Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp bài đổ trộm phân bùn bể phốt trên Đại lộ Thăng Long: Hé lộ nhiều bất cập

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định, đối với lượng rác phế thải bị đổ trộm, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm thu gom xử lý. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý lượng phân bùn, bể phốt bị đổ trộm cũng gặp không ít bất cập.

Khối lượng phân bùn bể phốt bị đổ trộm tại khu vực cầu Đào Nguyên đêm và rạng sáng 11/9 vẫn chưa được thu dọn. Ảnh: Công Trình
Thực tế khác xa báo cáo
Như báo Kinh tế & Đô thị đã nhiều lần phản ánh, tình trạng đổ trộm phân bùn bể phốt trên tuyến Đại lộ Thăng Long đã tồn tại trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, trong khi các lực lượng chức năng vẫn đang loay hoay ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm thì công tác thu dọn lượng phế thải bị đổ trộm cũng đang là một dấu hỏi lớn. Cụ thể, cuối tháng 7, UBND huyện Hoài Đức ban hành Công văn số 4238/UBND-TNMT giao Công an huyện chỉ đạo lực lượng thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp đổ chất thải ven Đại lộ Thăng Long. Đồng thời, yêu cầu các xã An Khánh, Song Phương, Vân Côn có trách nhiệm bố trí các điểm tập kết rác thải, chất thải rắn, tuyên truyền đến người dân phải đổ rác đúng nơi quy định...

Cũng tại văn bản này, huyện Hoài Đức giao UBND xã Song Phương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện thu gom, xử lý khối lượng bùn thải bể phốt bị đổ trộm theo quy định, xong trước ngày 2/8/2020. Thực hiện chỉ đạo này, UBND xã Song Phương đã có Báo cáo số 94/BC-UBND ngày 13/8/2020, trong đó có ghi “xã đã tổ chức thuê đơn vị vệ sinh môi trường tiến hành thu gom phế thải đưa đi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác khắc phục đã tiến hành xong”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, cùng phản ánh của anh Nguyễn Văn Sơn – Tổ trưởng Tổ sản xuất số 2 (Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Urenco) đơn vị chịu chịu trách nhiệm duy trì, đảm bảo vệ sinh môi trường trên tuyến Đại lộ Thăng Long, lượng phân bùn, bể phốt bị đổ trộm không hề được thu dọn. “Lượng phân bùn tồn đọng tại khu vực này lưu cữu từ ngày này sang ngày khác, nhiều đoạn phân bùn đã khô, trắng xóa” – anh Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Theo quy định tại Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chế tài nói trên chưa sức răn đe. Hơn nữa, Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP cũng chưa nêu rõ cụ thể chất thải rắn công nghiệp gồm những loại nào, lực lượng chức năng khó xử lý trong nhiều trường hợp.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc Chi nhánh Urenco Cầu Diễn, mặc dù là đơn vị duy nhất được cấp phép, đầu tư hệ thống xử lý phân bùn bể phốt trên địa bàn TP nhưng hiện nay khối lượng xử lý mới đạt 50 – 60m3/ngày, đêm (công suất thiết kế là 300m3/ngày, đêm). Ông Trần Văn Khải cho biết, đặc thù công nghệ xử lý phân bùn bể phốt tại Trạm xử lý phân bùn bể phốt Cầu Diễn là sinh học kết hợp hóa lý (sinh học là chủ đạo) nên không có khả năng xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, dầu mỡ. Thành phần chất thải đầu vào được đơn vị kiểm soát chặt chẽ, tránh gây hư hại hệ thống xử lý. "Do vậy, Urenco Cầu Diễn không ký hợp đồng tiếp nhận xử lý với đơn vị ngoài khi không kiểm soát được thành phần chất thải đầu vào (chủ nguồn thải)" - ông Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Theo một cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, ở Hà Nội chỉ có Chi nhánh Urenco Cầu Diễn được trang bị, cấp phép xử lý phân bùn bể phốt, nếu đơn vị thu gom không đưa phế thải về đây xử lý thì 100% là đổ trộm. Theo lý giải của vị này, các địa phương xung quanh Hà Nội như Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng có trạm xử lý phân bùn bể phốt nhưng với đơn giá xử lý thấp như hiện nay (122.000 đồng/tấn, chưa bao gồm thuế) thì trừ các chi phí như nhân công, xăng dầu... thì rất khó để DN đảm bảo việc làm ăn có lãi nên việc đổ trộm là điều khó tránh khỏi.