70 năm giải phóng Thủ đô

Tiêu điểm kinh tế tuần: Có thể cho phá sản dự án yếu kém

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7% phải xử lý dứt điểm dự án thua lỗ, thêm một dự án "nghìn tỷ" bỏ hoang ở Nghệ An... là nội dung đáng chú ý tuần qua.

Có thể cho phá sản dự án yếu kém
 Ông Mai Tiến Dũng: Quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý 12 dự án yếu kém là theo thị trường
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, do tăng trưởng GDP cả nước trong quý I chỉ đạt 5,1% nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,7% trong năm 2017 thì trong 3 quý còn lại phải nỗ lực rất lớn. Cụ thể, theo tính toán, quý II phải tăng trưởng hơn 6,2%; quý III gần 7,3% và quý IV phải đạt khoảng 7,5%.
Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về các giải pháp trọng tâm để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng đặt ra. Theo đó, đây là một chỉ tiêu rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô và đời sống của từng người dân.
Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Công Thương phải có những phương án quyết liệt để giải quyết dứt điểm 12 dự án thua lỗ của ngành này.
“Ngay cả với việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém thì quan điểm của Chính phủ cũng phải theo thị trường. Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu nhằm đôn đốc, đưa ra các giải pháp xử lý. Trong đó, có những dự án cần phải báo cáo với Bộ Chính trị cho phá sản, có những dự án bán cho nhà đầu tư khác và có dự án xem xét khôi phục để có sản phẩm ra thị trường”, ông Mai Tiến Dũng cho hay.
Kiểm tra kho nhôm bí ẩn nghi của tỷ phú Trung Quốc
 
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên quan đến việc cử đại diện tham gia Đoàn kiểm tra kho nhôm khổng lồ nghi nguồn gốc Trung Quốc ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có trụ sở tại Bà Rịa Vũng Tàu. Thời gian kiểm tra dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 5/2017. Đoàn kiểm tra sẽ bao gồm đại diện các Bộ ngành và địa phương như trên.
Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam hiện đang gấp rút được xây dựng với mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình. Dự án này do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư.
Thêm dự án "nghìn tỷ" bỏ hoang
 
Dự án nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng (tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) có tổng vốn đầu tư lên tới 1.255 tỷ đồng. Dây chuyền sản xuất nhà máy này được nhập từ Trung Quốc với công suất 45.000 tấn/năm.
Quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy được phê duyệt năm 2009, đến năm 2010 thì công ty đầu tư vốn, giống và kỹ thuật liên doanh liên kết với người dân tổ chức trồng, đồng thời tiến hành xây dựng nhà máy.
Tuy nhiên, năm 2011, 2012 do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng không hoạt động thu mua và chế biến bột giấy gây ách tắc đầu ra cho nhiều hộ trồng rừng ở Con Cuông, Anh Sơn.
Sau 7 năm dự án "đắp chiếu", mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 574 ngày 20/3/2017 gửi UBND tỉnh tham mưu chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng.
Việt Nam có thêm dự án FDI tỷ USD
 
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4 dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, được cấp chứng nhận đầu tư vào 20/4, với tổng vốn đầu tư 1,27 tỷ USD.
Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư tại Kiên Giang. Như vậy, dự án này đã trở thành dự án tỷ USD thứ 2 đăng ký đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm nay sau dự án của Samsung Display.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2017 đã thu hút 734 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,88 tỷ USD, tăng 5,3% về số dự án và giảm 4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, có 345 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 4,36 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2017, có 1.687 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là hơn 1,35 tỷ USD.

Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm đạt hơn 10,59 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng ước tính đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016.