Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Xin chào cái cổng chào

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xưa nay, để cho người đi đường biết mình chuẩn bị đi vào lãnh thổ của vùng đất này, người ta thường dựng cái cổng chào hoặc biển hiệu, nhiệm vụ chính là chỉ dẫn.

Xuất phát từ nền văn hóa, khá nhiều TP châu Âu, chỉ cắm vài bảng hiệu đơn giản chứa đủ thông tin cần thiết. Đúng là cho đến nay, chưa có quy chuẩn nào về cổng làng, cổng xã, cổng huyện và nhất là cổng tỉnh. Nhưng từ ngày xưa, nguyên nội dựng cái cổng làng, các cụ nhà ta đã làm cẩn thận lắm, làng nào sơ sẩy là y như có chuyện ngay.
Hiện đang có chuyện phong trào “cổng chào” đang phát triển rầm rộ, khiến người hiền như bác Ba Phi - ông tổ nói dóc cũng thấy bất bình. Ai đời trong thời buổi Covid, “thóc cao, gạo kém” mà người ta dựng “Cổng chào Long Xuyên” trị giá 6,8 tỷ đồng thuộc dạng “xấu nhất quả đất”. Đến ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, vốn sau khi về hưu ít khi nói đến việc nhà quan, cũng khẳng định “việc xây dựng cổng chào TP Long Xuyên với tổng kinh phí trên 6,8 tỷ đồng trong bối cảnh đất nước đang khó khăn là lãng phí và chưa cần thiết”. Mấy ông bạn ngành xây dựng của bác Ba Phi cho hay, nếu được giao chỉ 30% kinh phí đó đã thấy mát trong lòng lắm rồi.
Sở dĩ có “Cổng chào Long Xuyên” là do trước đó, cái “Cổng chào Quảng Ninh” có giá thành 198 tỷ đồng, chiếm đến 75.363m² được thiết kế “lấy cảm hứng từ không gian trong các hang núi đá vôi - địa hình đặc trưng của tỉnh. Cổng chào có 8 khung vòm, mỗi khung vòm này lại bao gồm nhiều nhánh "xương” khác nhau, với cấu trúc lượn sóng riêng biệt”. Không biết trong quá trình “khám phá vòm chân trời” thì “cánh cổng sẽ ghi dấu ấn tượng trong ký ức mọi người” nhưng hậu thế sẽ mãi nghĩ về cái cổng này với giá thành gần 200 tỷ đồng với khá nhiều câu hỏi khó trả lời.
Nhớ đến “Cổng chào Bình Dương”có giá 40 tỷ đồng xây chưa được 3 năm (khánh thành 31/8/2010) đến năm 2013 đã tả tơi xuống cấp mà người ta không khỏi ngao ngán. “Hai cánh diều đang căng gió” nói lên khát khao vươn lên của Bình Dương chỉ tồn tại tới năm 2012 đã phải tháo dỡ, thay vào đó là một quả địa cầu đặt trên trụ trung tâm. Nhưng một năm sau đến lượt quả cầu này đã bị hư hại nghiêm trọng và chiếc cổng chào đã thành hình tượng xấu trong mắt người dân còn không ít quan chức Bình Dương đang bị cơ quan công an sờ gáy các vụ việc liên quan đến đất đai.
Mới đây, Bộ Công an đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp hồ sơ liên quan 17 dự án bất động sản và kết luận thanh tra về việc "phân lô, bán nền" do gia đình bà Phạm Thị Hường (54 tuổi, ngụ TP Thuận An) thực hiện. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo làm rõ các vụ việc.
Việt Nam hiện có có 58 tỉnh, 5 TP trực thuộc T.Ư, 77 TP trực thuộc tỉnh, 52 thị xã, 529 huyện. Khi các tỉnh, huyện không gương mẫu và cả việc thành kính tâm linh trong việc xây dựng biển hiệu, cổng chào các địa phương thì đã đến lúc Chính phủ cần có hẳn 1 nghị định quy định về vấn đề này.