Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Lòng vòng đường tới tấm huy chương

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành trình của bà Hoàng Thị Phát, con gái liệt sĩ Hoàng Văn Hán - người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn) thay mặt gia đình đi nhận huy chương cho người cha đã hy sinh đã gây xúc động hàng triệu người xem truyền hình VTV1 tối 20/9.

Ông giáo dạy Sử trường Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây 80 năm, ngày 27/9/1940, tại căn cứ địa Bắc Sơn, quân và dân ta đã tiến hành trận đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Ban chỉ huy khởi nghĩa nhanh chóng được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức, Nông Văn Cún do đồng chí Hoàng Văn Hán làm Chỉ huy trưởng; chọn địa điểm tấn công đầu tiên là đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chỉ kéo dài chưa đầy một tháng nhưng đã đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta”.

“Thưa thầy, đây có phải là tiền đề để chúng ta lập Đội du kích Bắc Sơn - một trong những đội vũ trang tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam hay không” - cậu sinh viên Bách Khoa thưa chuyện.

“Đúng rồi, khởi nghĩa Bắc Sơn gắn liền với sự ra đời của Đội du kích Bắc Sơn, tạo tiền đề cho Đảng ta thành lập Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn - một trong những đội vũ trang tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng thời xây dựng và củng cố căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai làm nòng cốt cho xây dựng và phát triển căn cứ địa Việt Bắc”.

Những đóng góp của cá nhân liệt sĩ Hoàng Văn Hán là điều đã được lịch sử ghi nhận. Nhưng câu chuyện hành trình 3 năm mà gia đình bà Phát đi khắp nơi để mong có được tấm huy chương dành cho người chỉ huy du kích anh dũng năm nào cũng là sự thật. Oái oăm thay, người ta viện cớ con dấu trong Giấy chứng nhận của Tổng bộ Việt Minh cấp năm 1947 giờ không còn giá trị (?!!).

Ngay từ 1947, Tổng bộ Việt Minh đã khẳng định: “Công cuộc cách đã mạng thành công. Tổng bộ Việt minh không thể không nhớ đến công lao của đồng chí Hoàng Văn Hán đã bị hy sinh. Muốn đáp lại công lao ấy, Tổng bộ Việt minh tặng một tấm huy chương”. Việc lúc đó Việt Minh chưa thể truy tặng ông tấm huy chương vì tình hình thực tế chưa thể tìm đâu ra 1 tấm huy chương. Để làm chứng, người đứng đầu Tổng bộ Việt Minh đã cấp Giấy chứng nhận số 09 giao cho vợ liệt sĩ Hoàng Văn Hán. Người vợ liệt sĩ do không biết chữ nên cất kín trong rương, mãi tận sau này người con gái cụ mới phát hiện ra.

80 năm đã qua đi nhưng hình ảnh người cha, người ông đi đầu trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn vẫn còn trong tâm trí những người thân và bà con. Đến giờ thì gia đình cũng chỉ cần tấm huy chương, như con gái cụ chia sẻ: “Tôi chỉ cần một tấm huy chương… để con cháu trong nhà biết được các cụ đời xưa làm được những gì…”.

Được biết, di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016. Nhưng một tấm huy chương để truy tặng người chỉ huy cuộc khởi nghĩa cách đây 80 năm, gia đình phải đi lòng vòng hơn 1.000 ngày gõ cửa hết các địa chỉ mà vẫn không xong thật khiến cho người ta suy ngẫm, băn khoăn.