Lãnh đạo các địa phương này đang linh hoạt trong chỉ đạo, đưa ra những quyết sách phù hợp, an toàn. Đó không chỉ là trách nhiệm với người dân trên địa bàn mình quản lý, mà còn là cái tình, tinh thần nhân văn đối với đồng bào…
|
Người dân miền Tây hồi hương |
Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Chỉ trong mấy ngày đầu tháng 10 vừa qua, có gần 20.000 người Đồng Tháp từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... trở về địa phương. Tất cả đều được khám sàng lọc, xét nghiệm tầm soát và cách ly theo quy định.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng nhấn mạnh, quan điểm thống nhất của tỉnh là xem việc đón và tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người dân tỉnh nhà trở về địa phương là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Trên tinh thần đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu các địa phương kích hoạt và vận hành lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch; chủ động các phương án trong mọi tình huống đặt ở mức độ cao nhất, tận dụng tất cả các cơ sở làm khu cách ly, chuẩn bị cơ sở điều trị, các đội phản ứng nhanh, tổ y tế cộng đồng, các đội hình lấy mẫu…; giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình dân cư trên địa bàn; tiếp tục tầm soát nhanh, hiệu quả, không để phát sinh ca mắc trong cộng đồng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương chuẩn bị đón rước bà con an toàn, chu đáo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện thông điệp 5K và các quy định trong phòng, chống dịch bệnh.
“Việc tổ chức đón, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho bà con không chỉ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch mà còn góp phần nâng cao hình ảnh con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã chỉ đạo việc điều phối nhu cầu sử dụng lao động và nguồn lao động trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu khôi phục sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh, kể cả những người lao động ngoài tỉnh vừa trở về Đồng Tháp.
Tuyệt đối không để bà con đói
Tính đến trưa 5/10, tỉnh An Giang đã tiếp đón hơn 35.100 người dân hồi hương. Dù số lượng người về rất lớn nhưng địa phương vẫn nỗ lực tiếp nhận, chăm lo cho bà con chu đáo. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo thành lập Ban tổ chức tiếp nhận công dân An Giang từ các tỉnh, thành phố tự phát hồi hương.
Sau khi khám sang lọc, bà con đủ điều kiện được đưa về cách ly tại nhà, địa phương phải dán bảng cảnh báo, căng dây phía trước để người dân biết; đồng thời giám sát, theo dõi hàng ngày. Còn các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 sẽ được cách ly tập trung. Thực hiện tiêm bổ sung khi có vaccine; ưu tiên tiêm mũi 2 cho những ai đã tiêm mũi 1 và tuyệt đối không để người dân thiếu đói.
Khi hàng chục nghìn người dân về đến cửa ngõ An Giang, TP Long Xuyên đã bố trí các khu vực tiếp nhận với quy mô rộng rãi, giãn cách; phối hợp cùng các ngành hỗ trợ người dân về y tế, thức ăn, nước uống. Sau khi phân loại, sàng lọc, xét nghiệm, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, các huyện/thị xã trong tỉnh đã nhanh chóng tổ chức đoàn tiếp nhận công dân, đưa về các khu tiếp nhận ban đầu của địa phương.
|
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ngay trong đêm. |
Tính đến trưa 5/10, còn gần 1.800 người đang chờ để được tiếp tục đưa về quê. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ cho cách ly tại nhà và được hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm đầy đủ trong quá trình cách ly.
Bên cạnh đó, các “tổ hậu phương” cũng tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội, bố trí chỗ ăn, nghỉ để đón bà con về tại các điểm cách ly. Đồng thời, sát cánh cùng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện dẹp dọn, vệ sinh; Ủy ban MTTQ và các hội, đoàn thể các cấp cung cấp thực phẩm, nấu cơm, cháo, mì gói, bánh mì, nước uống, thuốc men… để bà con yên tâm khi trở về quê hương.
Ngoài ra, với những nơi điều kiện không đảm bảo cách ly y tế tại nhà, các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn cũng sẵn sàng dành chỗ để bà con cách ly miễn phí. Thậm chí, các đơn vị thuộc Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) đã di chuyển gần 300 cán bộ, chiến sĩ, nhường doanh trại cho người dân huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Tiếc Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang thống nhất hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố 500 triệu đồng và mua 200 tấn gạo trích từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán tỉnh để hỗ trợ công tác đón công dân về địa phương một cách chu đáo, nghĩa tình.
Tại Kiên Giang, ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, để kịp thời đón tiếp và hỗ trợ bà con tự phát về quê, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có công điện khẩn chỉ đạo tăng cường lực lượng đủ sức làm nhiệm vụ 24/24 tại các cửa ngõ của tỉnh để tiếp nhận, phân luồng người dân theo từng địa phương và tổ chức đưa bà con về tận nhà an toàn.
Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thành phố có người dân từ tỉnh về phải tạo điều kiện cho họ được về nhà sớm nhất và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định. Khi về đến địa phương, chính quyền tại đó tổ chức test nhanh Covid-19. Nếu ai có kết quả âm tính thì đưa về cách ly tại nhà, đồng thời giao cho ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản quản lý, theo dõi y tế đúng quy trình, quy định. Ai có kết quả dương tính thì đưa vào khu cách ly điều trị.
Nhờ vậy đã giải tỏa được áp lực tại các chốt cửa ngõ, tạo điều kiện cho bà con về địa phương nhanh nhất, tránh ùn ứ, ách tắc giao thông, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Kiên Giang chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, không để người dân thiếu đói…
Kiên Giang đón gần 400 thai phụ, người già về quê Ngày 5/10, gần 400 người dân Kiên Giang tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là thai phụ, phụ nữ vừa sinh con, người già yếu và người bệnh xuất viện chưa kịp về địa phương đã được tổ công tác tỉnh Kiên Giang đón về tỉnh. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hơn 30 xe, trong đó có 19 xe khách, 2 xe chở nhân viên y tế, nhân viên tình nguyện, 6 xe tải để chở phương tiện cá nhân của người dân, 8 xe cứu thương và 2 xe dẫn đường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đảm bảo trang thiết bị, thuốc cấp cứu thiết yếu để sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp nếu có xảy ra trên đường từ TP Hồ Chí Minh về Kiên Giang. Bệnh viện sản nhi đảm bảo hỗ trợ, chăm sóc tốt nhất cho phụ nữ mang thai, tiếp nhận đón thai phụ về địa phương. Tại điểm tập kết ở bến xe miền Tây (TP Hồ Chí Minh), người dân được kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2. Qua xét nghiệm có 2 trường hợp dương tính được vận chuyển bằng xe cấp cứu. Đoàn đã lập danh sách và bố trí người dân trên các xe để đưa về 3 điểm tập kết tại Kiên Giang. Một điểm ở TP Hà Tiên cho nhóm người dân trên địa bàn TP Hà Tiên, huyện Hòn Đất, huyện Kiên Lương, huyện Giang Thành và TP Phú Quốc. Điểm thứ hai tập kết tại Trường Dân tộc nội trú huyện Gò Quao để tiếp nhận người dân các huyện Giồng Riềng và Gò Quao. Các huyện còn lại thì ở tại khu cách ly tập trung của Ban Quản lý dự án trên địa bàn huyện Châu Thành. Sau đó từng địa phương sẽ có xe đến đón bà con về cách ly tại nhà, bàn giao cho xã, ấp, khu phố quản lý và thực hiện giám sát việc cách ly của bà con. Ban tổ chức cũng chuẩn bị thức ăn, nước uống để kịp thời hỗ trợ người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai khi trở về địa phương trên chuyến hành trình dài, đồng thời cũng bố trí sẵn các phòng để sẵn sàng có khu nghỉ ngơi cho bà con trong lúc đợi xe của các huyện, thị lên đưa về tận nhà. Hồng Lĩnh |