Tiếp sức cho nhà nông làm giàu

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành động lực giúp hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn TP vươn lên làm giàu.

 Chủ tịch Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội Lê Trọng Khuê.
Chủ tịch Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết như vậy khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện tiếp sức cho hội viên nông dân SXKD hiệu quả.
Khơi dậy ý chí vươn lên làm giàu
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”?
- Có thể khẳng định, đây là một trong những phong trào trọng tâm của HND TP Hà Nội. Phong trào đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng và thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Qua đó, khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu của hội viên, nông dân, giúp họ tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đồng thời, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo nông thôn Thủ đô.
Cũng từ sức lan tỏa của phong trào, các cấp Hội đã nhân rộng, phát triển mạnh mẽ, hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, toàn TP có 713 mô hình kinh tế tập thể, gồm: 178 mô hình chăn nuôi, 393 mô hình trồng trọt, 142 mô hình kinh doanh dịch vụ. Trong đó, nhiều hội viên, nông dân SXKD giỏi đã khẳng định vai trò là nòng cốt trong việc xây dựng các HTX, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, nhóm hộ liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, một số hộ đã thành lập DN với doanh thu lên đến hàng tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.
Một điểm đáng ghi nhận nữa là phong trào đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của TP và địa phương.
Cụ thể, các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân được triển khai ra sao, thưa ông?
- Nhằm tiếp sức cho nông dân phát triển SXKD, chỉ tính giai đoạn 2015 – 2019, Quỹ Hỗ trợ nông dân TP đã thẩm định, phê duyệt và giải ngân 3.129 dự án với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng cho 83.700 lượt hộ hội viên vay. Bên cạnh đó, các cấp Hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp cho 67.559 lượt hộ nghèo và cận nghèo vay tổng dư nợ hơn 1.900 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tín chấp cho 27.876 hộ vay với tổng dư nợ hơn 1.600 tỷ đồng.
 Nhiều hộ nông dân ở xã Kim An, huyện Thanh Oai vươn lên làm giàu nhờ trồng cam đường.
Trong 5 năm qua, các cấp HND TP đã phối hợp tổ chức hơn 14.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên; tổ chức cho gần 7.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia học tập thực tế tại nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài TP. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với các DN như: Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty Phân lân Văn Điển, Công ty Tiến Nông… cung ứng hơn 23.600 tấn phấn bón theo hình thức trả chậm giúp hơn 25.000 hộ nông dân kịp thời chăm bón cây trồng.
Cùng nông dân gỡ khó
Theo ông, hiện nay khó khăn của nông dân trong phát triển SXKD là gì?
- Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, nông dân Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất còn manh mún, chưa liên kết với nhiều DN để phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản... Đặc biệt, đa số hộ nông dân thiếu vốn dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao hoặc chuyển đổi sang nghề mới.
Trong khi đó, vốn tín dụng của các ngân hàng cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế mới đến được các hộ trung bình và kinh tế khá; mức cho vay vốn thường thấp hơn so với nhu cầu cần vay vốn của nông dân. Chưa kể, thời gian xét duyệt dài, hồ sơ vay vốn còn rườm rà, ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của nông dân. Ngoài ra, nông dân còn thường xuyên đối mặt với tình trạng bí đầu ra tiêu thụ nông sản hay “được mùa mất giá”.
Vậy đâu là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cũng như hỗ trợ hội viên nông dân hiệu quả, thưa ông?
- HND TP sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT thực hiện ủy thác cho các hộ nông dân vay vốn phát triển SXKD. Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi đảm bảo ATTP.
Đặc biệt, phối hợp với các DN, địa phương tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Về giải pháp lâu dài, Hội đã kiến nghị T.Ư Hội tổ chức các đợt tập huấn chuyên đề, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Hội; kiến nghị TP sớm đầu tư xây dựng các khu chế biến nông sản, các chợ đầu mối ở các địa phương nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Xin cảm ơn ông!
Giai đoạn 2015 – 2019, toàn TP có 3.257 hộ đạt danh hiệu  Hộ nông dân SXKD giỏi, trong đó có 276 hộ SXKD giỏi tiêu biểu được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng thưởng Bằng khen. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần