Học tiếng Hàn, tiếng Đức để giao lưu, trao đổi
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Bình - Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) – nơi có nhiều năm triển khai giảng dạy ngoại ngữ 2 tiếng Hàn, tiếng Đức.
Bộ GD&ĐT đã có Quyết định 712 ban hành tiếng Đức và Hàn là ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT. Nhiều phụ huynh cho rằng, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến ở 150 nước nhưng tiếng Hàn, Đức thì không. Ông có đồng tình với quyết định của Bộ GD&ĐT?
- Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ GD&ĐT. Thứ nhất bởi chúng ta đang bước vào thời kỳ toàn cầu hóa thì tiếng Anh rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thế giới có rất nhiều thứ tiếng phổ biến ở những nước đang phát triển; chúng ta cần học hỏi, trao đổi, giao lưu về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Nếu chúng ta mà chỉ chăm chăm tập trung vào dạy tiếng Anh hoặc một vài ngôn ngữ khác như Trung, Nga, Pháp, Nhật là chưa đủ.
Thầy Nguyễn Quốc Bình- Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức ủng hộ quan điểm tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông. Ảnh: Internet. |
Đức, Hàn Quốc là những quốc gia phát triển và đang có những mối quan hệ rất tốt với chúng ta, nhất là về kinh tế, xã hội, ngoại giao. Và, khi nhu cầu là có thật vậy, tại sao chúng ta lại không đưa vào chương trình GDPT?
Về việc mọi người cho rằng tiếng Hàn, Đức không phổ biến, tôi lại nghĩ theo hướng khác. Khi chúng ta hiểu sâu về một ngôn ngữ đó sẽ thuận lợi hơn việc phải thông qua ngôn ngữ thứ 3. Ví dụ, chúng ta sang Đức làm việc mà sử dụng ngôn ngữ thứ 3 là tiếng Anh sẽ không chuyên sâu bằng nói tiếng Đức. Hay, chúng ta sử dụng tiếng Hàn trực tiếp với người Hàn sẽ tốt hơn là thông qua dùng tiếng Anh.
Liệu việc triển khai dạy tiếng Hàn, Đức trong chương trình phổ thông bắt buộc có thuận lợi, nhất là khi, những năm trước, Bộ GD&ĐT triển khai chương trình dạy tiếng Nga nhưng nhiều người không sử dụng được?
Đúng là giai đoạn trước, chúng ta đào tạo tiếng Nga một cách ồ ạt và không theo nhu cầu của học sinh.
Trong giai đoạn này, xu hướng toàn cầu hóa và nếu có tầm nhìn quốc gia, chiến lược thì việc dạy tiếng Hàn, Đức thuận lợi. Thứ hai, phụ huynh và HS đã có kiến thức, hiểu biết rất nhiều. Thứ ba, các nhà trường có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Số học sinh học ngoại ngữ 2 tiếng Đức tại trường THPT Việt Đức tăng dần lên qua các năm học. Ảnh: Ngọc Tú. |
Trước đây, khi mở ra tiếng Hàn, chúng tôi lúng túng thiếu giáo viên. Hay, khi học sinh đăng ký tiếng Đức nhiều quá cũng thiếu giáo viên.
Còn bây giờ, chúng ta đào tạo, chuẩn bị được đội ngũ giáo viên có trình độ tốt thì việc dạy học, triển khai thí điểm tiếng Đức, Hàn thuận lợi hơn rất nhiều. Bộ GD&ĐT đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thẩm định, các nhà trường có thể thông qua những những tiêu chí đó để biết tiếp tục triển khai ngoại ngữ 1 là tiếng Hàn, tiếng Đức hay dừng lại.
Số học sinh học tiếng Hàn, tiếng Đức ngày càng tăng
Ông chia sẻ rõ hơn về việc dạy ngoại ngữ 2 ở trường THPT Việt Đức trong những năm qua?
Hiện nay, một số trường học ở Hà Nội đang dạy tiếng Đức và có số HS theo học khá đông, ví dụ các trường chuyên ngữ, trường THPT Việt Đức; cấp THCS có trường Trưng Vương, Đống Đa, Chu Văn An. Tuy rằng tiếng Đức là ngoại ngữ 2 nhưng được HS và cha mẹ HS quan tâm. Việc thí điểm dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 cũng vậy.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình, việc phụ huynh chọn cho con học ngôn ngữ nào thì phải có mục đích, mục tiêu. Ảnh: Ngọc Tú. |
Ở trường THPT Việt Đức thí điểm ngoại ngữ 2 là tiếng Nhật, sau đó tiếng Hàn. Sau những năm triển khai, tôi thấy rằng nhà trường phải có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, có học sinh theo học. Sau khi nhà trường gửi thông tin tới HS và cha mẹ thì các em lựa chọn. Tất nhiên, số lượng HS đăng ký học tăng dần. Ví dụ, năm 2008 chỉ có 20 – 30 HS học tiếng Đức nhưng đến 2018 đã có khoảng hơn 100 HS. Trước đây, nhà trường bố trí học 2 tiết/ 1 tuần, sau đó các em tự nguyện học 6 – 8 /1 tuần. Mặc dù tiếng Đức là ngoại ngữ 2 nhưng kết quả kết quả học có khi còn cao hơn ngoại ngữ 1.
Trong giai đoạn này, Bộ GD&ĐT quy định có 7 ngoại ngữ để HS lựa chọn, như vậy rất đa dạng và linh hoạt. Giả sử HS học ngoại ngữ 1 tiếng Hàn thì học Ngoại ngữ 2 là tiếng Anh. Và, chưa chắc có những HS học ngoại ngữ 1 dùng để đi thi. Ví dụ, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đại học vừa qua, có những em học ngoại ngữ 1 tiếng Anh nhưng có thể thi tiếng Trung hay Pháp.
Ông có lời khuyên gì đối với cha mẹ học sinh?
Hiện nay vẫn đang là giai đoạn Bộ GD&ĐT thí điểm dạy tiếng Hàn, Đức là ngoại ngữ 1 nên cha mẹ HS cứ yên tâm. Bộ GD&&ĐT quy định ngoại ngữ 1 để nhấn mạnh môn học bắt buộc, còn lựa chọn để học hay không là do HS.
Việc phụ huynh chọn cho con học ngôn ngữ nào thì phải có mục đích, mục tiêu. Ví dụ, HS học tiếng Đức để sau này sang Đức du học. Hay, HS chọn tiếng Đức là ngôn ngữ thứ 2 để biết thêm 1 ngoại ngữ nữa. Hoặc là HS yêu văn hóa Đức, con người Đức và muốn tìm hiểu thì đăng ký học tiếng Đức. Việc học ngoại ngữ nào trong 7 ngoại ngữ bắt buộc hoàn toàn là do các em có nguyện vọng để thực hiện được mục tiêu của mình.
Xin cảm ơn ông!