[Tiếng dân] Không bỏ quên những thân phận cơ nhỡ

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 28/7, TP Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 diện rộng ở Thủ đô. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Thủ đô dự kiến kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022).

Số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (từ 18 - 65) của Hà Nội sẽ trên 11,3 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành nhiều nhóm theo thứ tự ưu tiên khác nhau để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine.
Hà Nội vẫn ghi nhận trung bình 60 - 80 ca mắc mới/ngày, có nhiều ca bệnh trong cộng đồng và chưa xác định được nguồn lây. Thành phố bắt đầu xét nghiệm diện rộng lên tới 3,3 triệu mẫu. Để bảo vệ cuộc sống yên lành của Thủ đô, chính quyền thành phố đã làm hết các khả năng có thể, tập trung mọi nguồn lực để dập dịch. Đế giờ, thành phố đã thực hiện Chỉ thị 16 gần cả tháng, chính quyền và người dân đều xác định không thể chủ quan với chủng Delta với hệ số lây nhiễm R0 quá cao đang làm khuynh đảo toàn cầu.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (http://tiemchungcovid19.gov.vn), Bộ Y tế dự kiến phân bổ cho Hà Nội 11.376.541 liều vaccine. Đến nay, đã phân bổ 2.944.710 liều vaccine cho Hà Nội, và Hà Nội đã hoàn thành tiêm 2.157.338 (trong đó 131.038 người tiêm đủ 2 mũi). Cuối tuần qua, thành phố tiếp tục được phân bổ thêm 584.884 liều của Bộ Y tế là những con số đáng mừng.

Nhưng có một thực tế mà khá nhiều tổ trưởng dân phố có trách nhiệm phản ánh, hiện Hà Nội có rất nhiều người sinh sống làm việc nhưng do nhiều yếu tố khác nhau, họ chưa hoặc không thể đăng ký tạm trú. Mà để tiêm vaccine, thực tế các phường đều chỉ căn cứ vào thường trú/tạm trú hoặc thậm chí danh sách bầu cử vừa qua để gửi giấy mời tiêm vaccine. Vậy nên, nếu không tính toán rất nhiều người dân vẫn đứng ngoài lề và bị bỏ quên trong chiến dịch tiêm chủng chống Covid-19 bằng vaccine đang triển khai khá quy mô.

Thực tình nếu để sót người trong độ tuổi tiêm chủng thì với tốc độ phi mã của virus, chủng Delta vẫn có thể lây lan trong cộng đồng. Người dân Thủ đô vui mừng khi nghe Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong lần làm việc với Hà Nội phát biểu: “Quan điểm chỉ đạo của T.Ư, Bộ Chính trị là phải ưu tiên, nhanh chóng đưa Thủ đô trở thành nơi an toàn, vững chắc từ đó kết nối, chi viện cho các địa phương khác”.

Chính quyền và người dân Thủ đô đều xác định con đường thoát khỏi Covid-19 duy nhất là phong tỏa và giãn cách xã hội sớm, cố gắng đưa số ca nhiễm về 0, và mở cửa lại xã hội sau đó. Muốn vậy, sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng với những người nghèo trong xã hội rất cần thiết theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Mới đây, Thường trực HĐND TP đã có quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây thực sự là tin vui với người nghèo Thủ đô, với những thân phận cơ nhỡ đang chạy ăn từng ngày. Dân nghèo Hà Nội không còn lo lắng chỉ được nhận trợ cấp “trên tivi” mà các nguồn cứu trợ đã đến tận các nhà trọ, các con hẻm nhỏ của thành phố với sực tích cực của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm.

Điều cuối cùng, từ trong các khu cách ly, người bệnh rất mong cộng đồng, báo chí đừng kỳ thị F0, F1, nặng nề gọi họ là đối tượng F0, F1. Chúng ta chống dịch Covid-19 chứ không phải chống người không may dính phải virus, hơn lúc nào hết người Hà Nội chúng ta cần đoàn kết, đồng cảm và đầy tính nhân văn để sớm cùng nhau khống chế được bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần