Tiêu chí trường học chất lượng cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 2/5, tập thể UBND thành phố Hà Nội họp đóng góp ý kiến cho Tờ trình và dự thảo Quyết định về ban hành Tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy dịch vụ chất lượng cao, áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao (CLC) trên địa bàn TP (giai đoạn 2013 - 2015), thực hiện k

Theo Dự thảo, tiêu chí trường mầm non CLC là cán bộ quản lý đạt trình độ đào tạo đại học chuyên ngành trở lên, có bằng hoặc chứng chỉ quản lý giáo dục, quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị… , 70-80% giáo viên đạt trình độ đào tạo chuyên ngành trên chuẩn; 40-50% giáo viên có chứng chỉ tiếng Anh đạt trình độ A trở lên; ít nhất 80% giáo viên có khả năng ứng dụng CNTT...

 
Tiêu chí trường học chất lượng cao - Ảnh 1
 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Trẻ nhỏ học trường CLC được làm quen tiếng Anh, máy tính và trò chơi phù hợp phát triển tư duy. Trường áp dụng phương pháp giảng dạy, tiên tiến, hiện đại; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo hình, âm nhạc, thể chất trong các phòng chức năng do giáo viên chuyên biệt hướng dẫn…

Đối với trường tiểu học, giáo viên có 100% đạt trình độ trên chuẩn theo quy định; tiếng Anh trình độ A, trong đó ít nhất 10% trình độ chỉ B; 100% GV biết ứng dụng được CNTT, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…100% cán bộ quản lý và giáo viên có kiến thức và kỹ năng thực hiện phương pháp dạy học đảm bảo phù hợp với từng đối tượng; học sinh được chú  việc hình thành và bồi dưỡng phương pháp tự học, phương pháp tư duy khoa học làm chủ hoạt động học tập, ghi nhớ kiến thức sâu sắc… Học sinh được học song ngữ môn Toán, môn khoa học lớp 4,5…

Đối với trường Trung học, trên 90% GV đạt trình độ trên chuẩn đối với THCS và trên 50% trên chuẩn đối với THPT, 100% GV được công nhận dạy giỏi cấp trường và 40% được công nhận dạy giỏi cấp TP; có đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hỗ trợ chuyên môn các nội dung và chương trình nâng cao cần thiết; 100% GV có kinh nghiệm ứng dụng CNTT, có khả năng giao tiếp một ngoại ngữ. Chương trình giáo dục, tạo cho học sinh khả năng phát triển các môn học, như:  Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa; được song ngữ (tiếng Anh) một số môn khoa học cơ bản, theo cơ chế mở để học sinh có khả năng trải nghiệm, khám phá và làm quen với công tác nghiên cứu khoa học; 100% tiết dạy theo phương pháp đổi mới của Bộ GD&ĐT, đảm bảo học sinh có kỹ năng giao tiếp, khuyến khích sự chuyên cần rèn khả năng tự học của học sinh….

Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đề nghị, việc xây dựng quyết định cụ thể hóa cơ chế chính sách cần bám sát tên gọi trong Luật Thủ đô cũng như các căn cứ pháp lý được quy định trong Luật.
 
Đồng chí khẳng định, về khái niệm trường CLC không phải là “trường chuyên, lớp chọn” mà là loại trường có mô hình giáo dục theo cơ chế mở, hoạt động theo nguyên tắc học sinh tự nguyện đăng ký học, với kinh phí đóng góp cao hơn...

Đặc điểm loại trường này là có cơ sở vật chất đạt chuẩn, trang thiết bị phục vụ học tập hiện đại, đặc biệt có đội ngũ giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy; phương pháp dạy học, chú trọng cho học sinh “học đi đôi với hành”, với những môn học cần thiết có thể ra nước ngoài thực hành; đồng thời tăng cường các hoạt động nâng cao thể chất như hoạt động TDTT,  văn thể mỹ…, để tạo điều kiện cho học sinh phát huy, phát triển năng khiếu cá nhân. Có hai loại hình trường CLC, loại trường nhà nước đầu tư và nhà nước đầu tư một phần.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, đây là loại trường mới, tiêu chí cao, nên không phát triển đại trà, không nhất thiết, quận, huyện nào cũng phải có mà hình thành phù hợp theo điều kiện địa phương cũng như nhu cầu thực tế xã hội từng địa bàn. Dự kiến đến năm 2015, TP Hà Nội phát triển từ 30 – 35 trường CLC các cấp, mục tiêu để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập CLC của thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, dù trường CLC sở hữu tư nhân hay nhà nước đều phải hạch toán có thu–chi theo quy định của nhà nước, yêu cầu các cấp chính quyền cần nâng cao trách nhiệm quản lý để các trường này hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, dân chủ và hiệu quả, trong tương lai thu hút cả học sinh nước ngoài và nhà nước sẽ không có chi kinh phí thường xuyên.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần