[Tiếng dân] Lá thư từ Singapore

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cháu là học sinh người Hà Nội, đang sinh sống và học tập tại Singapore. Những ngày này, từ Singapore cháu luôn hướng về Hà Nội, nơi gia đình và người thân đang chống chọi với đại dịch Covid-19.

Cháu được biết từ đầu năm 2020 đến giờ, Việt Nam đang triệt để tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch là: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị. Gần đây Bộ Y tế đã chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Muốn tấn công phải phát hiện nhanh, khoanh vùng nhanh… để hạn chế nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng.
Nhưng mô hình truy vết, phát hiện của chúng ta vẫn là gặp thủ công truyền thông lấy lời khai của F0 để tìm F1, rồi tập trung lấy lời khai của F1 để tìm F2, rồi lại chờ F2 khai ra F3… rất chậm và tốn thời gian, công sức. Hà Nội đã thành công, thậm chí được báo chí nước ngoài ca ngợi rất thành công với cách truy vết chỉ bằng hỏi đáp, cùng chiếc bút và tờ giấy như thế. Singapore cũng áp dụng cách làm thủ công ấy vào thời điểm đầu khi số lượng F0 tăng nhanh việc truy vết thủ công rất bất tiện, khiến nhân viên y tế rất vất vả, thậm chí còn lây bệnh nếu như tổ chức không tốt. Thực tế, tại các quảng trường, các sự kiện lớn khi tập trung đông người thì việc khai báo y tế là không thể.

Hiện nay tại Singapore người ta cài phần mềm TraceTogether trên smartphone. Chính quyền địa phương bố trí các đầu đọc khắp các địa điểm công cộng, nhà ga, bến xe bus, trung tâm thương mại, nhà hát, nhà hàng, khách sạn. Cứ nôm na là chỗ nào đông người, có lối vào, lối ra là có đầu đọc, mỗi người đi qua chỉ cần quẹt xoẹt phát rồi đi. Công dân Singapore có thể sử dụng một trong 3 thứ dùng để quẹt: Mã QR hệ thống truy vết TraceTogether cài sẵn trên điện thoại; căn cước cá nhân; token Covid (giống token ngân hàng để giao dịch online).

Các đầu đọc này đều được kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Mỗi khi xuất hiện ca Covid-19 nào thì hành trình, thời gian đi lại của người đó lập tức được nhập vào và hệ thống sẽ tự động gửi cảnh báo đến tất cả mọi người. Các thông tin từ các đầu đọc đưa về trung tâm CDC xử lý xong sẽ đưa ra các chỉ định để thực hiện các giải pháp tiếp theo. Chỉ cần mở điện thoại ra là người dân có thể biết mình có gặp nguy hiểm không.

Theo đó, nếu bạn nhận ngay được một cảnh báo “Positive exposure” trên điện thoại, đề nghị tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, và nếu có triệu chứng gì thì liên hệ theo số điện thoại ABC gần nhất. Sang ngày thứ 15, nếu mọi việc vẫn bình thường thì cái cảnh báo đó chuyển sang trạng thái “no exposure alerts”. Rất đơn giản thế cũng đủ Singapore quản lý được chặt chẽ hầu hết các F1, F2, F3… của một F0 nào đó mà không cần phải dùng sức người để đi truy vết một cách thủ công.

Hiện Singapore đã lắp đặt các automated gantry (khung tự động) ở các trung tâm mua sắm. Hệ thống này ngoài dùng để check in thì nó sẽ tự động đo nhiệt độ và xem người ta có đeo khẩu trang không thì mới mở cho vào.

Cháu được biết cái phần mềm này, năm ngoái cũng có một bạn học ở trường Đại học Việt Pháp đã viết được phần mềm này. Bạn ấy đã gửi đi Mỹ để xin học bổng du học và hiện nay đã sang Mỹ. Điều này cho thấy, với trình độ của các lập trình viên Việt Nam, việc có một cái app này không khó.

Việt Nam có 130 triệu thuê bao, nếu cài ứng dụng TraceTogether thành công sẽ giảm bớt vất vả của đội ngũ nhân viên y tế khi số lượng F0 ngày một tăng nhanh như hiện nay. Cháu nghĩ là Singapore họ chẳng tiếc chia sẻ công nghệ đâu. Vấn đề là phía Hà Nội có đầu mối tiếp nhận và được đầu tư, tạo điều kiện triển khai. Tất nhiên cái này phải rất đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đầu đọc do các địa phương tự mua sắm, cài đặt và kết nối vào hệ thống quốc gia, nhưng cháu tin Hà Nội muốn làm, sẽ được, dễ thôi mà.