Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục chống úng sau bão số 3

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do nguồn nước từ các sông dồn về lớn nên tính đến ngày 22/8 tại một số huyện ngoại thành Hà Nội vẫn còn tình trạng ngập úng.

Các địa phương vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp chống úng cho cây trồng, giúp Nhân dân sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Nước ngập vào nhà dân tại xã Phú Cát, huyện Quốc Oai.
Nước ngập vào nhà dân tại xã Phú Cát, huyện Quốc Oai
Tại huyện Quốc Oai, nước sông Tích lên nhanh khiến một phần diện tích lúa, hoa màu, thủy sản của một số địa phương vùng trũng thấp của huyện Quốc Oai bị ngập sâu như Cấn Hữu, Liệp Tuyết, Ngọc Liệp, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Cát… Đáng chú ý, xóm Phú Cao, thôn 1, xã Phú Cát và thôn Bến Vôi, xã Cấn Hữu đã bị nước cô lập, ngập vào sân nhà, công trình phụ của nhiều hộ dân. Theo báo cáo của UBND xã Cấn Hữu, đến chiều 22/8, toàn xã có 8ha lúa bị ngập úng, trong đó có 2ha ngập nặng. Mặc dù nước đã rút khoảng 10cm so với ngày hôm trước song vẫn còn 29 hộ dân của thôn Bến Vôi vẫn bị cô lập. Hiện, Ban Chỉ huy PCTT huyện Quốc Oai và xã Cấn Hữu đã điều xuồng máy để hỗ trợ người dân trong thôn đi lại.  

Trong ngày 21/8, Ban Chỉ huy PCTT huyện Quốc Oai tiếp tục có lệnh báo động số 1 lũ ven sông Đáy. Hôm nay (22/8), Ban Chỉ huy PCTT huyện Quốc Oai đã cử các thành viên xuống kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả do mưa bão tại các xã.

Tại huyện Phúc Thọ, đến chiều 22/8, toàn huyện còn hơn 310ha bị ngập úng, trong đó có 157ha bị ngập trắng, tập trung ở hai xã Tích Giang và Trạch Mỹ Lộc. Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ và các xã đang vận hành gần 20 máy bơm để chống úng cho cây trồng. Ngày 22/8, UBND huyện Phúc Thọ cũng có văn bản hướng dẫn khắc phục ngập úng và phục hồi sản xuất sau ngập úng. Trong đó yêu cầu các xã, thị trấn tập trung nhân lực khơi thông dòng chảy, vận hành hết công suất các trạm bơm tiêu, căn cứ vào tình hình thực tế để khoanh vùng bơm tiêu cục bộ bảo vệ diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng. 

Ông Nguyễn Việt Liên – Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, huyện yêu cầu Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật cử nhân viên bám sát đồng ruộng để hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất. Đối với những ruộng lúa bị ngập có khả năng phục hồi, sau khi nước rút, té rửa lớp bùn trên lá và tập trung chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt. Đối với diện tích lúa bị ngập sâu, chết cây thì khuyến cáo nông dân chủ động chuyển sang trồng cây vụ Đông sớm.

Tại huyện Ba Vì, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn cộng với lượng nước của các trận mưa trước cơn bão đã gây ra tình trạng sạt lở, ngập úng trên diện rộng, làm hệ thống kênh tiêu của huyện bị tê liệt. Ước tính toàn huyện có trên 1.765ha lúa, hơn 140ha hoa màu, 330ha thủy sản bị ngập úng. Mưa lớn liên tiếp trong nhiều ngày liền đã gây ra tình trạng sạt lở đất ở một số xã như: Ba Vì, Tản Lĩnh, Yên Bài và sạt lở đất bờ sông thuộc địa phận các xã Thái Hòa, Chu Minh, Cam Thượng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của Nhân dân.

Ngày 22/8, Chủ tịch UBND huyện Bạch Công Tiến đã đi thăm, kiểm tra tình trạng sạt lở đất bờ sông ở thôn Trung Hà (xã Thái Hòa), thôn Thịnh Thôn (xã Cam Thượng) và tình hình ngập úng ở xã Vật Lại. Ông Bạch Công Tiến chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

Trong đó, tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi sau ngập úng. Đồng thời củng cố, tu bổ bờ vùng, bờ thửa, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu, thủy sản. Đối với các xã bị sạt lở, cần cử người theo dõi, giám sát chẽ chẽ tình trạng sạt lở 24/24 giờ và bố trí lực lượng thường trực, kịp thời sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm bị ảnh hưởng do sạt lở.