Tiêu điểm kinh tế tuần: Thông qua luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hơn 22.000 doanh nghiệp bị thanh tra thuế, lãnh đạo doanh nghiệp phải bồi thường nếu thất thoát... là tiêu điểm kinh tế tuần qua.

Thông qua luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa
 
Sáng 12/6, với 83,50% (410/442) số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.
Luật được thiết kế theo hướng các hỗ trợ trọng tâm chỉ tập trung cho 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Tiêu chí xác định DNNVV được quy định tại Luật bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí là có tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỉ đồng, hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng.
Về nguyên tắc hỗ trợ DNNVV, luật này quy định việc hỗ trợ phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Nhà nước hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.
Hơn 22.000 doanh nghiệp bị thanh tra thuế trong 5 tháng
 
Báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện công tác thuế tháng 5/2017 của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, cơ quan này đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 51 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết.
Kết quả, truy thu, truy hoàn và phạt trên 205 tỷ đồng; giảm lỗ gần 286 tỷ đồng; giảm khấu trừ xấp xỉ 5,9 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 564 tỷ đồng.
Tổng quan về kết quả thanh tra trong những tháng đầu năm, Tổng cục Thuế và 63 cục thuế đã thanh tra, kiểm tra được 22.336 doanh nghiệp, mới chỉ hoàn thành 22% kế hoạch năm 2017 (kế hoạch cả năm là 101.706 doanh nghiệp), tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.
Qua đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là gần 5.941 tỷ đồng, bằng 139,24% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là trên 3.100 tỷ đồng, đạt 52,19% số thuế tăng thu qua thanh tra. Con số này tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành chỉ thị yêu cầu các bộ ngành và chính quyền các cấp thực hiện nghiêm, không thực hiện thanh, kiểm tra quá 1 lần/1 năm với doanh nghiệp.
Lãnh đạo doanh nghiệp phải bồi thường nếu xảy ra thất thoát
 
UBND Thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 2846 triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Tài chính - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN thành phố căn cứ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thuộc UBND thành phố thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020, chủ trì, phối hợp các sở, ngành là thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa DN.
Văn bản của UBND TP Hà Nội lưu ý Sở Nội vụ phải xây dựng được cơ chế xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN; đề xuất xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN để DN sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có hiệu quả.
Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vốn kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tối thiểu 200 tỷ
 
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Theo thông tư này, điểm kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho doanh nghiệp nước ngoài phải bố trí các thiết bị điện tử và hệ thống camera để theo dõi, giám sát thường xuyên toàn bộ hoạt động trong điểm kinh doanh (24/24h). Hình ảnh phải lưu trữ trong tối thiểu là 30 ngày kể từ ngày ghi hình.
Các doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện tại Nghị định 83/2013/NĐ-CP và Nghị định 175/2016/NĐ-CP sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Cụ thể, một trong những điều kiện là doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu là 200 tỷ đồng.
Căn cứ số lượng máy trò chơi điện tử có thưởng thực tế, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh được lựa chọn chủng loại máy, loại hình trò chơi điện tử có thưởng và tỷ lệ máy trò chơi điện tử có thưởng.
Cũng theo Thông tư này, điểm kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho doanh nghiệp nước ngoài phải bố trí các thiết bị điện tử và hệ thống camera để theo dõi, giám sát thường xuyên toàn bộ hoạt động trong điểm kinh doanh (24/24h). Hình ảnh phải lưu trữ trong tối thiểu là 30 ngày kể từ ngày ghi hình.