Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Những người hùng U23 Việt Nam được ngợi ca

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người hùng U23 Việt Nam được ngợi ca; Năm 2018 đưa ra xét xử 21 vụ án tham nhũng, kinh tế; Bắt tạm giam cựu chủ tịch HĐTV Vinashin... là nội dung đáng chú ý trong tuần qua.

U23 Việt Nam được ngợi ca
Ảnh Vietnam Foootball
Dù thất bại trước U23 Uzbekistan ở trận chung kết U23 Châu Á vào phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2, đội U23 Việt Nam vẫn được người hâm mộ ngợi ca như những người hùng.
U23 Uzbekistan mở tỷ số trận chung kết ngay phút thứ 8 khi Rustamjon Ashurmatov dứt điểm cận thành từ tình huống phạt góc. Tuy nhiên, Việt Nam có bàn gỡ hòa ở phút 41, sau pha sút phạt xuất sắc của tiền vệ Quang Hải.
Đội bóng Trung Á ép sân trong cả hiệp hai nhưng không ghi thêm bàn nào. Hai đội bước sang hiệp phụ, và đội bóng chơi lấn lướt đã có bàn quyết định ở phút 119, nhờ công của cầu thủ vào sân từ ghế dự bị mang áo số 11 Andrey Sidorov.
U23 Việt Nam là đội tuyển đầu tiên của Đông Nam Á vào đến chung kết một giải đấu tầm châu lục. Đội bóng này đã biến một sự kiện thường không được quan tâm trở thành một cơn sốt như một trận chung kết World Cup sau hành trình kỳ diệu ở giải đấu năm nay. U23 Việt Nam đã đoàn kết cả một dân tộc vốn không được nếm trải nhiều thành công trong các giải thể thao tầm cỡ quốc tế.
U23 Uzbekistan chỉ có thể chiến thắng vào phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2 sau khi vấp phải sự chống đỡ kiên cường của U23 Việt Nam
Mặc dù đội U23 thất bại nhưng rất đông CĐV Việt Nam vẫn cảm thấy phơi phới niềm tự hào. Các con phố ken đặc các CĐV phấn khích và nhiều người vẫn hô vang: Việt Nam vô địch!
Dù thất bại trong trận chung kết U23 châu Á nhưng U23 Việt Nam vẫn nhận được lời khen từ nhiều tờ báo ở châu Á vì tinh thần quả cảm giữa mưa tuyết. Nhiều tờ báo ở châu Á đã lên tiếng khen ngợi tinh thần chiến đấu của thày trò HLV Park Hang Seo.
Tờ Fox Sport có bài viết: “Quên thất bại đi. Việt Nam đã giành chiến thắng lớn”. Trong bài, tác giả cho rằng chiến thắng đầu tiên của Việt Nam chính là chiếm trọn niềm tin yêu từ những người hâm mộ Việt Nam cũng như trong khu vực. Chiến thắng tiếp theo của chúng ta là xóa đi sự mặc cảm, tự tin khi đối diện với những đội bóng lớn.
Tờ Sportalkorea khẳng định HLV Park Hang Seo đã truyền tinh thần thi đấu tuyệt vời cho các học trò. U23 Việt Nam đã làm rạng danh bóng đá Đông Nam Á khi góp mặt ở trận chung kết
Năm 2018 đưa ra xét xử 21 vụ án tham nhũng, kinh tế
 Năm 2018 đưa ra xét xử 21 vụ án tham nhũng, kinh tế
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo đã phát biểu tại phiên họp thứ 13 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức tại Hà Nội hôm 22/1.
Tổng bí thư ghi nhận một trong những việc làm được của Ban chỉ đạo trong năm 2017 là đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn.
Các vụ án điển hình được nhắc đến như vụ Giang Kim Đạt; vụ Hà Văn Thắm giai đoạn I; vụ Châu Thị Thu Nga; vụ Phạm Công Danh giai đoạn II; vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm...
"Các phiên tòa xét xử ngày càng đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật. Rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn", Tổng bí thư nhận xét.
Tuy vậy, Tổng bí thư cũng nhắc nhở sự phối hợp giữa một số cơ quan có lúc, có việc chưa tốt, trong đó có việc để tội phạm trốn.
Tổng Bí thư cũng cho rằng việc kết luận thanh tra một số dự án còn chậm; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như kê khai tài sản còn hình thức, hiệu quả thấp, đặc biệt là tình trạng "dưới lạnh" vẫn còn nhiều, khâu tự kiểm tra còn yếu.
