Kinhtedothi - Tình trạng thất thoát, tham nhũng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước (NSNN) kéo theo bội chi, nợ công tăng, cân đối NS khó khăn… tiếp tục được các đại biểu (ĐB) Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 31/10.
Theo đó, các ĐB Quốc hội đề nghị tiết kiệm 10% chi thường xuyên, cắt giảm, đình hoãn các dự án chưa thực sự cần thiết; nguồn vượt thu NS, tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng... để bố trí cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.
“Vẽ” dự án càng hoành tráng, phần trăm càng cao
Hiến kế để cân đối ngân sách
Năm 2014, dự kiến thu NS đạt 864.400 tỷ đồng vượt 10,6% so với dự toán là tín hiệu mừng nhưng cân đối NS vẫn khó khăn, dẫn đến nhiều chế độ chính sách chưa thực hiện được như cải cách tiền lương, xây nhà cho gia đình chính sách…
Trước việc sử dụng vốn vay còn lãng phí thất thoát, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) nêu dẫn chứng: Ký túc xá ở Đà Lạt xây hơn 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ một sinh viên đến ở do đường vào vô cùng gập ghềnh. ĐB cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc các siêu dự án ví như Cảng hàng không Long Thành. "Tôi gặp đồng chí Phạm Tuân có mong muốn Quốc hội thảo luận kỹ dự án này vì tăng nợ công rất rõ, còn hiệu quả ta chỉ mới dự tính thôi, nhất là trong điều kiện cạnh tranh các sân bay trong khu vực gần ta, họ có giá rẻ hơn, có hiệu quả hơn họ có chọn sân bay Long Thành không?" - ĐB Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, báo cáo giám sát cho thấy có 72.000 hộ cần hỗ trợ về nhà ở. Sử dụng số vượt thu của NSNN năm 2012 để bố trí một phần và ra thêm Nghị quyết đẩy nhanh trong năm 2013, nhưng thực tế ra lại là 355.000 hộ, gấp 5 lần, nên cần tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, rồi NS sẽ bố trí dần trong NSNN 2015. Phó Chủ tịch đề nghị các ĐB hiến kế "trong ngân sách 2015 cắt chỗ nào để tăng chi? Nếu giảm chi đầu tư thì không đảm bảo GDP, còn giảm chi thường xuyên tác động đến an sinh xã hội".
ĐB Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) phát biểu, nếu giảm được thất thoát lãng phí sẽ giải quyết được rất nhiều chính sách xã hội, trong đó có tiền lương. Theo ĐB, Bộ GTVT mới chỉ điều chỉnh một số công trình đã tiết kiệm được 35.000 tỷ đồng trong khi để tăng lương chỉ cần 40.000 tỷ đồng. Nếu rất nhiều ngành khác điều chỉnh thiết kế lại sẽ tiết kiệm được lên rất nhiều. ĐB Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên Huế) chỉ ra thu hồi tài sản tham nhũng mới được 10% mà đã thu được ngót nghét 1.000 tỷ đồng. Còn ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cắt giảm thêm chi thường xuyên, năm 2015 cắt mạnh 10% "để làm sao anh muốn sơ kết, hội thảo tiếp khách… phải tính nát óc mới làm được, cứ làm không chết ai".
Về dự toán thu NS năm 2015, thu cân đối 911.100 tỷ đồng, các ĐB đánh giá là hoàn toàn khả thi nếu xét tỷ lệ động viên từ thuế, thanh tra, kiểm tra gian lận thương mại, cải cách hành chính thuế, hải quan…
Ngành nào, lĩnh vực nào cũng vượt chi, tiêu biểu như chi sự nghiệp y tế vượt trên 4.000 tỷ đồng; chi giáo dục, đào tạo, dạy nghề vượt chi hơn 1.500 tỷ đồng, chỉ có ngành dân số kế hoạch hóa gia đình và chi KHCN không vượt. Kỷ luật tài khóa như vậy là kém. ĐB Phạm Minh Tấn Đoàn Đắk Lắk |
Theo ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận: Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, gây hại lớn đối với NSNN, tài sản của Nhân dân, nhất là tham nhũng trong khu vực công.
Cụ thể hơn, ĐB chỉ ra, nhiều công trình, dự án tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng, nhưng hiệu quả và công năng sử dụng rất khiêm tốn. Chỉ có một số người quyết định đầu tư, chủ quản đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án, công trình là được hưởng lợi. "Họ thích vẽ ra những dự án hoành tráng, vì công trình, dự án càng lớn thì phần trăm chảy vào túi cá nhân càng nhiều theo phép tính tỷ lệ thuận". Đặc biệt là tham nhũng biệt thự công, một số ĐB dẫn chứng, một bộ phận cán bộ sau khi thôi chức vụ quản lý đã tự cho mình quyền sử dụng nhà công vụ vĩnh viễn, biến biệt thự công thành tư, cho con cháu ở, hoặc cho thuê để hưởng lợi.
Do đó, ĐB Lê Như Tiến đề nghị Chính phủ có chính sách quản lý phù hợp, bởi nếu được bán đấu giá, cho thuê đúng mục đích, biệt thự, nhà công vụ có thể "ngày ngày đẻ trứng vàng cho NSNN". Đồng thời, với việc kiên quyết cắt giảm hàng trăm công trình chưa cần thiết, điều chỉnh hàng ngàn công trình quá hoành tráng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản, sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng cho NSNN.
Các đại biểu trao đổi bên hành lang cuộc họp. Ảnh: Duy Linh
|
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Tình hình an ninh trật tự của Hà Nội đảm bảo tốt Trước thông tin một website về du lịch xếp hạng Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về vấn nạn móc túi, bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 31/10, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói: "Tôi không hiểu họ dựa vào những căn cứ nào, so sánh với những TP nào, mà đưa ra kết luận như thế. Trong nước thì Hà Nội là TP rất hiếm xảy ra tình trạng này. Tôi đã từng hỏi một người đi xe buýt và được biết trong 8 năm liền đi xe buýt, chưa từng bị móc túi hay chứng kiến người khác bị móc túi". Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng khẳng định: Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng thấy rất tốt. Sự ra đời của lực lượng 141 của CATP đã đảm bảo an ninh trật tự ở Thủ đô, nhất là công tác phòng ngừa rất hiệu quả. Bộ Công an đã nhân điển hình ấy tới công an cả nước. Khách nước ngoài đến Thủ đô Hà Nội ai cũng nói không những yên bình mà an ninh đảm bảo. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng: "Tổ chức nào xếp hạng, họ so với ai, rất có thể có thủ đô nào trên thế giới tốt hơn Hà Nội thì mình phải học hỏi. Nhưng nói Hà Nội còn tốt hơn rất nhiều nơi thì mình có thể khẳng định được điều đó". |