Tiết kiệm thời gian, tiền nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hành chính công

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý Nhà nước và hành chính công đem lại nhiều lợi ích: Tăng năng suất lao động, giải quyết được khối lượng lớn hồ sơ; tiết giảm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp, tăng sự hài lòng của người dân

Ngày 27/12, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Thành Đoàn và Hội Tin học TP Hồ Chí Minh tổ chức “Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công” năm 2022 với chủ đề “Đẩy mạnh ứng dụng AI trong cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt lĩnh vực hành chính công”.

Đến dự có GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức và lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức, quận Bình Tân, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại hội thảo.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại hội thảo.

Theo Ban tổ chức, hội thảo nhằm triển khai hiệu quả chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân về AI trong lĩnh vực hành chính công; đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm nhân lực bộ máy, giảm thời gian xử lý công việc và chi phí của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính Nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị góp phần phát triển kinh tế TP tăng trưởng bền vững.

Các đại biểu được nghe bài tham luận của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân về ứng dụng AI trong quản lý Nhà nước (QLNN) và hành chính công (HCC) đem lại nhiều lợi ích. Cụ thể, tăng năng suất lao động, giải quyết được khối lượng lớn hồ sơ so với khi chưa ứng dụng AI; tiết giảm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp, tăng sự hài lòng của người dân.

“Ví như trước kia tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lưu trữ hồ sơ phải dùng cả căn phòng lớn, khi muốn tìm tài liệu nào đó, nhân viên phải lục từng ngăn, từng mục nên mất rất nhiều thời gian, chưa kể hồ sơ có thể thất lạc, hư hỏng. Nhưng khi ứng dụng AI vào việc quản lý, muốn tìm tài liệu nào chỉ cần một cú click vào mạng, không cần phải photo, tiết kiệm tiền của, đặc biệt không thể có chuyện hồ sơ bị thất lạc”, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Đại biểu dự hội thảo về ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực hành chính công năm 2022.
Đại biểu dự hội thảo về ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực hành chính công năm 2022.

Hội thảo cũng nghe các tham luận “Ứng dụng AI trong công tác quản lý đô thị tại quận Bình Tân”. Theo đó, ý thức được các hạn chế tồn tại trong nguồn lực con người và năng lực kỹ thuật trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD). UBND quận Bình Tân đã phối hợp Phòng thí nghiệm truyền thông đa phương tiện Trường Đại học Công nghệ Thông tin (UIT) và Trung tâm Công nghệ thông tin Sở TN&MT nghiên cứu áp dụng AI trong công tác quản lý TTXD. Từ tháng 10/2022, quận Bình Tân chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng “Không ảnh tích hợp Bình Tân” nhằm hỗ trợ công tác quản lý và phát triển đô thị, trong đó có quản lý TTXD.  Ứng dụng tích hợp nhiều lớp dữ liệu trên nền tảng GIS, có các lớp dữ liệu công trình xây dựng (CTXD) được xác định bằng công nghệ học sâu (Deep learning), một nhánh của AI để xác định tự động CTXD dựa trên dữ liệu không ảnh.

Ứng dụng được xây dựng với ý tưởng chủ đạo là tích hợp nhiều lớp dữ liệu GIS trên cùng một nền bản đồ số để hỗ trợ cán bộ quản lý xác định quá trình phát triển đô thị của quận nói chung và của từng công trình cụ thể. Ứng dụng hiện có 27 lớp dữ liệu, trong đó có 17 lớp dữ liệu không ảnh và 10 lớp dữ liệu chuyên đề. Đặc biệt có lớp dữ liệu CTXD các năm 2009, 2012, 2015, 2019 và 2021 được xây dựng bằng công nghệ học sâu, giúp cán bộ quản lý xây dựng có thể phát hiện nhanh các khu vực có dấu hiệu vi phạm TTXD, đặc biệt ở các khu vực không phù hợp quy hoạch xây dựng nhà ở.

Phương pháp cơ bản là chồng lớp bản đồ quy hoạch, bản đồ CTXD và không ảnh mới nhất. Sau khi chồng lớp các bản đồ, cán bộ quản lý kiểm tra các khu vực không phù hợp quy hoạch xây nhà ở và xác định những khu vực có dấu hiệu có CTXD tại thời điểm chụp không ảnh mới nhất, nhưng  không được xác định trong bản đồ CTXD. Sau khi xác định được khu vực có dấu hiệu vi phạm, cán bộ sẽ kiểm tra thực địa để xác định và xử lý vi phạm. Bằng phương pháp này, nhiều công trình vi phạm đã được phát hiện kể từ khi ứng dụng “Không ảnh tích hợp Bình Tân”.

Đối với tham luận “Công nghệ tổng hợp giọng nói có cảm xúc ứng dụng trong tổng đài ảo VNPT” của Trung tâm Sáng tạo thuộc VNPT-IT. Theo nhóm tác giả, callbot hay tổng đài ảo là một hệ thống tự động đàm thoại thông minh, tự động bằng giọng nói và được phát triển dựa trên công nghệ AI.  Được thiết kế đặc biệt để trang bị cho đường dây điện thoại cố định, thay thế cho các tổng đài, điện thoại viên trong các tổ chức, doanh nghiệp. Các hệ thống callbot hiện nay áp dụng các công nghệ học sâu trong xử lý tiếng nói. Một trong số đó là công nghệ tổng hợp giọng nói có cảm xúc Emotional Text-to-Speech, giúp giọng nói được sinh ra để có thể biểu đạt một cách tự nhiên và mang cảm xúc đa dạng, có ngữ điệu nhấn nhá khiến cho người nghe giải tỏa căng thẳng, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát khi nghe tổng đài 1022.

PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết thế giới đã phát triển công nghệ AI rất cao và đã ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam đi sau nhưng có 2 lợi thế, đó là đội ngũ nguồn nhân lực rất trẻ; còn có nhiều bài toán cần phải giải quyết trong tương lai (ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, đô thị tương lai…).

Công nghệ AI đối với chúng ta cần giải quyết là phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, làm sao để người dân làm các thủ tục một cách tiện lợi nhất, còn chính quyền thì quản lý hành chính sát sao nhất như quận Bình Tân quản lý tài nguyên thông qua “Không ảnh tích hợp Bình Tân”.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thế Duy, trên thế giới có 2 nhóm công nghệ AI, đó là AI rộng và AI hẹp. Việt Nam chọn ứng dụng AI hẹp để hỗ trợ con người giải quyết một số vấn đề được lặp đi lặp lại thường xuyên. Ví như tổng đài 1022 trả lời tự động được lập trình để trả lời những câu hỏi giống nhau của người dân trong đợt dịch Covid-19. Khi mới vận hành tổng đài này, người dân tưởng là lừa đảo, nhưng khi tuyên truyền thì người dân mới hiểu. Tất nhiên tổng đài trả lời tự động chỉ giải quyết được những gì đã được lập trình, còn những câu hỏi liên quan tình huống cụ thể thì máy không thể làm thay người.

“Do đó chúng ta xác định cần AI loại gì, chúng ta không kỳ vọng công nghệ AI ở Việt Nam phải thay thế con người mà chỉ cần giải quyết những việc mà con người không thể quán xuyến hết được, như: Giám sát an ninh thì có camera an ninh trên các tuyến đường; giám sát an toàn giao thông thì có camera hành trình…” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nói.