Tổng Bí thư lưu ý một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo trong năm 2018 là tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; xử lý 21 vụ việc, kiến nghị thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc - tình trạng "tham nhũng vặt", kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
Bắt tạm giam cựu chủ tịch HĐTV Vinashin
Bắt tạm giam cựu chủ tịch HĐTV Vinashin
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa tin, ngày 25/1/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố vụ án; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với bị can Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các Quyết định và Lệnh bắt, khám xét trên đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đang điều tra giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Quá trình điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được xác định, Nguyễn Ngọc Sự đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Tập đoàn Vinashin gửi vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt 105,583 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất.
Hành vi của nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi kê biên tài sản do phạm tội mà có.
Tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân
 Tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân
Sáng 22/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án các bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’ và ‘‘Tham ô tài sản”.
Tại bản án sơ thẩm vừa được tuyên, Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định, đây là vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Hầu hết các bị cáo đều là cán bộ chủ chốt, được Nhà nước và nhân dân giao quản lý nguồn tài nguyên quốc gia, giao thực hiện dự án công trình trọng điểm.
Tuy nhiên, lợi dụng vị thế và đặc thù, ưu đãi của tập đoàn dầu khí, vì động cơ khác nhau mà các bị cáo, đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng, đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước và để lại nhiều hệ luỵ.
Bản án xác định, ông Đinh La Thăng lợi dụng vị trí cao nhất của PVN, khi PVC đang gặp khó khăn về tài chính và chưa có kinh nghiệm thi công các dự án lớn nhưng bị cáo vẫn giao cho PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Bị cáo chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng và hợp đồng chuyển đổi chủ thể. Thông qua việc tạm ứng hợp đồng với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, PVC đã rút tiền để sử dụng sai mục đích gây thiệt hại cho PVN 119 tỉ đồng. Hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
HĐXX nhận thấy Trịnh Xuân Thanh thừa nhận hợp đồng EPC số 33 được ký khi hồ sơ không đầy đủ. Sau khi ký, Ban Giám đốc PVC đã có tờ trình đề nghị HĐQT phê duyệt nội dung. Bị cáo Thanh đã ký phiếu lấy ý kiến phê duyệt nội dung thực hiện gói thầu. Hành vi bị cáo thỏa mãn dấu hiệu tố “Cố ý làm trái”.
Về hành vi Tham ô tài sản, Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống, không chiếm hưởng 4 tỷ đồng. HĐXX xét thấy, từ lời khai Vũ Đúc Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển có thể xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tài sản.
Lời khai này phù hợp với khai nhận của các bị cáo khác và tài liệu cơ quan điều tra thu thập, trong đó có chữ ký của Trịnh Xuân Thanh trong văn bản lấy ý kiến đã bị xóa bằng bút xóa.
Hơn hai tiếng đọc bản án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Cùng bị kết tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999), tòa tuyên phạt cựu Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực cùng hai cựu Phó tổng PVN Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh mỗi người 9 năm.
Ông Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN) và Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC) cùng nhận án 7 năm; Nguyễn Mạnh Tiến (cựu phó tổng giám đốc PVC) và Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó Chủ tịch HĐQT PVC) 6 năm; Phạm Tiến Đạt (cựu kế toán trưởng PVC) và Lê Đình Mậu (cựu phó trưởng ban kế toán - kiểm toán PVN) 4 năm 6 tháng;
Trương Quốc Dũng (cựu phó tổng giám đốc PVC) 17 tháng; Vũ Hồng Chương (cựu trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2) 3 năm treo; Trần Văn Nguyên (cựu kế toán trưởng ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN) 30 tháng treo.
Với tội Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999), tòa tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân; Vũ Đức Thuận 15 năm (tổng hình phạt là 22 năm); Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đốc PVC) 16 năm;
Lương Văn Hòa (cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) 10 năm; Bùi Mạnh Hiển (cựu chánh văn phòng PVC) 10 năm; Nguyễn Thành Quỳnh (cựu giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng) 8 năm; Lê Thị Anh Hoa (cựu giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) 3 năm treo.
Ba bị cáo lĩnh 3 năm tù treo được trả tự do ngay tại tòa (nếu không phạm tội ở vụ án khác) gồm: Nguyễn Đức Hưng (cựu trưởng phòng tài chính kế toán, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch); Nguyễn Lý Hải (cựu trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch); Lê Xuân Khánh (cựu trưởng Phòng Kinh tế - kế hoạch Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch).