Tiếp tục đến gần hơn với người lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Muốn chăm lo tốt cho người lao động (NLĐ) cần phát huy cao nhất vai trò không chỉ riêng của tổ chức công đoàn (CĐ), mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các bên, nhất là chính quyền và chủ sử dụng lao động”.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Đặng Minh Thuần khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trước thềm Tháng Công nhân 2015 (tháng 5).

Vẫn “nóng” chuyện nhà ởTiếp tục đến gần hơn với người lao động - Ảnh 1

Những năm vừa qua, trong rất nhiều vấn đề thiết thân với công nhân lao động (CNLĐ), nhà ở vẫn là một vấn đề rất bức xúc. Ông có thể cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhu cầu này được đáp ứng thế nào?

- 8 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) tại Hà Nội có gần 400 dự án cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động, thu hút 140.000 NLĐ, trong đó khoảng 80.000 người có nhu cầu nhà ở. Tuy nhiên, TP mới có khu nhà cho công nhân tại xã Kim Chung (Đông Anh) quy mô 11.000 căn, Phú Nghĩa: 800 căn, Thạch Thất, Quốc Oai: 2.000 căn. Những con số này cho thấy, khoảng cách giữa “cung” và “cầu” vẫn còn khá xa. Còn về thiết chế hạ tầng phúc lợi đi kèm nhà ở như nhà trẻ, mẫu giáo, nhà văn hóa…, mới có khu Kim Chung vừa khởi công nhà trẻ và đang thiết kế nhà văn hóa.

Trong chuyến thăm khu nhà ở Kim Chung vào đầu năm nay, một vấn đề khiến chính Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng phải đặt câu hỏi: Đây là mô hình nhà ở kiểu mẫu với quy mô đáp ứng trên 11.000 CNLĐ đã vận hành từ năm 2008, tại sao đến nay mới thu hút 5.000 công nhân? Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Tôi cho rằng, không phải công nhân không mong muốn có chỗ ở phù hợp, mà ngược lại, nhu cầu đang rất lớn. NLĐ vào đó thuê nhà luôn được hỗ trợ về giá, nhưng họ vẫn không thích. Bởi lẽ, có những tòa nhà thiết kế cũ, rất đông người nhưng chỉ có một khu vệ sinh. Quan trọng hơn, công ty quản lý chung cả khu có hệ thống bảo vệ vòng ngoài, vào đến từng tòa nhà lại có hệ thống vệ sĩ của từng DN (là đơn vị đứng ra ký hợp đồng để cho CNLĐ của mình thuê). NLĐ gần như phải… “chạy lính”. Sau 22 giờ là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chính cơ chế quản lý bất cập đó, nên thà họ bỏ ra vài trăm ngàn để thuê nhà dân bên ngoài để được đi, về theo ý muốn.

Thực ra, nếu lấp đầy cả 11.000 CNLĐ thì các khu nhà này cũng mới đáp ứng được 1/3 trong số 33.000 CNLĐ hiện có ở xã Kim Chung. Còn các nơi khác như KCN Nội Bài, Quang Minh… đều chưa có nhà cho công nhân. 
Từ đầu năm đến nay, các cấp CĐ đã phối hợp với bộ phận chuyên môn và chính quyền đồng cấp chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, với 99,06% đơn vị đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và 43,16% đơn vị tổ chức hội nghị NLĐ.

Vậy, dưới góc nhìn của người làm CĐ, theo ông, cần giải quyết những bất cập này thế nào?

- Tôi cho rằng, với quy mô thiết kế dân số tại các khu nhà như Kim Chung gần bằng một phường, cần tiến tới cơ chế quản lý như với một chung cư bình thường: Có chính quyền và công an khu vực, làm sao sinh hoạt tiện nhất. Bởi vậy, trong Tháng Công nhân, chúng tôi kiến nghị chính quyền TP: Nghiên cứu xây dựng các khu nhà ở xã hội bán cho CNLĐ tại KCN (giống mô hình ở Bình Dương), chứ không phải nhà thu nhập thấp. Rất cần những căn chỉ 30m2, có gác lửng, đủ cho mọi sinh hoạt tối thiểu. Công nhân bỏ ra 90 - 100 triệu đồng là mua được, mà chỉ phải nộp trước 20%, còn lại trả dần 600.000 đồng/tháng, sau 7 năm sẽ trả hết. Như thế, họ mới hy vọng có chỗ ở ổn định, còn nếu cứ thế này không biết sẽ đến đâu, con cái chẳng biết gửi ai để đi làm…

Chung tay, quyết liệt nhiều giải pháp
Điều kiện làm việc tốt, người lao động sẽ gắn bó với doanh nghiệp
Lương, thưởng, BHXH, điều kiện làm việc và sinh hoạt... được thực hiện tốt hay không luôn là những tiêu chí để NLĐ quyết định việc gắn bó lâu dài với DN. Theo chia sẻ của đa số công nhân cũng như chủ sử dụng lao động tại Hà Nội, điều kiện lao động sản xuất hiện đã được cải thiện rõ nét, song chính sách chăm lo cho NLĐ vẫn cần nỗ lực rất nhiều...

Cùng với nhà ở thì lương, thưởng, bảo hiểm xã hội (BHXH)… cũng là mối quan tâm lớn của NLĐ. Thực hiện quy định lương mới từ đầu năm nay, các cấp CĐ đã kiểm soát tại DN ra sao để bảo vệ quyền lợi của CNLĐ, thưa ông?

- Áp dụng mức lương tối thiểu vùng, nhìn chung các DN tại Hà Nội triển khai khá tốt. Đặc biệt tại KCN - KCX, nơi chiếm 90% số vụ tranh chấp đình công, chúng tôi chưa nhận được thông tin xấu nào. Thực ra, tiền lương của CNLĐ mới đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu tối thiểu, mà đa số chủ DN tại Hà Nội đã trả lương vượt khung rồi, chưa kể tiền ăn ca, xăng xe…

Như vậy, tăng lương không tác động lớn đến DN, mà băn khoăn nhất là việc đóng BHXH theo lương đó. Hiện vẫn còn tình trạng DN trốn hoặc chậm đóng BHXH cho NLĐ sau khi đã trừ lương của họ, khiến NLĐ gặp khó khi chuyển sang nơi làm việc khác hay về hưu. Với vai trò là một trong những cơ quan giám sát, chúng tôi phải khẳng định, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thanh tra Luật BHXH, đã thành lập 3 đoàn thanh tra cấp TP về nợ BHXH và chỉ đạo các quận, huyện thành lập các đoàn tương tự.

Nhưng thực tế, những bất cập trong thực hiện BHXH cũng là một nguyên nhân gây tranh chấp. Trước sự việc gần 9 vạn công nhân ở TP Hồ Chí Minh ngừng việc tập thể để phản đối Điều 60 Luật BHXH, Hà Nội có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng tương tự? 

- Tại huyện Ứng Hòa, đầu tháng 4/2015 cũng xảy ra đình công của hơn 300 CNLĐ Công ty Macco (liên doanh dệt may với Hàn Quốc), nhưng chỉ do thời gian, định mức lao động. Ngoài sự việc đó, đến nay, CNLĐ trên địa bàn đã yên tâm hơn. Tuy nhiên, LĐLĐ TP xác định vấn đề này cần đặc biệt quan tâm, làm sao tránh hành động bột phát, mất ổn định quan hệ lao động, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Chúng tôi đã yêu cầu LĐLĐ quận, huyện nắm bắt tình hình và quán triệt các CĐ cơ sở có sự giải thích rõ ràng với NLĐ. Nhưng tôi nghĩ, bản thân các chủ sử dụng lao động phải nhận thức rõ, CNLĐ là nguồn lực chính giúp DN phát triển ổn định, nên cần phối hợp với CĐ để tuyên truyền tốt, bằng mọi cách phải thực hiện chính sách cho NLĐ đúng quy định, tránh tình trạng như xảy ra tại Công ty Macco vừa qua.

Để hạn chế tối đa đình công, biểu tình, góp phần ổn định tư tưởng và đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CNLĐ, trong Tháng Công nhân 2015 này, LĐLĐ TP sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?

- Trong tháng 5 này, các cấp CĐ TP xác định đây là tháng hoạt động cao trào hướng về NLĐ. Nhưng để thực sự “có ích với NLĐ”, phải biết được NLĐ muốn gì và chính quyền cần tham gia giải quyết việc gì. Tại Hà Nội, hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo UBND TP, LĐLĐ với NLĐ, cùng dự có Thường trực Thành ủy, Tổng LĐLĐ và 25 sở, ngành liên quan đã trở thành thường niên hàng năm và năm nay cũng tiếp tục duy trì, tôi cho rằng, đây là hoạt động trọng tâm thiết thực nhất của Tháng Công nhân, góp phần giải quyết những bức xúc của CNLĐ. Sau đó, trong năm 2015, LĐLĐ tiếp tục tổ chức gặp gỡ riêng CNLĐ ở KCN Phú Nghĩa - có tới 10.000 lao động, trong khi vấn đề nhà trẻ, đường gom, cầu vượt… đang rất khó khăn.

Bên cạnh đó, LĐLĐ TP sẽ triển khai 60 nhà “mái ấm CĐ”; hỗ trợ, thăm hỏi NLĐ; phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức chiếu phim, hát cho công nhân nghe tại những KCN có đông CNLĐ... Cũng trong tháng 5 này, hoạt động rất thiết thực là LĐLĐ tổ chức tôn vinh công nhân giỏi, hội thi tay nghề cao. LĐLĐ TP đã yêu cầu các quận, huyện phát động Tháng Công nhân để lan tỏa đến DN, từ đó họ sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ CNLĐ tương tự cấp TP.

Xin cảm ơn ông!
Ông Phạm Hữu Hùng - Chủ tịch Công ty CP Kim khí Thăng Long:
Cần thêm nhiều chương trình đào tạo nâng cao trình độ
Tiếp tục đến gần hơn với người lao động - Ảnh 2Xuyên suốt từ lãnh đạo đến CĐ của Công ty luôn nhận thức rõ, chăm lo cho NLĐ theo đúng chính sách Nhà nước là nhiệm vụ và trách nhiệm phải làm. Các chính sách của Nhà nước về lao động được chúng tôi cập nhật thường xuyên và điều chỉnh kịp thời. Do vậy, chế độ với CNVCLĐ được đơn vị thực hiện đầy đủ, trong đó có một số việc thực hiện tốt: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ ngoại tỉnh; hỗ trợ 100% tiền ăn ca, ăn trưa; NLĐ làm thêm giờ được trả lương theo quy định Nhà nước… Bên cạnh đó, công tác bảo hộ lao động luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, không những trong sản xuất mà cả trong thời gian NLĐ đi và về nhà (quán triệt 100% NLĐ đội mũ bảo hiểm).
Các chính sách chăm lo cho NLĐ của Nhà nước hiện nay đầy đủ, song thực hiện như thế nào thì cũng tùy thuộc vào từng DN và sự chỉ đạo của các cấp. Với riêng Hà Nội, tôi thấy sự chỉ đạo tương đối tốt, có hệ thống và phối hợp của các cấp để chăm lo đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ, đặc biệt có vai trò của tổ chức CĐ từ TP đến các cấp cơ sở. Cá nhân tôi xin đề xuất chính quyền và CĐ các cấp cần đưa ra nhiều chương trình hướng về NLĐ hơn, nhất là các chương trình đào tạo nâng cao trình độ cho CNLĐ.
Chị Trịnh Thị Hương - Công nhân Công ty TNHH MTV Nội thất Xuân Hòa:
Tăng tiền hỗ trợ cho công nhân tại khu vực độc hại cao
Tiếp tục đến gần hơn với người lao động - Ảnh 3Tại công ty tôi làm hiện nay, mọi điều kiện sản xuất, nhất là trang thiết bị bảo hộ lao động được đảm bảo tương đối tốt. Mức lương công nhân như tôi được hơn 3 triệu đồng/tháng, cùng với chồng cũng là công nhân, dù chưa thể đủ cho cuộc sống sung túc nhưng cũng tạm ổn để lo cho một đứa con ăn học.
Về cơ chế chính sách, nếu đòi hỏi thì rất nhiều nhưng chúng tôi cũng chỉ mong được đáp ứng phần nào và xác định tự mình phải cố gắng. Nói riêng về tiền lương tối thiểu, thường thì chỉ bộ phận hành chính sự nghiệp, còn đối với khu vực sản xuất chưa được tăng, mà vẫn là làm nhiều hưởng nhiều - làm ít hưởng ít. Do đó, chúng tôi mong muốn được tăng lương thêm một chút thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Về nhà ở, thực ra Công ty đã lo xây nhà tập thể rồi nhưng chỉ đáp ứng được một phần, còn lại NLĐ vẫn phải ra ngoài thuê. Bởi vậy nếu có thể, TP và Công ty cần có chính sách để hỗ trợ thêm tiền thuê nhà cho NLĐ. Đặc biệt về môi trường làm việc, nếu có thể nên quy định nới thêm giờ nghỉ trưa cho khu vực sản xuất, từ 45 phút hiện nay lên thành khoảng 60 phút. Bên cạnh đó, hiện nay, tiền hỗ trợ độc hại đối với công nhân trực tiếp như tôi chỉ là 15.000 đồng/ngày, trong khi điều kiện trong nhà xưởng rất nóng, nhất là vào những ngày hè oi bức. Vì vậy, cần tăng tiền hỗ trợ độc hại lên, mà trước mắt có thể tính cho những ngày hè nhiệt độ cao.
Anh Lại Ngọc Anh - Công nhân Công ty CP Nhựa Hà Nội:
Mong có nhà ở gần nơi làm việc
Tiếp tục đến gần hơn với người lao động - Ảnh 4Với mức thu nhập trung bình của công nhân như tôi hơn 5 triệu đồng/tháng, tôi thấy cũng là khá so với mặt bằng chung. Cùng với đó, chúng tôi được tạo môi trường làm việc tốt, đầy đủ điều kiện để lao động thuận lợi nhất: Chăm lo chế độ lương tương đối ổn định, làm theo sản phẩm, quan tâm công tác VSATTP, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động... Công nhân vẫn phải làm ca, kíp nhưng Công ty thực hiện đầy đủ chế độ ăn ca, ngày nghỉ theo đúng quy định, trừ những ngày nghỉ vẫn phải đi làm để đáp ứng tiến độ sản xuất thì được nghỉ bù và hưởng lương 300%.
Tôi chỉ muốn nói rằng, mọi công nhân đi làm đều muốn được nâng lương đều đặn đúng tiến độ, trong đó hàng năm đều có cải thiện để đáp ứng nhu cầu của bản thân và gia đình. Với riêng những người phải làm việc trong môi trường độc hại cần được trang bị thêm đồ bảo hộ lao động có chất lượng tối ưu. Hơn nữa, về vấn đề nhà ở cho công nhân, hiện nay, Công ty hỗ trợ 100.000 đồng/tháng cho những người ngoại tỉnh phải thuê nhà, vẫn là tương đối thấp. Do đó, nếu có điều kiện, CNLĐ đều mong được bố trí nhà ở gần Công ty để yên tâm về mặt an ninh, an toàn và giảm bớt gánh nặng chi phí, sẽ muốn gắn bó hơn với DN.
Chị Bùi Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng, Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội:
Đa dạng hoạt động văn hóa - thể thao
Tiếp tục đến gần hơn với người lao động - Ảnh 5Với sản phẩm chính là bánh Trung thu và mứt Tết truyền thống, Công ty có đặc thù sản xuất thời vụ, nên vào vụ chính thì công việc rất nhiều, CBCNV đều phải căng sức ra. Những lúc đó, ban lãnh đạo và Đảng ủy Công ty dành rất nhiều sự quan tâm, động viên để anh chị em tái tạo sức lao động. Bởi ban lãnh đạo nhận thức rõ rằng, trên thực tế, thành công của đơn vị phụ thuộc vào chính kết quả sản xuất, kinh doanh của các thời vụ đó. Hiện, mức thu nhập trung bình của công nhân tại DN đạt 7 - 8 triệu đồng/tháng, cùng với bảo hiểm hàng năm đều được đóng đầy đủ… Với những chính sách, chế độ như vậy, tôi cho rằng đã tương đối đảm bảo về mặt vật chất, đáp ứng được mức sống của CBCNV để họ tiếp tục gắn bó với Công ty.
Về đời sống tinh thần, những phong trào hoạt động văn hóa – thể thao tại Công ty và CĐ ngành công thương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của CBCNV, như Hội khỏe Phù Đổng, phong trào văn nghệ... Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn các cấp CĐ tổ chức nhiều cuộc thi hơn, bản thân Công ty tôi sẽ cố gắng tham gia tích cực để làm giàu thêm đời sống tinh thần, tái tạo sức lao động cho CNLĐ hăng say làm việc, từ đó tạo thêm nhiều giá trị cho DN và đóng góp cho Thủ đô. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét tiếp tục tăng lương tối thiểu để tăng mặt bằng thu nhập, giúp tăng giá trị công sức bỏ ra, đời sống được nâng cao thì NLĐ sẽ gắn bó hơn với đơn vị. Ngoài ra, TP xây được nhà ở cho công nhân cũng rất tốt, vì thực tế Công ty mới chuyển từ nội thành ra huyện Thạch Thất nên có một số CBCNV ở rất xa, đang phải thuê nhà.
Anh Nguyễn Đình Thục - Công nhân Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình:
Được tạo điều kiện làm việc nên tôi luôn yêu nghề
Tiếp tục đến gần hơn với người lao động - Ảnh 6Tôi làm việc tại đây đã 17 năm, cùng với vợ làm cùng phân xưởng, thấy rằng điều kiện làm việc hiện đã được cải thiện hơn rất nhiều so với khoảng chục năm trước. Công ty đã xây nhà cho công nhân ở khu tập thể Hạ Đình, hỗ trợ 100% kinh phí chỗ ở cho người ngoại tỉnh, còn những ai không ở nhà tập thể thì mỗi tháng được hỗ trợ một phần kinh phí để tự thuê nhà. Bên cạnh đó, các chế độ phụ cấp như ăn ca, tiền thưởng ngày lễ, nghỉ phép... đều được lãnh đạo và CĐ thực hiện đầy đủ. Thực tế, đa số công nhân ở đây thấy công việc phù hợp với mình, không có kiến nghị hay thắc mắc gì.
Thu nhập của công nhân như tôi cũng tùy thuộc thời điểm DN có nhiều hay ít việc, trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng. So với giá thị trường thì mức đó chưa thể đủ nhưng với việc làm ổn định và được tạo mọi điều kiện tốt nhất, hai vợ chồng tôi vẫn yêu nghề và muốn tiếp tục gắn bó với Công ty.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần