Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Bão số 10 làm 9 người chết, hơn 152.000 nhà tốc mái

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 10 làm 9 người chết, hơn 152.000 nhà hư hỏng, tốc mái; Chi tiết các mức án đề nghị đối với 51 bị cáo vụ án OceanBank; Chủ tịch Quốc hội chưa đồng ý tăng thuế xăng dầu... là nội dung chú ý tuần qua.

Bão số 10 làm 13 người chết và mất tích, hơn 152.000 nhà hư hỏng, tốc mái
 
Tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, theo báo cáo nhanh của các địa phương, thiệt hại tính đến 22h00 ngày 16/9 bão số 10 đã làm 13 người chết và mất tích. Cụ thể, có 9 người chết: Hòa Bình: 3 người; Thanh Hóa: 2 người; Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 2 người; Thừa Thiên Huế: 1 người. 4 người mất tích tại Quảng Bình. 112 người bị thương, trong đó, Nghệ An: 1 người; Hà Tĩnh: 9 người; Quảng Bình: 89 người; Quảng Trị; 10 người; Thừa Thiên Huế: 3 người.

Cơn bão với sức gió mạnh 133 km/h (cấp 12) đã làm 1.185 nhà bị sập, trong đó, Thanh Hóa: 48 nhà; Quảng Bình: 1.065 nhà; Quảng Trị: 18 nhà; Thừa Thiên Huế: 54 nhà.
Nhà bị tốc mái, hư hỏng: 152.599 nhà, trong đó: Thanh Hóa: 2 nhà; Nghệ An: 725 nhà; Hà Tĩnh: 69.112 nhà; Quảng Bình: 79.462 nhà; Quảng Trị: 2.221 nhà; Thừa Thiên Huế: 1.057 nhà. Nhà bị ngập: 10.923 nhà, trong đó: Thanh Hóa: 357 nhà; Hà Tĩnh: 4.699 nhà; Quảng Bình: 5.850 nhà; Quảng Trị: 17 nhà. Đến nay nước đã rút.
Thiệt hại về truyền thông và lưới điện gồm: 1 cột truyền hình bị đổ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; 1.559 cột điện hạ thế bị đổ gãy, trong đó: Thanh Hóa: 58 cột; Hà Tĩnh: 2 cột; Quảng Bình: 1.481 cột; Quảng Trị: 16 cột; Thừa Thiên Huế: 2 cột. Tổng số khách hàng bị mất điện là 528.481, giảm 778.519 khách hàng, trong đó Thanh Hóa: 30.200; Nghệ An: 89.125; Hà Tĩnh: 186.982; Quảng Bình: 222.174.
Về tàu thuyền, có 7 tàu cá (công suất >20CV) bị chìm, (Thanh Hóa: 1; Quảng Ngãi: 6); 183 thuyền nhỏ bị chìm, cuốn trôi (Thanh Hóa: 38; Quảng Bình: 129; Thừa Thiên Huế: 15).

Về Nông nghiệp, lâm nghiệp, có 4.473ha lúa bị ngập (Hòa Bình: 50ha; Vĩnh Phúc: 6,38ha; Hải Phòng: 130ha; Thái Bình: 1.000ha; Thanh Hóa: 1.858ha; Nghệ An: 380ha; Hà Tĩnh: 1.000ha; Quảng Trị: 49ha). Đối với hoa màu, có 8.277ha hoa màu bị ngập (Hòa Bình: 24,5ha; Vĩnh Phúc: 137ha; Hải Phòng: 70ha; Thanh Hóa: 1.055ha; Nghệ An: 2.348ha; Quảng Bình: 4.194ha; Quảng Trị: 361ha; T.T.Huế: 87ha). Diện tích lúa và hoa màu bị ngập đến nay lũ đã rút. Cây trồng lâu năm bị gãy đổ, giảm năng suất: 16.239ha (Quảng Bình: 12.963ha; Quảng Trị: 3.274ha; T.T.Huế: 02ha).

Về giao thông, thủy lợi, 10.000m đường quốc lộ; 17.944m đường giao thông địa phương; 5 cầu, 16 cống bị sạt lở, hư hỏng. 26.620m kênh mương bị sạt lở (Thanh Hóa: 90m; Nghệ An: 8.500m; Quảng Trị: 9.500m; T.T. Huế: 30m); 10 đập thủy lợi loại nhỏ bị sạt lở, hư hỏng (Nghệ An).

Các mức án đề nghị đối với 51 bị cáo vụ án OceanBank
 
Sáng 14/9, Viện Kiểm sát đã đọc bản luận tội đối với cá bị cáo, đề nghị cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn mức án tử hình, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị đề nghị án chung thân. VKS cũng đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với Bùi Văn Hải, Trưởng ban Kiểm soát OceanBank.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ OceanBank bị Viện kiểm sát đề nghị từ 16-18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, phạt tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, phạt Tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành hình phạt chung là Tử hình.
Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank bị đề nghị từ 19-20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, từ 18-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, 20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, Chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp buộc bị cáo Hà Văn Thắm phải chấp hành hình phạt chung là Chung thân.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Phó TGĐ OceanBank bị đề nghị từ 14-15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 10-12 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp buộc bị cáo Nguyễn Minh Thu phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 24-27 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó TGĐ OceanBank bị đề nghị tổng hợp hình phạt chung là 20-24 năm tù.
Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng bị đề nghị từ 16-17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. .
Các Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch bị đề nghị 36 - 42 tháng tù về tội cố ý làm trái, hoặc 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo gồm: Trịnh Xuân Hà, Hoàng Phương Nga, Nguyễn Văn Chai: 24 - 30 tháng tù treo, hoặc 18 - 24 tháng treo.
Chủ tịch Quốc hội chưa đồng ý tăng thuế xăng dầu
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/9 cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, khung thuế mới được Chính phủ đề xuất với mặt hàng xăng là 3.000 - 8.000 đồng (tối thiểu - tối đa) một lít, thay vì 1.000 - 4.000 đồng hiện nay. Mặt hàng túi ni lông cũng được đề nghị điều chỉnh lên mức 40.000 - 200.000 đồng một kg, thay vì mức 30.000 - 50.000 đồng một kg hiện hành.
Đánh giá về tác động của dự luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong tình tình kinh tế đất nước hiện nay thì việc tăng thuế suất nhìn chung là không thuận.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại quan điểm hạn chế tăng các loại thuế, phí của Thủ tướng trong thời điểm hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với mặt hàng xăng thì khung thuế suất hiện hành cũng chưa áp dụng mức tối đa (4.000 đồng một lít), nên việc đề nghị tăng khung thuế mới cần được cân nhắc.
Theo báo cáo thẩm tra của cơ quan thường trực Quốc hội, các số liệu phân tích, chứng minh việc nâng mức trần khung đối với xăng, dầu trong khung thuế hiện hành, mà đề xuất cơ sở tăng thuế theo định tính là chưa thực sự thuyết phục. Do đó, đề nghị nâng mức trần khung thuế môi trường với xăng, dầu lên gấp 2 lần như dự thảo luật là chưa thực sự phù hợp.
Ông Võ Kim Cự sắp thôi chức Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam
 
Chủ tịch liên minh hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự sẽ thôi đảm nhiệm chức vụ này từ 1/10/2017 để nghỉ hưu theo chế độ. Người sẽ đảm nhiệm thay vị trí của ông Cự là Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo.
Được biết, các cơ quan chức năng đang tiến hành quy trình cần thiết để Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo tiếp nhận chức vụ Chủ tịch liên minh Hợp tác xã sau khi ông Võ Kim Cự nghỉ.
Lý do ông Võ Kim Cự được cho thôi đảm nhận chức vụ này là do đến tuối nghỉ hưu. Ông Võ Kim Cự sinh ngày 19/5/1957. Như vậy, tại thời điểm này, ông đã hơn 60 tuổi, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, viên chức.
Trước đó, dư luận cũng đặt vấn đề về uy tín của ông Cự để có thể tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ công tác sau khi ông bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ đã đảm nhiệm trước đây (trừ chức Chủ tịch liên minh Hợp tác xã Việt Nam) do những vi phạm trong việc cấp phép, giám sát hoạt động của Formosa dẫn tới hậu quả sự cố “đầu độc” biển miền Trung.
Từng trả lời cử tri về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lý giải, các chức vụ trước đó ông Cự đảm nhiệm thời còn làm lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn gây sai phạm) thì đã bị cách chức hết rồi. Còn chức vụ hiện tại là làm Chủ tịch liên minh Hợp tác xã của ông Võ Kim Cự, theo Chủ tịch Quốc hội, chưa sai.