Tiếp tục rèn luyện đội ngũ báo chí bản lĩnh về chính trị, tài năng về nghiệp vụ

Hồng Thái - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra từ ngày 29-31/12, các đại biểu tin tưởng, kỳ vọng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ XI tiếp tục hỗ trợ báo chí toàn quốc rèn luyện được đội ngũ báo chí bản lĩnh về chính trị, tài năng về nghiệp vụ.

Nhà báo Đào Phạm Hoàng Quyên - Tổng Biên tập báo Phú Yên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên:

Quan tâm bồi dưỡng hội viên về kỹ năng làm báo hiện đại

Kỳ Đại hội này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho các cấp Hội và những người làm báo tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, chung sức xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

 Nhà báo Đào Phạm Hoàng Quyên - Tổng Biên tập báo Phú Yên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên

Trong tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, việc tổ chức Đại hội thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Hội Nhà báo Việt Nam. Thường trực, Ban Thường vụ và Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X đã chỉ đạo công tác tổ chức Đại hội rất trang trọng, khoa học và chu đáo.

Tin tưởng rằng, Ban chấp hành khóa mới sẽ là những nhà báo giỏi về nghiệp vụ, giàu bản lĩnh chính trị, tâm huyết với công tác Hội để lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng phát triển, nâng cao uy tín của Hội trong Cộng đồng ASEAN và quốc tế.

Những người làm báo tỉnh Phú Yên mong muốn trong nhiệm kỳ tới Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm hơn nữa hoạt động hỗ trợ các Hội địa phương trong bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt là việc đổi mới tuyên truyền nghị quyết của Đảng; bồi dưỡng kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số, đào tạo ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cần chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hội viên và xử lý thật nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Nhà báo  Nguyễn Công Đán - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên

Báo chí là diễn đàn thân thiết của Nhân dân

Nhiệm kỳ 2015-2020 là một nhiệm kỳ ấn tượng với nhiều đổi mới trong công tác Hội. Trong đó, hàng năm Hội Nhà báo Việt Nam  đã quan tâm chỉ đạo hoạt động của Hội Nhà báo các tỉnh, thành; tổ chức được Hội báo toàn quốc. Đây là công việc lớn mà Hội Nhà báo Việt Nam duy trì được; đồng thời, tổ chức được hàng loạt hội thảo về các nhà báo, về các chương trình thực hiện phục vụ Chính phủ để làm kinh tế chống Covid-19. Cùng đó, trong nhiệm kỳ này, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; đây là cơ sở rất quan trọng để tất cả các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được rèn luyện về đạo đức, học tập chuyên môn.

Chủ tịch Hội Nhà báo Hưng Yên Nguyễn Công Đán

Trong nhiệm kỳ khóa XI (2020-2025), chúng tôi kỳ vọng Hội sẽ phát huy được những thành tích của nhiệm kỳ khóa X. Các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục hỗ trợ để rèn luyện được đội ngũ báo chí bản lĩnh về chính trị, tài năng về nghiệp vụ.

Phương hướng của Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam là xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn. Từ đó, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các Hội Nhà báo địa phương sẽ có những việc làm cụ thể, góp phần đào tạo đội ngũ báo chí vững vàng bản lĩnh, chuyên môn tốt, phục vụ tốt tuyên truyền, để báo chí thực sự là cầu nối giữa Đảng và dân. Báo chí là công cụ đắc lực của cấp ủy, nhưng đồng thời cũng là diễn đàn thân thiết của Nhân dân.

Nhà báo Phạm Văn Báu - Tổng Biên tập báo Thanh Hoá,  Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa:

Tăng cường quản lý đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp

Trong nhiệm kỳ qua, chúng tôi thấy rằng Hội Nhà báo Việt Nam đã đổi mới nhiều hoạt động theo hướng sáng tạo hơn. Đặc biệt, Hội chú trọng rất nhiều đến hoạt động đào tạo nghiệp vụ, trong đó, hỗ trợ Hội Nhà báo các tỉnh, thành rất nhiều trong việc đào tạo nghiệp vụ cho hội viên.

Tại Đại hội lần này, chúng tôi mong muốn qua các buổi tham luận, thảo luận sẽ đặt ra được những vấn đề mang tính thời sự hiện nay. Một là những giải pháp hỗ trợ cho các cơ quan báo chí về cơ chế đặt hàng, thúc đẩy hoạt động về kinh tế báo chí. Hai là, làm thế nào để cùng thảo luận, đưa ra các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, quy tắc đạo đức của các nhà báo. Chúng tôi rất quan tâm đến các giải pháp tiếp tục nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và đạo đức của người làm báo trong bối cảnh hiện nay, nhất là bối cảnh khó khăn trong hoạt động tác nghiệp báo chí.

Tổng Biên tập báo Thanh Hóa Phạm Văn Báu - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa

Đối với vấn đề quy hoạch báo chí, thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí cả nước đã thực hiện tốt Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Tuy nhiên, với vai trò là Hội Nhà báo địa phương, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam có thêm các giải pháp để để các tờ báo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của mình, để hỗ trợ lẫn nhau trong tác nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay, trên môi trường số, các cơ quan báo chí ngoài việc cạnh tranh với các loại hình truyền thông số, còn đang phải chịu áp lực trước các trang thông tin điện tử tổng hợp, hoạt động giống như các tờ báo. Họ tận dụng chất xám của những người làm báo để lấy lại nguồn thông tin, vì vậy cần tăng cường quản lý đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp, các mạng xã hội để góp phần giúp báo chí thực hiện tốt sứ mệnh và vai trò định hướng thông tin, cung cấp nguồn thông tin chính thống cho độc giả.

Nhà báo Ngô Đức Kiên – Tổng Biên tập báo Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An:

Các cơ quan báo chí phải là những tổ chức hoạt động lành mạnh

Tôi kỳ vọng Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đề ra được chương trình hành động phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Từ đó, giúp các hội viên Hội Nhà báo các tỉnh, thành trở thành những nhà báo có kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật được yêu cầu chuyển đổi số, đồng thời, thúc đẩy người làm báo phải chuyển mình để đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số. Với vai trò là cơ quan hỗ trợ nghiệp vụ, điều kiện để các nhà báo đảm bảo tác nghiệp, tôi nghĩ trong chương trình hành động ngay từ đầu nhiệm kỳ phải đặt ra và giải quyết được những vấn đề đó, bởi đây là những vấn đề đời sống báo chí đang rất quan tâm.

Đồng thời, tôi mong muốn Đại hội bầu ra được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam có tinh thần đổi mới, tinh thần khát khao hiện đại hóa báo chí. Đồng thời là hạt nhân tập hợp được các Hội Nhà báo địa phương và các cơ quan báo chí ở Hội T.Ư, những người làm báo cùng chí hướng, tạo ra môi trường hoạt động báo chí lành mạnh. Qua đó, để những tiếng nói, hoạt động lành mạnh trở thành hình ảnh đẹp, tích cực đối với những người làm báo đang hằng ngày, hằng giờ, tạo ra bức tranh đời sống báo chí ngày càng phong phú; đừng để cho những phần tử hội viên bị tha hóa, biến chất làm xấu đi hình ảnh những người làm báo. 

Tổng Biên tập báo Nghệ An Ngô Đức Kiên – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An

Chúng tôi cũng kỳ vọng Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ này tập hợp những gương mặt tiên phong, tiêu biểu, nêu gương trong lãnh đạo công tác Hội cũng như trong lãnh đạo các cơ quan báo chí, để các cơ quan báo chí thực sự là những tổ chức hoạt động lành mạnh, uy tín, nâng cao vị thế của người làm báo. 

Qua thực tế, tôi nhận thấy, hiện các cơ quan báo chí đang đứng trước những khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn của nền kinh tế. Chúng tôi mong muốn các cấp Hội có tiếng nói đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhìn nhận đúng đắn vai trò của hoạt động báo chí, đảm bảo cho nhà báo phải là những người làm báo trước khi làm kinh tế; đừng để các cơ quan báo chí bị áp lực tự chủ, dẫn đến sao nhãng công tác phản ánh hiện thực đời sống, làm chưa tốt các chức năng của báo chí bởi phải lo phục vụ cơ chế tự chủ, phục vụ đời sống vật chất.

Cùng với đó, chức năng của Hội phải thể hiện rõ hơn trong việc xây dựng các cơ chế chính sách, tác động đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhận thức về vấn đề tự chủ; từ thực tế, tránh tình trạng thực hiện tự chủ hình thức, máy móc, gây khó khăn cho các cơ quan báo chí. Theo tôi, tự chủ tài chính trong hoạt động báo chí là tất yếu, nhưng phải tính đến tiến độ, mức độ, tránh tình trạng bệnh thành tích, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều hành, lãnh đạo trong các cơ quan báo chí.

Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc Nguyễn Quang Hải:

Có chế tài mạnh hơn nữa để quản lý hội viên

Chúng tôi kỳ vọng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề ra đường lối đạt được mục tiêu, chủ đề Đại hội “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”. Một trong những vấn đề hiện nay, đó là tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức nghề nghiệp của một số ít nhà báo, họ lạm dụng quyền của cơ quan báo chí, sử dụng thẻ nhà báo, thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, gây ra các sai phạm. Do đó, tôi mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam có chế tài mạnh hơn nữa để quản lý hội viên. Đồng thời, mong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khóa mới được trẻ hoá, đổi mới tư duy, hiện đại hơn, nhất là trong thời đại cách mạng 4.0.

 Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc Nguyễn Quang Hải

Cùng với đó, mỗi hội viên nhà báo tác nghiệp tại cơ sở phải đảm bảo đúng quy định. Các cơ quan báo chí cũng không nên cấp thẻ cho cộng tác viên; tham gia tác nghiệp phải có chủ đề, được Ban Biên tập duyệt đề tài, không để nảy sinh các vấn đề vi phạm.

Trong công tác đào tạo nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cần mở nhiều lớp đào tạo chất lượng cao hơn và mang tính chất đột phá, chuyên sâu hơn. Cùng đó, quan tâm đào tạo lực lượng hội viên ở các chi hội, liên chi hội trực thuộc, những nội dung tiếp cận báo chí hiện đại, báo chí dữ liệu để hòa nhập được với báo chí thế giới.

Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa X Phan Quang Hưng (đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai): Có chiến lược, kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho người làm báo ở vùng sâu

Hội Nhà báo Lào Cai là một trong những Hội thuộc tỉnh biên giới, gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động Hội, đặc biệt là do điều kiện vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của hội viên hội nhà báo, cơ quan báo chí địa phương.

 Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa X Phan Quang Hưng

Qua Đại hội lần này, chúng tôi - những người làm báo ở địa phương rất kỳ vọng Đại hội sẽ tìm ra các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí ở địa phương, hội viên Hội Nhà báo ở tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nói chung có điều kiện để phát triển, nhất là về kinh phí, tổ chức và các hoạt động nghiệp vụ khác. Đây chính là đề đạt, nguyện vọng của các hội viên Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai đến Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa mới sẽ có chiến lược, kế hoạch cụ thể để phát triển hệ thống báo chí, bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ cho các nhà báo ở các tỉnh vùng cao, biên giới, theo kịp các đồng nghiệp địa phương vùng đồng bằng. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần