Ảnh: Lâm Nguyễn |
Tại cuộc họp được Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, 15 DN chăn nuôi lớn đã cam kết hạ giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 nhằm hài hòa lợi ích giữa sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời góp phần kiểm soát CPI, nhất là trong bối cảnh nước đang chung tay chống dịch Covid-19. Các trang trại nhỏ cũng bắt đầu giảm giá. Tuy nhiên, thực tế giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng tại các chợ dân sinh, siêu thị vẫn dao động từ 140.000 – 200.000 đồng/kg tùy loại.
Trao đổi với báo chí, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân cơ bản nhất khiến giá thịt lợn ở mức cao trong nhiều tháng qua là do nguồn cung thịt lợn sản xuất trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến. Tuy nhiên, phía lãnh đạo Bộ NN&PTNT lại khẳng định nguồn cung thịt lợn trong nước dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đồng thời cho rằng, giá thịt lợn tại chợ, siêu thị cao là do qua quá nhiều khâu trung gian. Thực tế, trung bình mỗi 1kg thịt lợn đang phải “cõng” từ 6 – 7 khâu trung gian.
Trong khi người tiêu dùng phải cắn răng mua thịt lợn với giá cao, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thu nhập giảm sút, thì xem ra quả bóng trách nhiệm vẫn được đá qua đá lại giữa hai bộ chủ quản liên quan đến thịt lợn. “Không biết các ngành chức năng đang làm gì mà cứ để người dân mua đắt đỏ như thế?” – nhiều người bức xúc.
Anh Hoàng Nam Giang (quận Hoàng Mai) bày tỏ: “Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng nhau ra chợ mua thịt lợn rồi về yêu cầu cấp dưới tham mưu cho sát với thực tế. Có như vậy khi các vị phát biểu gì trên tivi, báo, đài cũng có cơ sở thực tế và làm người dân tin, an lòng hơn!”. Ngay lập tức quan điểm của anh Giang được rất nhiều người ủng hộ.
Rõ ràng, lâu nay, từ thực tế đến nghị trường vẫn còn khoảng cách rất xa. Nếu các Bộ trưởng không thâm nhập thực tế để nắm bắt, điều hành, thì không thể thấu hiểu tâm tư của người dân.