Tiêu điểm tuần qua: Hàng loạt lãnh đạo VN Pharma nhập thuốc ung thư giả lĩnh án

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt lãnh đạo VN Pharma nhập thuốc ung thư giả lĩnh án, đề án cấm xe máy năm 2030 có hiệu lực, U22 Việt Nam tan giấc mơ vàng SEA Games 29... là nội dung tiêu điểm tuần qua.

Lãnh đạo VN Pharma nhập thuốc ung thư giả lĩnh án

 

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, sáng 25/8, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án các bị cáo trong vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma.

HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) cùng lĩnh 12 năm tù về tội Buôn lậu.

Bị cáo Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 5 năm tù; Ngô Anh Quốc (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) bị phạt 4 năm tù; Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 3 năm tù cùng tội danh trên.

Với tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco) bị phạt 2 năm tù treo, Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 3 năm 6 tháng tù, Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 1 năm 6 tháng tù, Phạm Văn Thông (dược sĩ) lĩnh 2 năm tù treo.

Theo cáo trạng, từ năm 2013, Cường mua thuốc H-Capita (thuốc chữa bệnh ung thư) từ một người nước ngoài tên Raymundo với giá 18 USD/hộp. Sau đó, Công ty cổ phần VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc nhãn hiệu trên từ Cường với giá 27 USD/hộp.

Do không có hồ sơ kỹ thuật thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược nên Hùng thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc H-Capita rồi chỉ đạo nhân viên cấp dưới hợp thức hồ sơ nhập khẩu, chứng từ thanh toán tiền nhập khẩu trái phép 9.300 hộp thuốc H-Capita.

Ngoài ra, từ năm 2012 đến năm 2014, Hùng còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hồng Công để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bút phê "buồn cười quá" gửi Thủ tướng
 

Ngày 22/8, Công ty Gia Bảo đã gửi kiến nghị lần 3, xin đứng ra "thay chân, thế chỗ" Tổng Công ty Đường sắt để làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên.

Lý do mà ông Nguyễn Bá Long - Phó Tổng giám đốc của Gia Bảo cho rằng việc chuyển đề xuất của ông đến Thủ tướng sang Bộ GTVT là "buồn cười quá" vì: Bộ GTVT đang thực hiện quá chậm, nay Văn phòng Chính phủ lại chuyển đề nghị của Công ty Gia Bảo về Bộ GTVT xem xét xử lý là không phải cải cách thủ tục như Thủ tướng nói và làm.

Công ty này cũng viện lý do là Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, Tổng Công ty Đường sắt là đơn vị đứng ra triển khai dự án trên đã để xảy ra vụ hối lộ. Sau sự cố hối lộ xảy ra, được biết từ năm 2014 dự án bị đình trệ chưa có thời hạn hoàn thành.

Trong đơn kiến nghị lần 3, Công ty Gia Bảo xin đề nghị Thủ tướng giao cho mình làm chủ đầu tư thực hiện dự án đường sắt trên cao số 1 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và vạch rõ kế hoạch khá bài bản hoàn thành dự án: Từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018 sẽ xây dựng nhà ga Ngọc Hồi và ga Yên Viên.

Từ năm 2019 đến hết tháng 4/2020, xây dựng cầu Long Biên 2; đưa 40 xe bus chạy ga miễn phí qua các nhà ga nói trên. Hết tháng 8/2020, xây dựng xong cầu Long Biên 2 và đến tháng 10/2020 lắp đặt xong tàu điện, chạy chính thức...

Trao đổi với báo giới sáng nay (24/8), Người phát ngôn Chính phủ thông tin, văn bản mà công ty Gia Bảo gửi Văn phòng Chính phủ từ trước đó có đề xuất cho bán khu đất ở 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội - để làm ga Ngọc Hồi.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc công ty Gia Bảo ra văn bản đề nghị 2 vấn đề như vậy là không đúng. Nếu đăng tải công khai thông tin không đúng sự thật là không được.

Được biết, với đề nghị tham gia là nhà đầu tư dự án thì việc đề nghị bán lô đất 107 Trần Hưng Đạo để làm nhà ga không thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của công ty Gia Bảo. Nếu có đề xuất như vậy, đơn vị đề xuất phải là Tổng công ty Đường sắt hoặc Bộ GTVT.

Mặt khác, công ty Gia Bảo đề nghị Thủ tướng giao cho thực hiện dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên, nhưng doanh nghiệp này không có khả năng nên không giao được, đề xuất không có cơ sở. Bởi, nếu có giao phải trên cơ sở doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục đấu thầu, đủ điều kiện và được lựa chọn sau khi xem xét, so sánh với các đối thủ khác nữa.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng Khẳng định, phiếu chuyển trên là hợp lý, Văn phòng Chính phủ không có cơ sở để quyết nếu không có ý kiến của Bộ chuyên ngành.

“Văn phòng Chính phủ cũng không thể trình Thủ tướng giải quyết việc vụn vặt như thế được!” - ông cho biết.
Dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030
 

Ngày 24/8, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5953/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030".

Theo đó, để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn thành phố, tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50% đến 55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.

Cụ thể, nhóm giải pháp chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017 - 2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017 - 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
U22 Việt Nam tan giấc mơ huy chương vàng tại SEA Games 29
 

Trước khi bước vào trận đấu cuối của bảng B gặp U22 Thái Lan, tuyển U22 Việt Nam có nhiều lợi thế khi đứng đầu bảng. Do đó chỉ cầm hòa là đoạt vé vào bán kết SEA Games 2017.

Tuy nhiên, với những gì thể hiện sau 90 phút thi đấu các cầu thủ của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã mang lại nỗi thất vọng ê chề khi để thua đối phương với 3 bàn không gỡ.

Với kết quả này, cộng với chiến thắng của U22 Indonesia trước Campuchia đã khiến U22 Việt Nam chia tay SEA Games 29 ngay từ vòng bảng.

Ngay trong phòng họp báo sau trận thua U22 Thái Lan 0-3, HLV Hữu Thắng cho biết:“Trước hết, tôi xin thay mặt toàn đội U22 Việt Nam gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất đến người hâm mộ bóng đá nước nhà. Tất cả đều rất kỳ vọng vào chúng tôi ở kỳ SEA Games này, từ tinh thần cho đến những đóng góp khác. Ngay sau đây tôi xin chính thức từ chức HLV trưởng đội tuyển”.

Nhưng điều gây cảm động nhất của ông thầy trẻ là không chút nói về lỗi của cầu thủ: “Tôi mong muốn nhất là lúc này, báo chí và dư luận đừng chỉ trích cầu thủ về mọi thứ. Họ đều còn rất trẻ, tương lai còn dài. Những gì tôi đã làm được hoặc còn thiếu sót, tôi xin chịu hết trách nhiệm”.

Sau khi U22 Việt Nam sớm bị loại khỏi SEA Games 29, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), phó chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) khẳng định: “Sau lúc trở về từ chuyến đi công tác ở nước ngoài, tôi sẽ gởi đơn đến Ban chấp hành VFF để xin thôi nhiệm vụ Phó Chủ tịch VFF".

Chia sẻ trên báo chí bầu Đức cho biết ông rút lui vì đã làm hết cách, hết sức mình khi đầu tư cho một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng từ chục năm qua với ước mơ cháy bỏng là mang chiếc HCV SEA Games về cho đất nước cho thỏa lòng chờ đợi của khán giả. Kỳ này, ước mơ ấy nhiều lúc đến thật gần nhưng rồi lại vuột khỏi tầm tay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần