Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Tâm tư ngày “phân vùng”

Đèn Đường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cái tin đề xuất cả nước chia thành 7 vùng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 thay vì 6 vùng như hiện nay khiến tổ dân phố tôi như một ngày hội.

Đầu tiên là cô nhà báo Mỹ Hà, dân Tây học cho rằng có vẻ như ta đang học Australia, quốc gia có diện tích lớn thứ 6 thế giới, gấp 20 lần Việt Nam, dân số trên 23 triệu người. Họ không cần có phường, xã, thế mà vẫn quản lý đâu ra đấy. Các bang luôn biết cách phát huy sự tự chủ, tự cân đối được tài chính.
Biết chuyện, ông tổ trưởng dân phố đã ngoài 70 tuổi, chứng kiến nhiều lần khắc nhập - khắc xuất các tỉnh, rồi bộ, ngành băn khoăn: “Vậy thế mạnh của từng vùng là gì và mô hình quản lý 7 vùng sẽ như thế thế nào? Liệu nó có phải là một thực thể địa hành chính, cấp hành chính với tên gọi là ban chỉ đạo vùng hay không?”.
Ông Hải là cựu chiến binh, quê ở Thái Nguyên lại tâm tư: “4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang lâu nay đang giữ vai trò đầu tàu, động lực phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc. Giờ đây lại chuyển về vùng kinh tế Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ thì nhóm 10 tỉnh còn lại gặp khó khăn vì không có đầu tàu. Trong khi đó, 15 tỉnh thuộc khu Đồng bằng và trung du Bắc Bộ như đề xuất hiện nay là quá lớn.
Bà phụ nữ dân phố lại quả quyết: “Về địa lý, Long An và Tiền Giang thực chất không nằm trong lưu vực sông Cửu Long mà thuộc về khu vực Đông Nam Bộ. Vậy sao lại đưa vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long?”. Đang mải bàn việc tỉnh nào nên nằm vùng kinh tế nào, thì cậu Thành, Bí thư Chi đoàn thanh niên nói: “Thưa các bác, rốt cuộc chúng ta phân vùng để làm gì?”. Tuổi trẻ hoàn toàn có quyền được biết những thay đổi của cuộc sống xung quanh.
Lúc này mọi người mới ngớ ra. Ừ nhỉ, lâu nay bất cập không phải 6 hay 7 vùng kinh tế, nói chính xác là không phải chúng ta không có quy hoạch mà đang thiếu thể chế để liên kết, phát triển vùng. Việc phân vùng mà thiếu cơ quan điều phối, quản lý; chính sách tài khóa không có cấp vùng, đồng thời các chính sách liên kết vùng không có chế tài, chúng ta không tổ chức vùng kinh tế theo mô hình Liên bang như Australia, Mỹ, Thụy Sĩ... thì dù có triển khai đúng Luật Quy hoạch thì vẫn gặp khó.
Ấn tượng nhất vẫn là phát biểu của ông giáo trường Luật: “Về luật, Hiến pháp hiện nay không đặt ra vùng như một thể chế trong tổ chức chính quyền địa phương. Như vậy, việc xây dựng cơ chế quản lý vùng phù hợp thì việc quy hoạch vùng mới thực sự có ý nghĩa. Chúng ta vừa giải tán các ban chỉ đạo khu vực, vậy bộ máy của cơ quan phát triển vùng như thế nào là cả một vấn đề lớn”.
Đúng là nếu phương án đứng đầu vùng kinh tế là các chủ tịch tỉnh luân phiên, rồi phát triển vùng mà không có quỹ hợp tác thì có khi phân vùng, chỉ đề mà có vùng như trước đây, nặng về ký kết thi đua chứ không phải giải quyết gốc rễ của vấn đề.