Tiếp tục đổi mới kinh tế tập thể

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/7, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã long trọng được tổ chức.

Kinh tế tập thể đóng góp trên 6% GDP

Theo báo cáo của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam, 5 năm qua, khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP trong những năm qua liên tục tăng; năm 2015, giá trị sản xuất khu vực kinh tế tập thể chiếm trên 6% GDP cả nước, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. 5 năm qua, khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX đã góp phần tái cấu trúc kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... Tính đến nay, khu vực kinh tế tập thể có tổng cộng khoảng 2 vạn HTX, 15 vạn tổ hợp tác, 43 liên hiệp HTX, thu hút gần 30 triệu người lao động, tham gia sản xuất ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế.
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Quang Thiện
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Quang Thiện
Bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 5 Khóa IX về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, khu vực kinh tế tập thể vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền từ T.Ư đến địa phương về vai trò, ý nghĩa của kinh tế tập thể có nơi, có thời điểm còn chưa đầy đủ, thiếu sâu sát. Đến nay, mới chỉ có gần 50% số HTX hoàn thành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Quy mô sản xuất các HTX còn nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, trang thiết bị công nghệ còn lạc hậu, trình độ của độ ngũ quản lý HTX còn nhiều hạn chế khiến sức cạnh tranh của các HTX chưa cao...

Phát triển xứng tầm

Nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 giải pháp đột phá, trong đó, tập trung vào việc triển khai 5 đề án củng cố, phát triển HTX đã được T.Ư thông qua. Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, các cấp, ban ngành từ T.Ư đến địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả để Nhân dân chủ động, tích cực tham gia. Liên minh HTX các cấp đẩy mạnh việc triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các HTX, tương thích với đòi hỏi phát triển kinh tế tập thể trong điều kiện hiện nay. Liên minh HTX các cấp phối hợp với các bộ, ngành, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ để triển khai dịch vụ kiểm toán chi phí thấp nhằm đánh giá thực chất hiệu quả hoạt động của các HTX, sớm chấm dứt HTX hoạt động hình thức.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội chiều 19/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, biểu dương những thành tựu trong 5 năm qua Liên minh HTX Việt Nam đã đạt được; đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế trong quá trình phát triển, cho rằng khu vực kinh tế tập thể chưa phát triển xứng với tiềm năng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành cần nhận thức rõ vai trò của khu vực kinh tế tập thể, từ đó có những cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực, nhằm phát triển nhanh, bền vững khu vực kinh tế tập thể. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành T.Ư cần có những chương trình hành động cụ thể; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các đề án, chương trình hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, trình Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi HTX, thành viên HTX cần không ngừng học hỏi, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đổi mới sản xuất, phấn đấu để khu vực kinh tế tập thể phát triển tương xứng với tiềm năng. 
Tại Đại hội, các đại biểu đã nhất trí bầu ra Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2016 - 2020 gồm 142 thành viên. Ông Võ Kim Cự tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Khóa V nhiệm kỳ 2016 - 2020. 
Chủ tịch Liên minh HTX  Việt Nam Khóa V Võ Kim Cự khẳng định: Trong nhiệm kỳ tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ định hướng phát triển HTX kiểu mới gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng năng suất cao; phát triển kinh tế hợp tác gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.