Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương:

Tiếp tục tổ chức thanh tra có trọng điểm với trái phiếu doanh nghiệp

Hà Lâm thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mọi hành vi “lách” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro mà còn vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm minh”, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) nhấn mạnh.

Có hiện tượng “hô biến” thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá 2 - 3 triệu đồng

Thưa ông, thời gian qua, sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu DN (TPDN) đã đặt nhà đầu tư trước nhiều rủi ro. Vụ việc Tân Hoàng Minh là một ví dụ. Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính có khuyến nghị gì với nhà đầu tư?

- Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đánh giá thị trường còn các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia trên thị trường. Đó là việc một số DN đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo pháp luật dân sự. Một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ.

Đặc biệt, rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay là rủi ro từ các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu nhưng vẫn tham gia mua TPDN.

Tiếp tục tổ chức thanh tra có trọng điểm với trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1

Trên các mạng xã hội, hội nhóm gần đây đã xuất hiện hiện tượng môi giới của một số DN, tổ chức tài chính mời chào người dân mua TPDN như một hình thức gửi tiết kiệm với chào mời hỗ trợ lách luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức phí 2 - 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, cùng với việc lãi suất có xu hướng tăng cao, việc huy động của DN trở nên khó khăn hơn, các DN bắt đầu có hiện tượng nâng lãi suất TPDN để huy động vốn, đặc biệt là các DN bất động sản, xây dựng.

Thực tế, việc mua bán trái phiếu thường từ trực tiếp DN, từ các ngân hàng, các công ty chứng khoán phân phối. Việc ký kết hợp đồng mua trái phiếu từ các tổ chức được coi là uy tín này đã khiến nhà đầu tư tin tưởng vào mức độ an toàn của TPDN. Ông có khuyến nghị gì để nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ hơn khi tham gia thị trường TPDN riêng lẻ?

- Bộ Tài chính khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi cân nhắc tham gia mua TPDN, cần lưu ý:

Thứ nhất, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. TPDN được DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua TPDN có rủi ro khi DN không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Thứ hai, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của DN phát hành.

“Lách” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thể mất toàn bộ tiền đầu tư

Cũng có một thực tế khác là nhiều lô trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng đất đai, dự án hoặc có bảo lãnh phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, khi có sự cố, nhà đầu tư vẫn trong tình trạng “đi không được, đòi tiền không xong”. Vì sao, thưa ông?

- Bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với DN phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, theo đó không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Vì thế, đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

Một vấn đề nữa là tài sản đảm bảo của TPDN hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).

Thông tin về tài sản đảm bảo được các DN phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết quả về bảo đảm của DN phát hành.

Đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.

Thực tế, TPDN là một trong 3 kênh huy động vốn quan trọng của DN. Tuy nhiên, những rủi ro từ các hành vi gian lận trong thời gian qua đã khiến thị trường này chững lại. Hiện, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng đã có những rà soát, đề xuất sửa đổi pháp lý thế nào để TPDN phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả, thưa ông?

- Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành, tham vấn, tiếp thu ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, các thành viên thị trường xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN.

Các sửa đổi này nhằm nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành, hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn, thiết lập cơ sở triển khai thị trường giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp. Nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.

Về quản lý giám sát, tiếp tục tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các DN phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng trong quản lý giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN đối với các tổ chức tín dụng và các DN bất động sản, xây dựng; đồng thời cung cấp thông tin cho Bộ Công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Xin cảm ơn ông!

 

Tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm 2022 là 280.641 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các tổ chức tín dụng chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các DN bất động sản chiếm 31,5%, xây dựng chiếm 8,8%.

Nhà đầu tư chính mua TPDN phát hành trên thị trường sơ cấp là các tổ chức tín dụng (mua 46,14%), công ty chứng khoán (mua 22,43%), các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%. Tuy nhiên, theo thống kê trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, các công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng nắm giữ của cá nhân tăng lên mức 32,6%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần