Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm kinh tế tuần: Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp thông minh 2018

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp thông minh 2018; Bộ Công Thương yêu cầu 4 ngân hàng báo cáo việc tăng phí; Điện máy Nguyễn Kim bị truy thu thuế gần 150 tỷ đồng... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0
Trong các ngày 12 và 13/7/2018, tại Khách sạn quốc tế JW. Marriott (số 8 phố Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), UBND TP Hà Nội phối hợp Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”.
  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. 

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry Summit 2018 được sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, gồm: Diễn đàn cấp cao do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, 5 Hội thảo quốc tế theo chuyên đề và hoạt động triển lãm công nghệ 4.0 với sự tham gia của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các nhà quản lý, chuyên gia và các DN hàng đầu trong nước và quốc tế.

Cùng tham dự còn có gần 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phát biểu mở đầu phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vào sáng 13/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đã vào Việt Nam, đã rất gần chúng ta, nhất là thông qua những phát biểu tham luận, những sản phẩm được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 bên cạnh Diễn đàn.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng còn nhiều bất cập cần khắc phục với tinh thần xử lý những mặt trái của CMCN 4.0 để không ai bị bỏ lại phía sau.

Khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ, đây là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo khi CMCN 4.0 áp dụng ở Việt Nam. Sự đảo chiều trong tư duy và hành động rất quan trọng, chứ không phải thói quen sản xuất theo truyền thống lạc hậu.

Tại phiên đối thoại, các diễn giả từ Chính phủ, bộ, ngành cũng như chuyên gia quốc tế đã trả lời các câu hỏi từ các đại biểu, đồng thời, lãnh đạo các doanh nghiệp đề xuất một số chính sách và kế hoạch triển khai các chương trình hành động trong thời gian tới để Việt Nam chủ động tham gia, bắt kịp xu hướng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy nhanh ứng dụng CMCN 4.0 nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Phiên đối thoại diễn ra hết sức thẳng thắn, sôi nổi và hiệu quả, qua đó, các bên liên quan tiếp tục nhận diện và càng khẳng định rõ hơn về nhiều vấn đề mang tính cốt lõi, xu hướng của cuộc CMCN 4.0.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng không phải từ bây giờ mà trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

“Nhưng chúng tôi hiểu rằng những kết quả mới chỉ là bước đầu, cơ hội và tiềm năng phát triển còn rất lớn”, Thủ tướng nói. Việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 ở Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của công nghiệp mới mẻ này. Do đó, chúng ta cần có các giải pháp tổ chức triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng khi mà tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

“Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0 hay để trôi qua? Câu trả lời cũng hết sức rõ ràng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0”.

"Mặc dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng CMCN 4.0 thực sự là cơ cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chiều 13/7, phát biểu tại Hội thảo chuyên đề số 2 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh, đảm bảo các yếu tố bền vững là một yêu cầu cấp thiết của TP Hà Nội.

  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Đô thị thông minh phải tiện ích,

an toàn, thân thiện

Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, cũng như các siêu đô thị khác, Hà Nội đang gặp phải nhiều thách thức như: Tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều người di cư về TP để sinh sống, các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...“ Do đó nhu cầu xây dựng một TP thông minh bền vững đảm bảo các yếu tố bền vững là một yêu cầu cấp thiết.” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Quản lý xây dựng đô thị thông minh gần đây là một xu thế đã được nhiều nước trên thế giới triển khai thành công. TP Hà Nội cũng lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, việc thưc hiện mục tiêu này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như in 3D, Thực tế ảo, Điện toán đám mây, Robot, Big data, Block Chain, Trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ hội để chúng ta tìm ra phương thức và bước đi thích hợp nhằm xây dựng đô thị thông minh bền vững.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đặt vấn đề, những câu hỏi như: Tính bền vững của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ được giải quyết ra sao? Việc xây dựng các chính sách như thế nào để tạo thuận lợi cho việc xây dựng đô thị thông minh bền vững của Hà Nội? Việc đào tạo nguồn nhân lực ra sao để có hiệu quả? Việc khắc phục các mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như thế nào?

Đặc biệt, các TP cần xây dựng kế hoạch để triển khai như xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hệ tầng kết nối số và an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, xây dựng công nghiệp công nghệ số sẽ được thực hiện như thế nào?

Chủ tịch UBND TP chia sẻ: “Mô hình đô thị thông minh bền vững mà TP Hà Nội mong muốn hướng tới phải mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.

Chủ tịch UBND TP hy vọng, thông qua các bài tham luận của các diễn giả, nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các DN hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa và năng lượng hội thảo lần này sẽ phần nào giải đáp được những thách thức và vấn đề nêu trên.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành T.Ư, sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, các học giả trong và ngoài nước, sự hợp tác của các chính quyền các nước trên thế giới, của cộng đồng DN trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Theo chương trình Diễn đàn có 4 phiên hội thảo chuyên đề về: Những xu hướng lớn của cuộc CMCN 4.0: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam; Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0; Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ; Bước tiến mới trong ngành Tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Song song với Diễn đàn cấp cao là Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 có quy mô gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như VNPT, Viettel, FPT, CMC... với nhiều giải pháp công nghệ hiện đại như: hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh, công nghệ blockchain, Fintech, ảo hóa, xác định nguy cơ bảo mật, công nghệ xác thực…

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện ấn tượng của Sophia - robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới. Ban tổ chức phối hợp với UNDP đưa robot Sophia, quán quân sáng tạo của UNDP tới tham gia tương tác tại Diễn đàn.

Vị công dân đặc biệt này đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bộ Công Thương yêu cầu 4 ngân hàng báo cáo việc tăng phí

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết trong những ngày qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh 4 ngân hàng lớn gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đồng loạt thông báo tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM từ mức 1.000 đồng lên 1.650 đồng.
Bộ Công Thương yêu cầu 4 ngân hàng báo cáo việc tăng phí.

Để phục vụ công tác giám sát và quản lý cạnh tranh, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có văn bản đề nghị các ngân hàng nêu trên cung cấp thông tin, tài liệu liên quan bao gồm thông tin về việc triển khai dịch vụ ATM của từng ngân hàng, thông tin về mức phí, các lần tăng phí rút tiền qua ATM (cả nội mạng và ngoại mạng) trong thời gian 2 năm (từ ngày 1/7/2016 đến nay).

Cơ quan này khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ để kịp thời có các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm sự tuân thủ Luật Cạnh tranh của mọi doanh nghiệp trên các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó lĩnh vực ngân hàng.

Theo quy định tại Điều 9, Luật Cạnh tranh hiện hành, thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bị cấm khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.

Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm hoặc bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 217, Bộ Luật hình sự năm 2015 tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Trước đó, 4 ngân hàng có thị phần lớn về thẻ trên thị trường gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV thông báo sẽ tăng phí ATM nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng (đã gồm thuế VAT) từ ngày 15/7. Tuy nhiên sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản "tuýt còi" với các ngân hàng này trong việc thu phí ATM.

Hai tháng trước, 4 ngân hàng trên cũng đã bắt tay nhau đòi tăng phí. Lý do tăng phí ATM được các nhà băng đưa ra là để bù đắp chi phí lỗ lớn cho mảng ATM, theo tính toán ở mức 7.000 - 10.000 mỗi giao dịch (chưa gồm chi phí bảo trì, bảo dưỡng).

Bộ Công Thương cảnh báo kinh doanh đa cấp "chui" tại Việt Nam

Ngày 11/7, Bộ Công Thương đã phát đi cảnh báo về hoạt động về hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty Freedom Group tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cảnh báo kinh doanh đa cấp ''chui'' tại Việt Nam

Theo đó, ngày 20/6/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã nhận được hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam có địa chỉ trụ sở chính tại nhà A50, phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Giấy chứng nhận hoạt động được cấp năm 2015.

Theo phản ánh của Công ty Vision Việt Nam, từ ngày 28/02/2017, Tập đoàn Vision International (nhà cung cấp sản phẩm cho Công ty Vision Việt Nam) hợp tác với Công ty Freedom Group (có trụ sở tại Hồng Kông) và chuyển đổi hệ thống quản lý nhà phân phối qua hệ thống Sessia Vision tại trang chủ www.sessia.com.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 doanh nghiệp, Vision Việt Nam đã chuyển đổi hệ thống quản lý nhà phân phối qua hệ thống Sessia Vision (website www.sessia.com) của Freedom Group từ tháng 2/2017.

Cuối tháng 4, đơn vị này đã đơn phương chấm dứt quyền vận hành hệ thống Sessia Vision của Vision Việt Nam và yêu cầu các nhà phân phối phải đặt hàng trực tiếp từ Freedom Group để hưởng hoa hồng thông qua hệ thống.

Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định Công ty Freedom Group chưa được cấp phép kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam.

Vì vậy, để tránh rủi ro pháp lý và vật chất cho người dân, Cục khuyến cáo người dân, nhà phân phối của Vision Việt Nam không tham gia hoạt động bán hàng đa cấp theo sự vận hành của Freedom Group trên hệ thống Sessia Vision.

Truy cập vào địa chỉ www.sessia.com, trang chủ web giới thiệu về dự án huy động vốn bằng tiền ảo (ICO) mang tên Pre-ICO Sessia với loại tiền phát hành là Kick, đơn vị này giới thiệu đây là nền tảng xã hội đầu tiên dành cho DN và khách hàng dựa trên các ưu thế của công nghệ blockchain.

Để thu hút nhiều người tham gia vào đường dây, công ty giới thiệu những lời hấp dẫn về việc ăn chia hoa hồng. Cụ thể: Giai đoạn 1 mở bán từ ngày 16/5 - 30/9 và giới hạn ở mức 3 triệu USD.

Khi mua tiền ảo trong giai đoạn đóng này, người tham gia còn được hưởng thêm 10 - 30% từ số tiền mua, tùy vào số tiền bỏ ra. Bên cạnh đó, giới thiệu được càng nhiều người, mức hưởng hoa hồng cũng tăng thêm từ 4-8%.

Thực tế, việc nhà đầu tư đổ tiền mua các đồng tiền ảo để rót vốn cho các ICO đều có nguy cơ mất trắng.

“Theo điều 217a Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà chưa có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.

Điện máy Nguyễn Kim bị truy thu thuế gần 150 tỷ đồng

Phó cục trưởng Cục thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Bình cho biết đơn vị đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (siêu thị điện máy Nguyễn Kim).
 Điện máy Nguyễn Kim bị truy thu thuế gần 150 tỷ đồng

Từ đơn tố cáo của cán bộ nhân viên Nguyễn Kim, Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra công ty này. Qua thanh tra các hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân, ngày 29/6, Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Tổng số tiền Nguyễn Kim phải nộp ngân sách là gần 150 tỷ đồng. Trong đó, truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền hơn 104 tỷ đồng, phạt hơn 19 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 24 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy, hơn chục năm qua, năm nào nhân viên cũng ủy quyền cho công ty này quyết toán thuế đầy đủ. Thế nhưng, điện máy Nguyễn Kim đã “lách” thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để trốn thuế.

Chẳng hạn, với chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc thực nhận khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng nhưng doanh nghiệp này chỉ khai thuế 30 triệu đồng, Trưởng bộ phận thực nhận 50 triệu đồng mỗi tháng nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 12 triệu đồng. Số tiền chênh lệch, 270 triệu đồng và 38 triệu đồng sẽ được chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch sẽ được miễn thuế).

Tương tự, các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm của hàng nghìn nhân viên cũng được doanh nghiệp này chuyển thành lương ngoài giờ để trốn thuế phần chênh lệch. Do vậy, riêng số thuế thu nhập cá nhân mà siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã trốn nộp cho ngân sách là hơn 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện một số nhân viên của công ty này vẫn tiếp tục khiếu nại vì cho rằng thanh tra, truy thu thuế của cơ quan thuế chưa đầy đủ, do từ đầu năm 2014, siêu thị điện máy Nguyễn Kim chưa lên sàn chứng khoán đã ra quyết định thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu, được quy đổi là 50.000 đồng mỗi cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) nhưng vẫn không khai thuế.

Đồng thời, các nhân viên đang tiếp tục khiếu nại về nguy cơ điện máy Nguyễn Kim đã nộp bảo hiểm xã hội không đúng, gây thiệt hại cho người lao động.

Nguyễn Kim được thành lập năm 2001 và hiện có hơn 21 siêu thị điện máy trên cả nước, là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Tháng 1/2015, theo báo cáo gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, công ty Power Buy cho biết đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Đại diện truyền thông của Central Group - tập đoàn nắm cổ phần của Power Buy cho biết, việc mua cổ phần của Nguyễn Kim sẽ giúp công ty mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy tại Việt Nam. Không tiết lộ giá trị thương vụ, song vị này cho biết sau cuộc đàm phán, Tổng giám đốc Central Group Việt Nam Philippe Broianigo sẽ kiêm chức này tại Nguyễn Kim, trong khi ông Nguyễn Văn Kim vẫn nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.