Ngày 4/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 111-TTr/UBKTTW, ngày 27/4/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ban Bí thư nhận thấy:
- Trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 1/2009, đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân; đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của Dự án vào Công ty Gỗ Tân Mai; khi chuyển công tác, đồng chí đã không bàn giao Dự án cho người kế nhiệm, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước.
- Với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), đồng chí đã ký nhiều văn bản của UBND tỉnh nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ký Quyết định số 2230/QĐ-UBND, ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án lấn Sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho DN của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực đồng chí phụ trách, trong đó có dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách, báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình.
- Thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng quy chế về công tác đối ngoại; nhiều lần sử dụng hộ chiếu ngoại giao để đi nước ngoài với mục đích cá nhân, giải quyết việc riêng; thậm chí có lần xuất cảnh ra nước ngoài không báo cáo tổ chức theo quy định.
Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.
Hà Nội vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng cải cách hành chính 2017
Sáng 2/5, tại Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các bộ, ngành và các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017.
Đối tượng của bộ chỉ số này là 19 bộ, ngành T.Ư và 63 UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Theo đó, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC (PAR INDEX) cấp bộ, ngành được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 79 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100, trong đó điểm tự đánh giá của các bộ (có sự thẩm định của Hội đồng) tối đa là 63,5/100 và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 36,5/100 điểm.
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí, 81 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100, trong đó điểm tự đánh giá (có sự thẩm định của Hội đồng) tối đa là 65,5/100 và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 34,5/100 điểm.
Theo đó, kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ, ngành được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả từ 80 điểm trở lên, bao gồm 12 bộ, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đạt chỉ số cao nhất với 92,36 điểm.
Sau đó lần lượt là các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 19 bộ, ngành đạt được là 79,92 điểm. Không có bộ, ngành nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70 điểm.
Trong khi đó, kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của các tỉnh, TP có sự thay đổi đáng kể so với năm 2016 khi mà sự quan tâm của lãnh đạo UBND các tỉnh, TP cho công tác CCHC ngày càng nhiều.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2017 với kết quả đạt được là 89,45/100 điểm, xếp thứ 2 là Hà Nội và tỉnh Đồng Nai xếp thứ 3, Đà Nẵng xếp thứ 4 và Hải Phòng xếp thứ 5. Trong nhóm 5 tỉnh, TP đứng cuối bảng, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có chỉ số thấp nhất với 59,69 điểm.
Năm ngoái (2016), Hà Nội đứng vị trí thứ 3 với 85.23/100 điểm, xếp sau Đà Nẵng và Hải Phòng.
Đối với Bộ chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS 2017). Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung cả nước là 80,90%. Tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ cao nhất là 95,97%, tỉnh thấp nhất là 67,70%.
Cụ thể, 6 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung của tỉnh ở mức trên 90%, 12 tỉnh trong khoảng 85 - 90%, 13 tỉnh trong khoảng 80 - 85%, 19 tỉnh trong khoảng 75 - 80% và 13 tỉnh dưới 75%.
Về sự mong đợi của người dân, tổ chức về việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung trong cả nước tập trung ở 3 nội dung (được sắp xếp theo thứ tự từ mong đợi nhiều nhất). Đó là, mong đợi tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính (74,72% số người được hỏi); mở rộng các hình thức thông tin (56,22% người được hỏi); rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (41,49% số người được hỏi).
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Không để tình trạng kéo dài thời hạn xử lý hồ sơ của người dân, doanh nghiệp
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận phiên họp |
Ngày 4/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, UBND TP Hà Nội họp giao ban công tác tháng 4/2018. Các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng; Nguyễn Doãn Toản cùng dự.
Kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn 4 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực; các chỉ số kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 6,6% so cùng kỳ. Nhóm ngành công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung toàn ngành.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 4 đạt 192,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 8,3% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đạt 970 triệu USD, giảm 3,3% so tháng trước nhưng tăng 2,7% cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội trong Tháng 4 đạt 430 nghìn lượt, giảm 6,8% tháng trước và tăng 33,5% cùng kỳ.
Thu NSNN trên địa bàn 4 tháng đầu năm đạt 75.852 tỷ đồng, đạt 31,8% dự toán, tăng 10,7% cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, cây trồng vụ xuân tăng trưởng tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ chữa khỏi cao; tuy nhiên, hiện nay giá thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn ở mức thấp so với trung bình các năm trước nên chưa khuyến khích được các cơ sở chăn nuôi đầu tư tăng quy mô đàn.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 21 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách, tổng mức đầu tư 16.336 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 14 dự án, trong đó 9 dự án tăng vốn 1.389 tỷ đồng; thu hút 744 triệu USD vốn đầu tư FDI; cấp Giấy chứng nhận thành lập mới 8.139 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 78.222 tỷ đồng.
Báo cáo tại cuộc họp giao ban cũng cho biết, các mặt công tác khác của thành phố đều được duy trì và hoàn thành, như: quản lý đô thị, an toàn giao thông, giáo dục y tế, an sinh xã hội... Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm, toàn TP đã trồng được thêm 340,9 nghìn cây các loại, nâng tổng số cây đã trồng lên 800 nghìn cây, đạt 80% chương trình.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá cao kết quả thu ngân sách (đạt 31,8% dự toán). Trong đó, thu thuế thu nhập DN ngoài quốc doanh tăng cao. “Con số này khẳng định TP đã đi đúng hướng, cho thấy hiệu quả từ việc thúc đẩy CCHC; các cơ chế tháo gỡ khó khăn cho DN” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh
Đề cập tới các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới cần thiết thực phục vụ Nhân dân, Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng đôn đốc đảm bảo cung cấp đủ nước sạch phục vụ nhân dân hè 2018; đôn đốc các đơn vị thực hiện các dự án cấp nước sạch ở nông thôn, không được để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Liên quan đến vấn đề thu gom rác thải, dẫn chứng việc có nơi vẫn chưa thấy đặt thùng rác, thu gom rác chưa hiệu quả, Chủ tịch UBND TP yêu cầu dứt khoát phải chấm dứt hợp đồng với một số công ty đã vi phạm nhiều lần. Chủ tịch UBND TP lưu ý nếu thực hiện đúng quy trình thu gom rác và hút bụi sẽ giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Về tiến độ cải tạo các chung cư cũ được người dân quan tâm, yêu cầu các sở ngành liên quân đẩy nhanh tiến độ thực hiện 16 dự án cải tạo chung cư cũ đang lập quy hoạch 1/500, Chủ tịch UBND TP nêu rõ: “Bên cạnh việc xin ý kiến người dân tại các khu chung cư, các đơn vị cần phối hợp với quận Hoàn Kiếm tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai tại Bờ Hồ vào cuối tuần cho người dân xem quy hoạch cả 16 khu chung cư, trong đó nêu rõ các phương án triển khai. Trên cơ sở đó, TP và các chuyên gia sẽ tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa dự án cho phù hợp”.
Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Tài chính đôn đốc công tác đấu giá mua sắm tập trung đảm bảo hiệu quả, không để kéo dài đặc biệt không để xảy ra tiêu cực. Sở TT&TT chủ trì đẩy nhanh tiến độ triển khai DVCTT mức độ 3,4. Sở TN&MT đôn đốc công tác đấu giá quyền sử dụng đất của các quận huyện; tính giá tiền sử dụng đất; thuê đất của các dự án; dự án đo đạc các thửa đất; rà soát các dự án đất đã lâu không sử dụng.
Trung tâm xúc tiến đầu tư TP cùng phối hợp với sở Ngoại vụ tiếp tục hỗ trợ DN; đề xuất đưa cán bộ sang học tập kinh nghiệm về quản lý đô thị, nông nghiệp công nghệ cao...ở các hội chợ lớn về môi trường, công nghiệp hóa tự động của các ngành tại các nước phát triển.