Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời"

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng bổ sung vụ Mobifone mua cổ phần của AVG vào diện theo dõi; Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời"; Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Đinh La Thăng và bà Phan Thị Mỹ Thanh... là những sự kiện đáng chú ý tuần qua.

Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng bổ sung vụ Mobifone mua cổ phần của AVG vào diện theo dõi

  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương

về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chiều 27/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc và định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp 13 đến nay.

Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng (Công an, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo), từ sau Phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã nghiêm túc triển khai thực hiện thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo khí thế lan tỏa, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn, hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo Kế hoạch năm 2018 của Ban Chỉ đạo.

Nhất là tập trung điều tra, đưa vụ án "Tổ chức đánh bạc, đánh bạc" xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương ra xét xử đúng thời hạn luật định; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý triệt để ở giai đoạn II. Tích cực, khẩn trương, tăng cường phối hợp để điều tra, đưa vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, ra xét xử đúng thời hạn luật định; mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của các đối tượng liên quan trong giai đoạn II của vụ án.

Khẩn trương kết luận điều tra bổ sung và mở rộng điều tra để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á; điều tra bổ sung, truy tố, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 4/11 vụ án còn chậm tiến độ so với Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Tổng Bí thư chỉ rõ Ban chỉ đạo đã có chương trình, kế hoạch, cứ thế mà làm. Nhưng tinh thần là không làm thay cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ cho đường hướng, quan điểm xử lý, phương pháp, cách làm, tư tưởng chỉ đạo. Yêu cầu chung là cần phải làm nghiêm minh, cố gắng đúng tiến độ, trừ trường hợp bất khả kháng, tránh xử ép xử non.

Dư luận cho rằng, chưa bao giờ Đảng lấy lại được uy tín như bây giờ, vì có nhiều lý do, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội tốt. Trong đó, lý do rất quan trọng là công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, được tăng cường, qua đó củng cố, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Tổng Bí thư nói: “Đừng sợ làm sẽ mất uy tín, sợ khuyết điểm là không tiến bộ được, mà làm để lấy lại uy tín và đã như thế thì phải công khai”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Tiêu điểm tuần qua: Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời" - Ảnh 2

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng

Sáng 25/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch) Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng tại Điện Kính thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Tham gia lễ dâng hương lên các Vua Hùng năm nay có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy Viên Bộ Chính Trị - Thủ tướng Chính Phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Đúng 6h sáng, Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức các vua Hùng tại khu di tích Đền Hùng đã long trọng diễn ra. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng các vị lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và hàng chục vạn người dân cùng dâng lễ, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Đoàn hành lễ bắt đầu đi từ chân núi Nghĩa Lĩnh qua Nghi Môn - đền Hạ - đền Trung - lên đền Thượng. Đi đầu đoàn hành lễ là đoàn tiêu binh, tiếp đó là 14 thiếu nữ cầm hương, hoa, lễ vật và 100 thanh niên con Lạc cháu Hồng rước cờ trong nghi lễ Giỗ Tổ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 cho biết, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 diễn ra từ ngày 21 đến 25/4 (tức ngày 6 đến 10/3 năm Mậu Tuất).

Lượng khách đổ về lễ hội năm nay bắt đầu đông từ ngày 21/4, với khoảng hơn 2 triệu lượt người. Riêng trong ngày 24/4, khoảng 1 triệu lượt người đã đến Khu di tích Đền Hùng.

Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời"

Thời gian gần đây, truyền thông và dư luận phản ánh nhiều hoạt động có biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn đạo đức xã hội liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" diễn ra ở một số địa phương. Ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã cung cấp một số thông tin về vấn đề này.

Tiêu điểm tuần qua: Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời" - Ảnh 3
Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng.

Ông Vũ Chiến Thắng khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Ông Thắng cho biết, hiện nay, có một số nhóm mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời", bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên... liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Về nguồn gốc của tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" mà báo chí phản ánh, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được, song vì những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh cần thêm thời gian để kiểm chứng có hay không có vai trò của tổ chức chỉ đạo, điều hành hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi, làm biến tướng, nên lúc này chưa đề cập.

Ông Vũ Chiến Thắng cũng cho biết, về phương diện quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức mang tên "Hội thánh Đức Chúa Trời" này và đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật. Công tác này đã được Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện từ năm 2016; nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai cho kết quả tốt nhưng cũng có địa phương thực hiện chưa quyết liệt. Ngay khi đọc được phản ánh của một số báo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản đôn đốc các tỉnh, thành phố liên quan nắm lại tình hình, tăng cường công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, đấu tranh và xử lý đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Trên cơ sở này, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ cùng với các cơ quan chức năng trung ương tiếp tục hướng dẫn các địa phương liên quan triển khai thực hiện các công tác cần thiết để ổn định tình hình.

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các cấp các ngành ở địa phương cần làm tốt công tác nắm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc...

Chức sắc của một số tổ chức tôn giáo gần đây đã lên tiếng phản đối các hoạt động tiêu cực trên. Dù mới là việc làm của cá nhân các chức sắc tôn giáo nhưng đã góp phần giúp dư luận hiểu những hoạt động tiêu cực trên là phi tôn giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ hoan nghênh việc làm này nhưng đồng thời lưu ý các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc tôn giáo khi lên tiếng phản đối cần tránh gây kỳ thị, phân biệt và xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo chân chính.

"Đối với việc đưa tin liên tục của một số báo điện tử gần đây về vấn đề này, tôi hoan nghênh tinh thần nhập cuộc, phản ánh kịp thời của báo chí. Việc làm này đã giúp đưa tin tới rộng rãi quần chúng nhân dân để chủ động cảnh giác, phòng ngừa, song tôi cũng lưu ý việc đưa tin cần chính xác, tránh gây hiểu nhầm về sự tiêu cực của một tôn giáo cụ thể nào đó", ông Vũ Chiến Thắng nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với công nhân lao động

Tiêu điểm tuần qua: Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời" - Ảnh 4

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung với các công đoàn, người lao động tại buổi đối thoại.

Chiều 24/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo TP với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Chủ trì hội nghị gồm Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến; Trưởng ban QL Các KCN&Chế xuất Hà Nội Phạm Khắc Tuấn. Hội nghị còn có sự tham dự của các sở ngành trực tiếp trả lời những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban QL Các KCN&Chế xuất Hà Nội Phạm Khắc Tuấn cho biết, sau hội nghị đối thoại với công nhân lao động năm 2017, UBND TP đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị trực thuộc TP giải quyết những kiến nghị của DN và người lao động trong các KCN gồm 47 nhiệm vụ. Đến nay, 20 sở, ngành, địa phương, đơn vị đã thực hiện được 30 nhiệm vụ, 10 nhiệm vụ chưa có báo cáo.

7 nhiệm vụ đã được triển khai bước một, hiện đang tiếp tục triển khai, giải quyết thuộc các sở, ngành, đơn vị gồm: Sở KH&ĐT, UBND TP huyện Sóc Sơn, UBND huyện Thạch Thất, UBND huyện Đông Anh, Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp trả lời 54 nội dung về 6 nhóm vấn đề để đảm bảo đời sống, quyền lợi chính đáng cho người lao động ở Thủ đô.

Về điều kiện phúc lợi nhà ở cho công nhân, người lao động, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, đây là nhu cầu chính đáng và nhiều năm qua, TP đã quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân. Ngoài việc cải tạo, nâng cấp các khu nhà hiện có, TP sẽ kêu gọi xúc tiến đầu tư vào tháng 6 tới để xây dựng mới và bổ sung thêm khu nhà ở cho công nhân ở KCN Quang Minh, Bắc Thăng Long, huyện Quốc Oai…

Với 10 nhiệm vụ chưa hoàn thành trên tổng số 47 nhiệm vụ mà Chủ tịch UBND TP giao các sở ngành sau cuộc đối thoại với công nhân, người lao động năm 2017, Chủ tịch UBND TP nhận trách nhiệm và cam kết đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện, hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Đinh La Thăng và bà Phan Thị Mỹ Thanh

Tiêu điểm tuần qua: Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời" - Ảnh 5
 Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Đinh La Thăng và bà Phan Thị Mỹ Thanh
Ngày 23/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 24 dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung chính.
Theo đó, xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (Bộ Chính trị đã đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy và đình chỉ chức vụ Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương).
Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, căn cứ các bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ở mức cao nhất đối với ông Đinh La Thăng.
Xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và ông Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại Kỳ họp 23 của UBKT Trung ương.
UBKT Trung ương nhận thấy, việc kiểm điểm và đề nghị thi hành kỷ luật được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và chấp hành nghiêm túc kế hoạch của UBKT Trung ương. Tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân có vi phạm, khuyết điểm cho rằng kết luận của UBKT Trung ương là chính xác, khách quan; coi đây là bài học sâu sắc để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; sau khi cân nhắc nhiều mặt, UBKT Trung ương kết luận:
Những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân bà Thanh. UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh.
Ông Đinh Quốc Thái đã kiểm điểm nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự giác nhận hình thức kỷ luật. UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đinh Quốc Thái.
Xem xét, thi hành kỷ luật ông Trung tá Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định; nguyên Đảng ủy viên, Phó Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Đội Điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng trong thời gian làm Đội trưởng Đội Điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra khi được giao thụ lý điều tra vụ án khai thác rừng trái phép xảy ra tại Lâm trường Măng La, huyện Kon Plông.
Vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Dũng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan công an và cá nhân ông Dũng. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Dũng.
Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo 01 trường hợp; tham gia ý kiến về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 01 trường hợp thuộc thẩm quyền Ban Bí thư.

Mở rộng điều tra vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng

Ông Phùng Danh Thắm

Theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Quốc phòng: Ngày 3/12/2017, Cơ quan Điều tra hình sự/Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đinh Ngọc Hệ, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, Điều 281 Bộ Luật hình sự năm 1999.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra còn phát hiện Đinh Ngọc Hệ có hành vi mua bằng đại học giả, sử dụng bằng đại học giả để khai trong hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ. Hành vi của Đinh Ngọc Hệ có đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Xuân Sơn, là dân, trú tại khu phố 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là người được Đinh Ngọc Hệ thuê làm Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P tại Bình Dương; ông Trần Văn Lâm trú tại 18/B 518 chung cư Huỳnh Văn Chính, phường Phú Trung, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, là dân, là người được Đinh Ngọc Hệ thuê làm Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Cả 03 bị can trên đều bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Đinh Ngọc Hệ. Đồng thời, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đại tá Phùng Danh Thắm, Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Hiện các cơ quan tố tụng của Bộ Quốc phòng đang khẩn trương điều tra để kết luận, đề nghị truy tố Đinh Ngọc Hệ cùng với các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật; đưa vụ án ra xét xử trong thời gian sớm nhất.

Trong quá trình điều tra, xử lý vụ án, các cơ quan tố tụng của Bộ Quốc phòng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, thời gian, kết luận rõ ràng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có vùng cấm, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, khẳng định trách nhiệm của Quân đội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Khởi tố, bắt tạm giam Phó Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn

Bị can Vũ Mạnh Tùng.

Ngày 27/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) đã ra các Quyết định khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can tạm giam và Lệnh khám xét đối với Vũ Mạnh Tùng, SN 1974, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, C46 đang tiến hành điều tra vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại BSR và Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 55/C46-P11 ngày 13/9/2017. Căn cứ kết quả điều tra vụ án, C46 đã đưa ra các quyết định trên.

Hiện nay, C46 đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi của bị can Vũ Mạnh Tùng và mở rộng điều tra đối với những đối tượng liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Được biết, đây là vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.