Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi: Nhiều đại biểu QH đã chất vấn về tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra, gây lãng phí lớn nguồn lực của nhà nước, tồn tại này không mới, trong trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu rõ về thực trạng, nguyên nhân cũng như giải pháp, trong nguyên nhân cũng có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan rất lớn, đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ hơn trách nhiệm đối với hạn chế này? Chúng ta đã xử lý trách nhiệm ai chưa và nếu chưa thì tại sao lại chưa xử lý?
Về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng vấn đề này còn tồn tại, hạn chế do thực hiện chưa theo đúng kế hoạch, các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, nhiều quy định mới được ban hành theo hướng chặt chẽ công khai minh bạch hơn, quy trình thực hiện dài hơn, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương trong quản lý đất đai, tài sản công cần được kiểm soát, việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong vấn đề này còn chưa tốt.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, trong thời gian tới, Chính phủ cùng các Bộ, ngành cần tiếp tục sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn để tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả trong công tác này.
Bảo đảm việc học tập môn Lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đưa ra câu hỏi: Những ngày vừa qua, cử tri và xã hội quan tâm, có ý kiến khác nhau về môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới? Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo gì về vấn đề này? Đề nghị Chính phủ cho biết trong phân cấp giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi mạnh mẽ hơn nữa cho người dân và DN, Chính phủ có giải pháp gì trong thời gian tới?
Về vấn đề môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó quy định bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở có tri thức phổ thông, nền tảng đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn hậu sau phổ thông có chất lượng.
Tiếp đó, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ rằng giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp trung học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cấp trung học phổ thông 3 năm. Trong đó, giáo dục cơ bản đảm bảo cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, tại giai đoạn này, Lịch sử là môn bắt buộc.
Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng, ở giai đoạn này, lịch sử được bố trí là bộ môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Như vậy, môn Lịch sử được dạy ở tất cả trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện có.
Một số ý kiến của cử tri cho rằng môn Lịch sử là môn lựa chọn, dẫn đến việc bỏ khai tử môn Lịch sử, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh điều đó không đúng.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, môn Lịch sử được phân theo hai giai đoạn như vậy vẫn đảm bảo được chất lượng giáo dục.
Trước các ý kiến của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông; tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học tập môn Lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng.