Tiếp tục gỡ vướng trong thu phí không dừng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án thu phí không dừng (ETC) đang thực hiện bước chuyển mình quan trọng hướng tới mục tiêu tự động hóa toàn bộ các làn thu phí trong thời gian tới.

Thu phí tự động không dừng vẫn đang loay hoay với "nút thắt" tỉ lệ dán thẻ ETC còn thấp.
Thu phí tự động không dừng vẫn đang loay hoay với "nút thắt" tỉ lệ dán thẻ ETC còn thấp.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, ngay từ thời điểm này, việc quan trọng nhất của dự án thu phí không dừng là phải đẩy nhanh tiến độ dán thẻ cũng như nộp tiền vào tài khoản ETC của các chủ phương tiện.

Tiếp tục “tự động hóa” thu phí không dừng

Ngày 5/5 tới, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thực hiện thí điểm áp dụng thu phí không dừng với toàn bộ các trạm thu phí trên toàn tuyến. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở nước ta thực hiện nội dung này.

Theo dự kiến, bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/5, toàn bộ các dịch vụ thu phí khác ngoài ETC như thu phí một dừng (MTC), thu phí bằng thẻ trả trước - Touch and Go (TNG) trên đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dừng hoạt động.

Thay vào đó, chỉ những phương tiện tham gia giao thông đủ điều kiện thu phí điện tử không dừng như xe phải dán thẻ và đảm bảo số dư trong tài khoản mới được lưu thông qua các trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, trong thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý tình huống trong quá trình thí điểm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ có thu phí không dừng để trình Bộ GTVT xem xét.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi hoàn thiện thí điểm, các tuyến cao tốc do VEC quản lý sẽ chỉ có thu phí không dừng. Ngoài ra, trong thời gian tới, khi tiến hành sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, đơn vị soạn thảo luật sẽ bổ sung quy định xe chạy trên cao tốc phải dán thẻ thu phí không dừng. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để “tự động hóa” toàn bộ làn thu phí trên cả nước.

Trước đó, trong Công điện về việc đẩy nhanh tiến độ dán thẻ thu phí giao thông đường bộ điện tử không dừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trên cả nước chỉ đạo việc dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí.

Đồng thời, tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.

Có thể thấy, sau hơn một năm “về đích”, dự án thu phí không dừng đang tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu tự động hóa toàn bộ các làn thu phí; đồng thời triệt tiêu dần phương thức thu phí thủ công vốn đang là trở ngại lớn nhất trên con đường “tự động hóa” thu phí không dừng trên cả nước.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không đơn giản. Bởi hiện nay, thu phí không dừng vẫn đang bị mắc kẹt với nhiều “nút thắt”. Trong đó, “nút thắt” lớn nhất là tỉ lệ phương tiện dán thẻ và nạp tiền vào tải khoản ETC vẫn đang thấp hơn kỳ vọng.

Đã đến lúc khai tử các làn thu phí hỗn hợp để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ ETC.
Đã đến lúc khai tử các làn thu phí hỗn hợp để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ ETC.

Đảo ngược cách làm hiện nay

Thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, sau 6 năm triển khai dán thẻ ETC cho phương tiện ô tô, hiện cả nước mới có khoảng 2,7 triệu trên tổng số gần 5 triệu phương tiện được dán thẻ thu phí không dừng. Tính riêng trong năm 2022, tới thời điểm này, các nhà cung cấp dịch vụ mới dán thêm thẻ cho khoảng 200.000 xe.

Đánh giá về tình hình dán thẻ ETC cho phương tiện trong thời gian qua, ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tốc độ dán thẻ ETC trong thời gian qua vẫn còn chậm. Ngoài tốc độ dán thẻ chậm, tình trạng những phương tiện đã hoàn thành dán thẻ ETC nhưng tỉ lệ nạp tiền vào tài khoản mới chỉ đạt 60%. Đây là vấn đề đáng quan ngại, bởi phương tiện dù đã dán thẻ mà không nạp tiền để sử dụng dịch vụ thì thu phí tự động cũng không phát huy hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề tốc độ dán thẻ ETC chậm cũng như tỉ lệ nạp tiền vào tài khoản ETC để sử dụng chưa cao đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong thời gian qua, song vẫn chưa thể khắc phục. Đáng nói, điều này vẫn xảy ra bất chấp việc các cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ đã nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dùng. Điều này cho thấy “nút thắt” vấn đề nằm ở chỗ khác chứ không hoàn toàn ở câu chuyện chất lượng dịch vụ, hạ tầng hay công tác tuyên truyền.

TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cho rằng, rào cản lớn nhất của thu phí không dừng hiện nay chính là sự tồn tại của các dịch vụ thu phí ngoài ETC, mà cụ thể là MTC và TNG. Hiện tất cả trạm thu phí đều cho tồn tại song song làn ETC và làn thu phí hỗn hợp. Mục đích của các làn thu phí hỗn hợp để phương tiện chưa dán thẻ ETC có thể đi vào. Cách làm này nhằm tạo điều kiện cho tài xế và chủ phương tiện có quyền lựa chọn dịch vụ thu phí đường bộ khi đi qua các trạm thu phí.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, sau một thời gian cho tồn tại làn thu phí hỗn hợp, đã đến lúc tính tới việc xóa bỏ toàn bộ các làn thu phí này để nhường chỗ cho làn ETC. “Chỉ khi nào tất cả làn thu phí đều là ETC chủ phương tiện mới không còn tâm lý ỉ lại, cố tình không đi dán thẻ hoặc có thực hiện nhưng không nạp tiền vào tài khoản để sử dụng như hiện nay” – chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nói.

“Muốn đẩy nhanh tiến độ dán thẻ ETC cho các phương tiện, chúng ta phải đảo ngược cách làm hiện nay. Đó là đóng toàn bộ làn thu phí thủ công để các phương tiện không còn lựa chọn nào khác ngoài phải sử dụng làn ETC. Có như vậy chủ phương tiện mới chủ động dán thẻ ETC và nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ” – một chuyên gia giao thông quả quyết.

 

“Nhiều nước đã thu phí không còn barie, chỉ sử dụng trạm thu phí ảo, công nghệ của họ vẫn cho xe chạy qua và thu tiền sau. Làm như vậy, chủ phương tiện dù không muốn cũng phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan” - Tổng Giám đốc Công ty CP Giao thông số Bùi Trình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần