Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư: Nâng cao hơn nữa chất lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/2, Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS) đợt năm 2014 đã diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước tự tin khẳng định, số lượng và chất lượng GS, PGS có cải thiện, song vẫn phải tiếp tục cố gắng để nâng cao chất lượng khoa học, giáo dục của việc xét công nhận các chức danh này.

Chất lượng đội ngũ GS, PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn năm 2014 có khác những năm trước không, thưa GS?

- So với các năm trước, cụ thể là năm 2013, tổng số GS, PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn năm nay tăng lên 73 người. Là bởi thời gian nộp hồ sơ kéo dài thêm 4 tháng và cũng có những nguyên nhân khách quan. Không những thế, chất lượng GS, PGS cũng tăng, thể hiện rõ nhất ở số công trình khoa học, những bài báo khoa học có chất lượng được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín ở trong nước và quốc tế thuộc danh mục ISI. Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến trình độ sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng của các ứng viên tốt hơn trước. Bởi khá nhiều tân GS, PGS được gửi đi đào tạo ở nước ngoài hoặc tại những trung tâm và chương trình hợp tác quốc tế ở trong nước.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao Giấy chứng nhận chức danh Giáo sư  cho các tân Giáo sư.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao Giấy chứng nhận chức danh Giáo sư cho các tân Giáo sư.
Phổ tuổi của các GS, PGS như thế nào, thưa GS?

- Phổ tuổi của GS từ 37 - 81, PGS từ 33 - 81. So với những năm trước, phổ tuổi có doãng ra, vừa có trẻ hơn vừa có già hơn. Nhìn ra các nước xung quanh, độ tuổi trẻ của mình chưa bằng. Các nước có người 24 tuổi đã được phong GS, Việt Nam có Ngô Bảo Châu được phong đặc cách chức danh này khi 33 tuổi.

Thưa GS, so với dân số, tỷ lệ GS, PGS hiện nay là cao hay thấp?

- Có tổng cộng 11.000 GS và PGS (gồm cả những người đã qua đời và về hưu). Với tổng dân số 90 triệu người, trung bình một vạn dân có 1,22 GS hoặc PGS. Tỷ lệ này rất thấp.

Vậy tới đây có nên điều chỉnh tiêu chí xét công nhận để cải thiện tình hình, thưa GS?

- Khi xem xét tiêu chuẩn chức danh GS, PGS càng ngày càng phải chú ý nâng cao chất lượng khoa học và giáo dục, tiệm cận đến các tiêu chí, quy định và chuẩn mực của thế giới. Điều này đòi hỏi trình độ và chất lượng công trình khoa học, sách chuyên khảo, ngoại ngữ phải cao hơn. Chúng ta không thể nóng vội, cực đoan thay đổi ngay một lúc mà từng bước để theo kịp và hội nhập với chuẩn mực khoa học - giáo dục khu vực và thế giới.

Thưa GS, số lượng GS được công nhận năm 2014 chỉ bằng 1/10 số PGS, những năm trước cũng như vậy. Có phải do tiêu chí để được công nhận GS quá cao?

- Hội đồng chức danh GS Nhà nước do Chủ tịch Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chủ trì xem xét, cân nhắc thận trọng và khoa học. Vì vậy, tôi cho rằng tỷ lệ sàng lọc là bình thường, hợp lý. Ở các nước trên thế giới cũng vậy, để được công nhận là GS thì sự sàng lọc cao hơn về chất lượng khoa học – giáo dục và đòi hỏi cả quá trình cống hiến cũng dài hơn.

Ngành GD&ĐT đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, theo GS có cần phải nâng tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS?

- GS và PGS là đỉnh cao nhất của nhà giáo. Muốn đổi mới giáo dục thì phải đổi mới đội ngũ nhà giáo. Do vậy cần phải đổi mới căn bản và toàn diện việc xét công nhận và bổ nhiệm GS, PGS theo tinh thần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cao cấp nhất của nhà giáo trong hệ thống giáo dục đại học để hội nhập với thế giới. Đây là việc làm góp thêm phần quyết định sự thành công của việc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT nước nhà theo tinh thần của Nghị quyết 29- NQ/T.Ư.

Xin cảm ơn GS!

 
Năm 2014, có 822 nhà giáo nộp hồ sơ đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS (92 hồ sơ GS và 730 hồ sơ PGS). Hội đồng chức danh GS Nhà nước đã họp và bỏ phiếu, kết quả: 59 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 585 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS. GS trẻ nhất là Phan Thanh Sơn, 37 tuổi, giảng viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; GS lớn tuổi nhất là ông Lê Ngọc Canh, 81 tuổi, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư.