Tiếp tục đưa ngành chế biến sữa Việt Nam hội nhập toàn cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/8, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Sữa (HHS) Việt Nam đã tổ chức Đại hội khóa II (nhiệm kỳ 2015-2020).

Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HHS Việt Nam cho biết, những năm qua ngành sữa trong nước là một trong những ngành hàng tiêu dùng giữ được sự ổn định về tăng trưởng sản lượng, cũng như vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng về sản xuất sữa tươi.
Tiếp tục đưa ngành chế biến sữa Việt Nam hội nhập toàn cầu - Ảnh 1
Ông Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam khóa I, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (đang phát biểu) được bầu là Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhiệm kỳ 2015 -2020
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong 5 năm qua số lượng bò sữa tăng trung bình 14% mỗi năm và đã đạt con số gần 230.000 con vào đầu năm 2015. Sự tăng trưởng nhanh chóng của đàn bò sữa VN chứng tỏ có sự thức đẩy và góp phần quan trọng của các DN chế biến sữa trong Hiệp hội.

Cũng theo bà Liên, cả năm 2015, ngành sữa cả nước phấn đấu sẽ sản xuất được hơn 1,9 tỷ lít quy ra sữa tươi, đồng thời dự kiến sẽ tăng lên mốc 2,6 tỷ lít vào năm 2020 và 3,4 tỷ lít tới năm 2025. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất được Hiệp hội Sữa Việt Nam đề ra tại Đại hội.
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Bộ Công Thương đề ra, hiện nay mức tiêu thụ sữa trong nước trung bình đạt khoảng 21 lít/người/năm (năm 2015). Quy hoạch này cũng dự báo mức tiêu thụ này sẽ tăng lên 27 lít/người/năm vào năm 2020 và 34 lít/người/năm tới năm 2025. Theo đó, mức tương ứng tổng sản lượng theo quy hoạch sẽ lần lượt là 2,6 tỷ lít (2020) và tăng lên 3,4 tỷ lít vào năm 2025.
Hiệp hội Sữa Việt Nam là tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tự nguyện của những tổ chức và cá nhân có hoạt hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm hoặc liên quan đến an toàn thực phẩm. Hiện nay, tổng số hội viên của Hiệp hội sữa là 80 trong đó 76 hội viên chính thức và 5 hội viên liên kết. 

Tại Đại hội, các ý kiến cũng nhìn nhận ngành sữa là một trong số ít ngành có sự tăng trưởng ổn định và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều sóng gió trong những năm qua. Hiện nay, cả nước có khoảng 70 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến sữa và đang có tăng trưởng tốt.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, các ý kiến của đại diện địa phương cũng bày tỏ lo ngại về sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng gia tăng. Trong đó, xu hướng sính ngoại trong tiêu dùng cũng là một thách thức đối với ngành sữa trong nước.

Theo bà Mai Kiều Liên, sự cạnh tranh sẽ thực sự khốc liệt và DN ngành sữa sẽ phải vất vả hơn trên thương trường. Do đó, để giúp các doanh nghiệp ngành sữa nhận diện các thách thức, cũng như chủ động về sản xuất và cung ướng cho thị trường thì Hiệp hội Sữa Việt Nam phải mạnh, có uy tín, có tiếng nói hơn nữa cả trong nước lẫn trên thị trường thế giới.
Tiếp tục đưa ngành chế biến sữa Việt Nam hội nhập toàn cầu - Ảnh 2
Ban chấp hành khóa II (nhiệm kỳ 2015-2020) của Hiệp hội Sữa Việt Nam ra mắt Đại hội.
Còn theo bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, Hiệp hội Sữa Việt Nam cần chú trọng theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sữa, nắm bắt nhu cầu của DN trong ngành để phản ánh, tham mưu kịp thời tới các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, Hiệp hội Sữa Việt Nam phải xứng đáng là đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN ngành sữa; đồng thời đảm bảo sự tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm sữa trong nước.

Tại Đại hội này, 23 đại biểu đã được bầu vào Ban chấp hành, trong đó ông Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nguyên Phó Chủ tịch khóa I đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam khóa II, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần