Tiếp sức cho sĩ tử “vượt vũ môn”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những suất cơm, chai nước miễn phí cho sĩ tử miền núi vừa là sự hỗ trợ cần thiết, vừa là sự quan tâm đầy tình cảm, tiếp thêm động lực cho các em trong kỳ thi quan trọng, mang tính “bước ngoặt” của cuộc đời.

Nấu cơm trưa cho sĩ tử miền núi
Ngay từ sáng sớm, hàng chục đoàn viên, thanh niên thuộc Huyện đoàn Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) đã chia nhau về 3 bếp ăn mượn được từ các trường học để nấu cơm trưa miễn phí phục vụ cho sĩ tử.
 Các đoàn viên, thanh niên tất bật chuẩn bị những phần ăn cho thí sinh.
Mỗi người mỗi tay, ai nấy đều cố gắng hoàn thành công việc thật nhanh để những suất cơm trưa ngon miệng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đầy đủ dinh dưỡng, kịp đến tay các thí sinh sau khi kết thúc môn thi vào buổi sáng.
Vẫn không ngơi tay nấu nướng, sửa soạn từng phần ăn cho “đàn em”, Phùng Thị Diệu Hương - Sinh viên năm nhất trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng hồi tưởng: “Giờ này năm trước, mình đang đầy căng thẳng, lo âu bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Lúc ấy, mình cũng nhận được những phần cơm chan chứa tình cảm từ các anh chị lớn hơn”.
Chính những phần cơm đó đã giúp Hương cảm nhận được sự quan tâm và thêm động lực để hoàn thành tốt bài thi của mình, chạm đến ước mơ bước vào giảng đường đại học.
“Tranh thủ kỳ nghỉ hè, em quay về quê mình làm tình nguyện, lại nấu cơm với mong muốn được góp một phần sức mình trong việc cổ vũ tinh thần, tiếp bước cho nhiều bạn học sinh miền núi khác”, Hương cười.
Đồng hành cùng thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cùng các cơ sở đoàn trực thuộc đã thành lập những đội tình nguyện nấu cơm, chuẩn bị bữa trưa miễn phí cho thí sinh miền núi tham gia kỳ thi vì đa phần các em đều có nhà ở xa địa điểm thi, điều kiện đi lại khó khăn.
 Các suất cơm miễn phí được trao tận tay cho thí sinh.
Nhà Đinh Thị Vanh ở thôn Đăk Be, xã Sơn Tân (huyện Sơn Tây), cách điểm thi tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng chừng 15km. Nếu phải đi - về giữa 2 điểm để ăn trưa thì Vanh còn rất ít thời gian để nghỉ ngơi và xem lại bài cho môn thi buổi chiều.

Do đó, Vanh rất xúc động khi nhận được bữa trưa miễn phí: “Cơm các anh chị tặng, em ăn rất ngon với đầy đủ các món rau, cá, thịt. Đây là bữa cơm ý nghĩa và đáng nhớ nhất, tiếp thêm sức để em vượt vũ môn”.
Đồng hành cùng sĩ tử
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 13.500 thí sinh với 34 điểm thi. Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cùng các huyện đoàn hỗ trợ hơn 600 suất cơm cho thí sinh tại các huyện miền núi gồm: Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Tây, tạo thêm điều kiện để các em an tâm làm bài, hoàn thành tốt kỳ thi.
Riêng Huyện đoàn Sơn Hà còn vận động được thêm kinh phí hơn 17 triệu đồng, chuẩn bị trên 500 suất cơm trưa cùng nước uống cho tất cả thí sinh trên địa bàn huyện. Các mẫu thức ăn đều được test an toàn thực phẩm trước khi cấp phát cho thí sinh.
 Các suất cơm đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Điều kiện kinh tế ở các huyện miền núi còn khó khăn nên sau khi kết thúc học kỳ 2, nhiều học sinh cuối cấp đã tranh thủ đi làm ăn xa. Đến khi dịch Covid-19 gây khó khăn trong tìm việc làm, các em mới quay trở về nhà. Với mong muốn các em có được bằng tốt nghiệp công nhận 12 năm đèn sách, chúng tôi cũng triển khai phân công lực lượng theo thông tin báo cáo từ nhà trường đến tận nhà vận động và chở các em đi thi khi đã có thẻ dự thi”, anh Nguyễn Văn Biện - Bí thư Huyện đoàn Sơn Hà chia sẻ.
Bên cạnh những phần cơm trưa dành cho sĩ tử miền núi trong 2 ngày thi (7/7 - 8/7), Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh còn trao học bổng cho thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và chuẩn bị đầy đủ nước uống, quạt tay, khẩu trang, chai nước sát khuẩn với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng để hỗ trợ cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT trên toàn tỉnh.
 Tặng học bổng cho các em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chương trình Tiếp sức mùa thi được bắt đầu từ những chuyến xe đi đến Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế..., tìm nhà trọ giá rẻ cho các bạn thí sinh tỉnh nhà tham gia dự thi.
Sau 20 năm, chương trình đã được thay đổi để thích ứng với quy chế thi của từng giai đoạn, thay vào đó là những đội hình phản ứng nhanh, đội hình hỗ trợ thí sinh ở xa di chuyển, đội hình tổ chức nấu cơm, đội hình đảm bảo an toàn giao thông, đội hình làm tấm kính chống giọt bắn, tai giả phòng Covid-19…, sẵn sàng đồng hành cùng thí sinh và người nhà thí sinh.

“Là người làm công tác tiếp sức mùa thi, tôi rất vui và tự hào khi chương trình đã đi được một chặng đường khá dài. Tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục được đồng hành, hỗ trợ nhiều học sinh hơn nữa trong các chương trình Tiếp sức mùa thi tiếp theo”, chị Hằng chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần