[Tiếng dân] Vì sao phát biểu của GS Lê Quân lại dậy sóng?

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/7, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lê Quân (Cà Mau), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng: “Cần có chính sách thật tốt để con em nghèo học giỏi hoặc các em học giỏi có thể tiếp cận được học bổng và được đảm bảo quyền học đại học. Chúng ta cũng phải đảm bảo rằng học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành "học đại".

Ngay lập tức, phát biểu của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều người, trong số đó không ít người là các giáo sư, tiến sĩ tại các trường đại học, các luật sư và nhiều nhất vẫn là người dân nghèo đang có con theo học các trường đại học.
Thực ra, phát biểu của GS Lê Quân không mới, nếu không có dịch Covid-19 thì có khá nhiều trường đại học đã rục rịch tăng học phí. Năm học 2021 - 2022, nhiều trường đại học ở TP Hồ Chí Minh như Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Bách khoa... có mức học phí tăng cao. Trong đó, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh học phí cao nhất là 66 triệu đồng/năm đối với chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh. Đại học Kinh tế - Luật dự kiến học phí năm 2021 là 20,5 triệu đồng, năm 2022 ở mức 22,6 triệu đồng, năm 2023 thu 24,8 triệu đồng, năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 tăng lên 30 triệu đồng. Trong khi học phí hiện tại ở mức khoảng 9,8 triệu đồng/năm.

Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có mức học phí 32 triệu đồng/năm đối với các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt...; các ngành còn lại là 28 triệu đồng/năm. Trong khi năm ngoái, mức thu của sinh viên có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh là 14,3 triệu đồng, hộ khẩu tỉnh thành khác là 28,6 triệu đồng.

Nhưng trong bối cảnh chính phủ nhiều nước và nhiều trường đại học trên thế giới đang tìm cách hỗ trợ cho sinh viên bằng cách cắt giảm học phí và các khoản vay mượn đóng học phí của sinh viên để họ có thể phần nào giảm bớt khó khăn trong đại dịch Covid-19 thì đại biểu Quân lại làm việc ngược lại.

Thời gian gần đây, ngân sách nhà nước lại đang có xu hướng cắt giảm nên các trường đại học Việt Nam đang gặp nhiều áp lực khi khó khăn về kinh phí hoạt động và nâng cao chất lượng đào tạo. Khi nguồn thu của các trường đại học chủ yếu là học phí thì việc phải tăng khoản thu này là điều khó cưỡng lại. Nhưng rõ ràng phát biểu của GS Lê Quân tại Quốc hội chủ yếu đại diện cho các trường đại học hơn là đại diện cho người dân.

Những vấn đề mâu thuẫn giữa việc muốn nâng cao chất lượng đào tạo nhưng lại có học phí vừa phải không phải chỉ diễn ra ở các trường đại học Việt Nam, trong đó có Đại học quốc gia. Các trường đại học nổi tiếng trên thế giới vẫn phải tìm các giải pháp dung hòa. Hai công cụ để “phân tầng” mà các trường đại học nước ngoài thường dùng là: Một là tuyển sinh nhằm sàng lọc năng lực học sinh, hai là công cụ tài chính, mà cụ thể ở đây là mức học phí cao. Rất tiếc, GS Lê Quân chỉ đề cập sâu một vế.

Thực tế, công cụ tài chính thực ra đã được áp dụng ở hầu hết các chương trình đào tạo chất lượng cao của các trường đại học tốp đầu của Việt Nam. Theo đó, sinh viên phải đóng toàn bộ học phí, nhưng cạnh đó có chính sách miễn 100% học phí, giảm học phí hoặc cấp học bổng. Tiếc rằng, GS Lê Quân chỉ nói một vế của vấn đề khiến dư luận nổi sóng.

Giá như với vai trò Giám đốc trường đại học lớn nhất Việt Nam, tại nghị trường ông đề xuất thêm về chính sách tín dụng vay học tập, việc cho phép các trường đại học trích lập học phí để thành lập các quỹ học bổng, chính sách miễn giảm học phí, học bổng, vay vốn học tập cho sinh viên thì chắc chắn không bị phản ứng gay gắt như thế.

Hệ thống các trường công của Việt Nam, kể cả các trường đại học đều được xây dựng và được quản lý từ tiền thuế của dân. Ngành giáo dục phải thiết kế các quy định sao cho mọi người giàu nghèo đều có cơ hội được đi học, chọn được người giỏi và đào tạo ra người giỏi để phát triển đất nước. Nên chỉ nhăm nhăm dùng tiền để “cản”, không cho họ “lao vào đại học” chưa lúc nào là giải pháp tốt, được dư luận ủng hộ.