Tiếp bài "Mở bến xe khách sau 0 giờ": Nguy cơ biến tướng

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có ý kiến cho rằng, đề xuất mở thêm các tuyến xe khách liên tỉnh (XKLT) sau 0 giờ tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội có nguy cơ tái diễn tình trạng xe xuyên tâm; khiến vấn nạn xe “dù”, bến “cóc” càng trở nên nhức nhối trong trung tâm TP.

Hoạt động vận tải tại bến xe khách Mỹ Đình. Ảnh: Hải Linh
Cần hết sức thận trọng
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên phân tích, hiện có rất nhiều tuyến xe đường dài muốn chạy xuyên tâm TP để đón thêm khách. Một khi mở thêm khung giờ chạy đêm, các xe này sẽ lấy cớ nằm chờ để dừng đỗ xung quanh một số bến xe lớn, đặc biệt là Bến xe Mỹ Đình, hình thành các bến “cóc”, tiếp nhận khách và hàng suốt ngày đêm, gây mất an ninh, trật tự, ATGT trong trung tâm TP.
Lo ngại này không phải là không có cơ sở. Trong một thời gian rất dài, thậm chí cho đến hiện nay, tình trạng XKLT lập văn phòng, gom khách, nhận hàng xung quanh các bến xe lớn như: Mỹ Đình, Giáp Bát… vẫn chưa được xử lý triệt để. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận, không thể loại trừ khả năng việc đăng ký hoạt động trong giờ đêm chỉ là cái cớ để XKLT lại ùn ùn kéo nhau về lại Bến xe Mỹ Đình. “Đến lúc đó, lực lượng chức năng liệu có đủ nhân lực, sức lực xử lý vi phạm được không hay sẽ lại tái diễn một “chảo lửa” Mỹ Đình với bao nhức nhối, bức xúc trong dư luận Nhân dân như trước năm 2017” - ông Thắng đặt vấn đề.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại, nếu mở bến xe sau 0 giờ sẽ phát sinh hiện tượng xe “chạy dù” vào bến gom khách hay cố tình chạy xuyên tâm, phá tuyến, đón trả khách do khung giờ này lực lượng chức năng rất thưa thớt. Bên cạnh đó, không ít ý kiến lo ngại, nhiều DN vận tải thuộc diện phải điều chỉnh trước đây vẫn chưa nhận thức đúng, cho rằng việc mở bến sau 0 giờ sẽ giúp họ nối tuyến xuyên tâm, quay trở lại Mỹ Đình hoạt động. Theo một số chuyên gia, tư tưởng đó dẫn dễ dẫn đến tâm lý xin - cho, làm biến tướng chủ trương hỗ trợ phát triển vận tải của Sở GTVT Hà Nội.
Mặt khác, Bộ GTVT đã có quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải khách liên tỉnh, UBND TP Hà Nội cũng đã có quyết định quy hoạch mạng lưới này theo hướng tuyến Đông - Tây - Nam - Bắc. Năm 2017, Hà Nội đã mất rất nhiều thời gian, công sức để điều chỉnh mạng lưới XKLT theo trật tự.
Lo mất an toàn giao thông
Ông Lê Đình Dũng - Giám đốc điều hành nhà xe Hà Sơn - Hải Vân chia sẻ, việc cho phép xuất bến sau 0 giờ chỉ phù hợp với những tuyến chạy đường dài, có địa điểm du lịch. Với hành khách, việc đi xe ban đêm cũng chỉ là “bất đắc dĩ”, bởi ban đêm nguy cơ xảy ra mất ATGT cao hơn hẳn ban ngày. Đồng quan điểm, Anh Nguyễn Văn Tuấn (Hà Đông) cho biết: “Đôi khi có việc đi đâu xa phải đi xe đêm tôi cũng rất ngại. Tuy xe chạy nhanh hơn, nhưng đã có không ít vụ tai nạn thảm khốc do tài xế ngủ gật hoặc dùng ma tuý. Theo tôi nên khuyến khích mở thêm xe ngày chứ không phải đêm”.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm này, khi dịch bệnh Covid - 19 đang hoành hành, khiến hoạt động kinh doanh vận tải khách thiệt hại nặng, các DN còn đang cầm cự để tồn tại. Ví dụ như lượng xe trên các tuyến Hà Nội đi các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, khu vực Tây Nguyên… thực tế đã bão hòa, lượng khách không tăng đột biến. Thêm xe, thêm tuyến sẽ khiến sự cân bằng cung - cầu ngay lập tức bị phá vỡ, đảo lộn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, các DN có thể bị dồn đến chỗ phải chạy “dù” để có khách, có doanh thu. Ông Nguyễn Mạnh Thắng đề xuất: “Theo tôi, thay vì mở thêm tuyến XKLT, Sở GTVT Hà Nội nên tập trung giám sát, yêu cầu các DN vận tải nâng cao chất lượng phục vụ hành khách”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, XKLT đang lép vế, thua đau trước xe khách “trá hình”, cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy vai trò bảo đảm trật tự, xử lý vi phạm, làm trong sạch môi trường cạnh tranh, tạo điều kiện cho DN làm ăn chân chính phát triển. Nếu cho mở các bến xe sau 0 giờ mà lại buông lỏng quản lý thì hệ lụy tất yếu là xe “dù”, xe khách “trá hình” sẽ ngày càng nhiều hơn, gây hỗn loạn thị trường vận tải khách hơn.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, số vụ tai nạn giao thông xảy ra từ 0 giờ - 6 giờ sáng hôm sau chiếm khoảng 10% trên tổng số vụ. Đặc biệt, các vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời điểm này thường để lại hậu quả khủng khiếp hơn gấp nhiều lần những thời điểm khác trong ngày.

Đây là phương án nghiên cứu dựa trên đề xuất của một số bến xe và DN vận tải. Sở thấy hợp lý nên xây dựng phương án dự thảo, để tiếp tục lấy ý kiến, đạt đươc sự đồng thuận của liên ngành cũng như người dân, DN mới trình lên UBND TP và Bộ GTVT.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà