Tiêu điểm kinh tế tuần: Việt - Mỹ ký kết hàng loạt thỏa thuận nhiều tỉ USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt - Mỹ ký kết hàng loạt thỏa thuận nhiều tỉ USD, khởi tố 4 "sếp" của đa cấp Thăng Long về tội lừa đảo, định giá Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn ... là tiêu điểm kinh tế tuần qua.

Việt - Mỹ ký kết hàng loạt thỏa thuận nhiều tỉ USD
 Thủ tướng (thứ 5 từ phải sang) chứng kiến lễ ký kết, trao đổi thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp VN và đối tác Hoa Kỳ 
Ngày 31/5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đến Mỹ. Sự kiện đáng chú ý là Thủ tướng tham dự lễ trao các văn bản thỏa thuận về thương mại và đầu tư.
Trong chuyến thăm này, có khoảng 20 hợp đồng và văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai nước được trao đổi với tổng giá trị khoảng 10 tỉ USD. Trong số đó, nổi bật nhất là các hợp đồng của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.
Công ty CFM International - một liên doanh giữa General Electrics (G.E) và Safran - đã ký hợp đồng cung cấp 215 động cơ máy bay kèm theo dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng cho Vietjet Air, trị giá 3,6 tỉ USD, thực hiện trong vòng 12 năm.
Vietjet Air và Công ty GECAS thuộc tập đoàn GE đã ký bản ghi nhớ hợp đồng cung cấp tài chính thuê mua máy bay trị giá 1 tỉ USD cho 10 máy bay mà Vietjet Air đặt hàng từ các nhà sản xuất.
Một thỏa thuận tỉ USD khác là giữa tập đoàn Phú Cường và tập đoàn G.E về nhập thiết bị turbin điện gió và dịch vụ bảo dưỡng cho dự án phát triển 800 MW điện gió tại Sóc Trăng.
Ngoài ra, thỏa thuận nhập một số thiết bị cho nhà máy điện turbin sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh trị giá hàng trăm triệu USD cũng được tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và GE trao đổi…
Khởi tố 4 "sếp" của đa cấp Thăng Long
 
Ngày 30/5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46)Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 29/C46 (P11) về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự xảy ra tại Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long.
C46 cũng đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, đối với: Lê Văn Quang (Chủ tịch Thăng Long Group), Phạm Ngọc Tuân (Giám đốc Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long), Vũ Đình Hùng (Phó Giám đốc Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long) và Hoàng Hải Yến (Kế toán trưởng Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long). Trong số này Hoàng Hải Yến được cho tại ngoại.
Cũng trong ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, C46 đã thực hiện các Quyết định và thi hành Lệnh bắt tạm giam các bị can theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện C46 đang tập trung lực lượng, khẩn trương điều tra củng cố chứng cứ làm rõ hành vi, thủ đoạn lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để lừa đảo người dân; áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả của vụ án.
Được biết, Công ty TNHH nhượng quyền Thương mại Thăng Long đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp từ cuối năm 2014, có trụ sở chính tại Hà Nội.
Trong quá trình hoạt động, Công ty này đã có 21 đại lý trên toàn quốc với hàng trăm nghìn người tham gia. Theo tính toán sơ bộ, Công ty này hiện thu của người tham gia số tiền lên tới 700 tỷ đồng nhưng không có khả năng hoàn trả.
Định giá Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định số 1938/QĐ-BCT xác định giá trị Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để cổ phần hóa.
Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 là 72.879.914.663.162 đồng (bảy mươi hai ngàn tám trăm bảy mươi chín tỷ, chín trăm mười bốn triệu, sáu trăm sáu mươi ba ngàn, một trăm sáu mươi hai đồng), tương đương khoảng 3,2 tỷ USD.
Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng. Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để BSR thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa. Đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.
Đại diện BSR cho biết, doanh nghiệp sẽ bán 5-6% cổ phần ra thị trường trong đợt chào bán đầu tiên (IPO) vào tháng 11 năm nay. Bên cạnh đó là việc chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược.
Áp thuế tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu
 
Ngày 31/5, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1931/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam.
Quyết định này sẽ có hiệu lực trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký. Theo đó, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức bằng hạn ngạch thuế quan đối với tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam trong vòng 3 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Trong năm đầu tiên (từ 15/6/2017 đến 14/6/2018), tổng hạn ngạch tôn màu không chịu thuế tự vệ là 380,68 nghìn tấn. Sang năm thứ 2, lượng tôn màu không chịu thuế tự vệ sẽ là 418,75 nghìn tấn và tăng lên 460,62 nghìn tấn trong năm thứ 3. Mức thuế tự vệ ngoài hạn ngạch được áp dụng là 19%.
Đây là mức thuế áp dụng cho số lượng hàng nhập khẩu ngoài hạn ngạch (Bộ Công Thương có số liệu cụ thể về lượng hạn ngạch nhập khẩu không chịu thuế tự vệ phân bổ theo các quốc gia/vùng lãnh thổ).