Từ ngày 22/11 - 15/12 tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ tổ chức các buổi diễn xướng, thuyết minh của các nghệ nhân dệt tơ, nhiều sản phẩm được làm bằng tơ cũng sẽ được trưng bày, giới thiệu với những thủ pháp sản xuất mang hơi thở hiện đại để khắc họa về tiếng tơ bằng nhiều giác quan. Đó là trình diễn thời trang “Tiếng tơ” của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy - thương hiệu Trịnh Fashion; nhà thiết kế La Hằng - thương hiệu Áo dài La Hằng; nhà thiết kế Thùy Anh - thương hiệu TAF; tọa đàm “Câu chuyện tiếng tơ” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, nhà thiết kế hay biểu diễn âm nhạc nghệ thuật “Chuyện nhạc tiếng tơ” của nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Tiếng tơ của nghề dệt sẽ không chỉ còn bị bó hẹp ở các làng nghề, mà còn được đưa vào các không gian trưng bày của phố cổ Hà Nội để du khách trong nước và quốc tế cùng cảm nhận về truyền thống làng nghề, phố nghề của Thủ đô.
Trải qua hơn 1.000 năm văn hiến, các làng nghề xưa của Hà Nội vẫn còn in dấu ấn cho tới ngày nay. Hà Nội là nơi hội tụ, giao lưu, lan tỏa nghề truyền thống Việt Nam. Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Nghề làm tơ cũng là một trong những nét văn hóa thú vị của người Hà thành. PGS.TS Đỗ Thị Hảo - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết: “Hà Nội cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước, là thị trường giao lưu làng nghề trong nước và quốc tế lớn nhất của cả nước”.
Có những giai đoạn, các cửa hàng bán lụa ở Vạn Phúc bán nhiều đồ xuất xứ từ Trung Quốc, bởi vì chúng rẻ và đa dạng. Du khách và người tiêu dùng không còn mặn mà với sản phẩm làng nghề nơi đây. Nghệ nhân trăn trở giữ nghề. Nhưng rồi, khi giá trị thẩm mỹ và chất lượng được đề cao, những tấm vải lụa làm thủ công lại thắng thế. Lụa Vạn Phúc tìm lại được vị thế. Những mẫu áo dài được trình diễn trong “Tiếng tơ” lần này lại một lần nữa khẳng định giá trị bền vững của lụa Vạn Phúc. “Các sản phẩm của Vạn Phúc không chỉ được làm từ lụa tự nhiên mà còn có hoa văn truyền thống được tạo ra trong quá trình dệt tinh xảo. Mỗi sản phẩm của Vạn Phúc đều đã được cải tiến từ thế hệ này sang thế hệ khác, để đảm bảo chất lượng cao” - nghệ nhân lụa Vạn Phúc, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015 Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.
Theo nghệ nhân, NSƯT Phan Thị Thuận, ngoài là sự kiện ý nghĩa kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), chuỗi hoạt động văn hóa “Tiếng tơ” vừa giúp du khách liên tưởng, lại giúp người nghệ nhân giữ gìn được nghề dệt sợi truyền thống, phát triển nghề lên một tầm cao mới. Là người đã sáng tạo ra kỹ thuật dệt vải từ sợi tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết: Trong thời đại khoa học công nghệ dần thay thế sức lao động của con người, cơn lốc thị trường khiến cho các sản phẩm công nghiệp trở nên áp đảo trước những mặt hàng thủ công, nhiều nghề thủ công cũng theo đó mà dần trở nên mai một. Chính vì vậy, các hoạt động văn hóa nhân dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần này với chủ đề "Tiếng tơ" là dịp để các nghệ nhân làng nghề nói chung và làng nghề tơ lụa nói riêng ở Hà Nội được giới thiệu sản phẩm, kỹ thuật truyền thống đến với công chúng trong nước và nước ngoài.