Tiếp nhận bàn giao dự án metro Cát Linh - Hà Đông: Sẵn sàng đồng bộ với hệ thống vận tải công cộng

Vũ Khoa – Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh – Hà Đông vận hành thông suốt, an toàn, và thu hút được tối đa nhu cầu sử dụng của người dân, đồng thời kết nối với các phương tiện công cộng, thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng một hệ thống tương đối hoàn chỉnh bằng các tuyến xe buýt đủ dày.

55 tuyến xe buýt sẵn sàng kết nối

Chiều 3/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận bàn giao mặt bằng dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông (2A). Theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, các đơn vị cần đảm bảo công tác an ninh trật tự trong ngày bàn giao tuyến đường sắt 2A về Hà Nội, “Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, vấn đề an ninh trật tự trong ngày thực hiện bàn giao cũng quan trọng không kém gì chạy tàu”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong ngày bàn giao, công ty đã chuẩn bị số lượng xe buýt chờ sẵn để phục vụ việc đi lại của người dân và thực hiện giải tỏa khi cần thiết. Trong 15 ngày đầu, sẽ có 2 loại tàu hoạt động, trong đó là 3 chuyến tàu tham quan chạy suốt tuyến, không dừng đỗ tại các ga. Những tàu còn lại là để phục vụ nhu cầu đi lại thông thường của người dân.
 Tàu sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong một lần chạy thử nghiệm. Ảnh: Phạm Hùng
Trong những ngày miễn phí, khách đi tàu được phát thẻ miễn phí. Số thẻ này sẽ được thu lại vào cuối ngày để công ty tính đếm, làm căn cứ báo cáo số lượng khách đi lại mỗi ngày. Báo cáo TP, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, về kết cấu hạ tầng xe buýt, đến thời điểm hiện tại, dọc hành lang tuyến ĐSĐT 2A đã đạt tổng cộng 55 tuyến buýt trợ giá hoạt động, bao gồm cả kết nối dọc và kết nối ngang.

Trước đó, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các công đoạn để bàn giao dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông cho TP Hà Nội phải được thực hiện trước ngày 10/11. Trong những ngày qua, người dân Thủ đô đang dành nhiều sự quan tâm đối với việc đưa dự án này vào hoạt động thương mại bởi có thêm một sự lựa chọn trong việc đi lại khi mà giao thông TP lưu lượng phương tiện cá nhân tăng cao, nhiều khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Do hướng tuyến cơ bản của dự án theo hướng tâm kết nối từ khu vực Tây Nam tới trung tâm TP, lộ trình chủ yếu qua các tuyến đường tập trung nhiều cơ quan, trường học nên sẽ thu hút trực tiếp nhu cầu đi lại của người dân dọc tuyến. Bên cạnh đó, năng lực vận chuyển của tuyến ĐSĐT 2A là rất lớn với gần 10.000 người/giờ. Do đó, việc cung ứng, giải tỏa hành khách từ các chuyến tàu cần phải đặc biệt chú trọng để đảm bảo khai thác tối đa năng lực vận hành của tuyến đường sắt.

Giảm 50% thời gian di chuyển

Theo báo cáo phương án kết nối vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến 2A, Hà Nội thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông để đạt tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) sau khi tổ chức lại, với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Trong đó 12 cặp điểm dừng được đặt trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 ga ĐSĐT Cát Linh; La Thành; Thái Hà; Láng; Thượng Đình; Phùng Khoang; Văn Quán; Hà Đông; Văn Khê; La Khê và Yên Nghĩa. 1 cặp điểm dừng cách ga Vành Đai 3 khoảng 200m và 40 điểm dừng giữa 2 nhà ga để tăng cường kết nối. Chưa dừng lại đó, sẽ có thêm 14 nhà chờ xe buýt được bổ sung trong thời gian tàu hoạt động, nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ xe buýt lên con số 28. Đồng thời bố trí các khu vực dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe khi sử dụng tuyến 2A.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng hiện nay hạn chế của xe buýt là tốc độ khai thác phương tiện thấp do phải hoạt động trong dòng giao thông hỗn hợp, việc đưa tuyến ĐSĐT 2A vào hoạt động thương mại đóng góp vai trò quan trọng trong mối quan hệ tương hỗ giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, thời gian di chuyển của người dân khi sử dụng ĐSĐT sẽ giảm đến 50% do sự riêng biệt của loại hình này. Ở chiều ngược lại, thời gian di chuyển dự kiến đối với xe buýt sẽ giảm xuống từ 30 – 40%.

Theo phương án kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường Cát Linh – Hà Đông. Các tuyến buýt sẽ được bố trí hợp lý để đảm bảo thuận lợi cho hành khách sử dụng khi chuyển tuyến với mục tiêu không để hành khách phải chuyển tuyến quá 1 lần trong hành trình. Các điểm dừng xe buýt được bố trí nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, trong đó khoảng cách điểm dừng xe buýt tới nhà ga không quá 500m.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứ nhằm giảm tối đa hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục dọc tuyến ĐSĐT 2A. Cụ thể là với 4 tuyến buýt 02, 21, 27, 33 với các phương án điều chỉnh thành tuyến thời gian hoạt động, chuyển thành tuyến kết nối ngang hoặc hợp nhất để vừa đảm bảo khai thác lượng hành khách trên tuyến, và không làm giảm số lượng phương tiện công cộng phục vụ người dân.

"Với trách nhiệm của chủ đầu tư, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội để triển khai các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng, đưa dự án vào khai thác, vận hành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ." - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông


Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn yêu cầu Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và các đơn vị liên quan phải tập trung cao độ, làm tốt công tác tiếp nhận, bàn giao dự án ĐSĐT 2A vì đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn, được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm. Trong quá trình vận hành, các quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn cho hành khách cần luôn được chú ý và không được có sai sót, chủ quan. Bên cạnh đó là theo dõi sát sao, đánh giá cụ thể đối với nhu cầu sử dụng ĐSĐT của người dân. Lắng nghe ý kiến đóng góp về quá trình phục vụ của nhân viên tại các ga nhằm đạt được sự hài lòng cao nhất của người dân.

Về công tác tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, các đơn vị có chức năng tổ chức cần điều chỉnh, báo cáo TP ngay nếu phát sinh vấn đề chưa hợp lý.