ngay cả bến đợi xe bus, nhà ga xe lửa thì người dân cũng ý thức được điều đó và nghiêm chỉnh chấp hành.
Lời bài hát của bác sĩ Linh Vi (Hà Nội): “Bình tĩnh, nào ngồi yên/Đợi nắng, thắp lên hy vọng/Ước mơ những mùa xuân...” cùng tiếng đàn đã thắp nắng lên trong lòng người dân Thủ đô. Hãy ý thức giữ giãn cách xã hội, “Người Hà Nội cố lên!” trong thời điểm Việt Nam đang “cách ly toàn xã hội”.