Tiêu điểm tuần qua: Tổng Bí thư chỉ đạo chống tiêu cực trong công tác cán bộ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo chống tiêu cực trong công tác cán bộ; tuyên bố Hà Nội là dấu ấn, thành công lớn nhất của APPF-26; cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với ông Ngô Văn Tuấn... là tiêu điểm chú ý tuần qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo chống tiêu cực trong công tác cán bộ
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Sáng 19/1 tại Hà Nội, Ban Tổ chức T.Ư đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo báo cáo đánh giá do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Bình trình bày, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, lấy đổi mới, sáng tạo là trung tâm; lấy tư duy, tầm nhìn làm đột phá; lấy hiệu quả là thước đo đánh giá, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã đổi mới phương pháp, lề lối, phong cách làm việc, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt khối lượng lớn nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Đồng thời, một số hạn chế, yếu kém cũng được thẳng thắn chỉ ra như công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành điều lệ, các nghị quyết, kết luận, quy định về tổ chức xây dựng Đảng có lúc, có nơi chưa nghiêm, còn hình thức, qua loa, kém hiệu quả. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; chi ngân sách thường xuyên tăng và đang ở mức cao (65%), làm chi phí đầu tư phát triển giảm và nợ công tăng.
Tại hội nghị, bên cạnh việc nêu lên các kinh nghiệm, giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận, góp ý vào dự thảo chuyên đề "kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền".
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Bình, “cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp ủy Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, Thường vụ cấp ủy và Bí thư cấp ủy các cấp”.
Nguyên nhân của những hạn chế này do nhận thức và vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu chưa ngang tầm, chưa thật sự quan tâm thích đáng cho công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Bên cạnh đó, các quy định, quy chế về tổ chức xây dựng Đảng đã bổ sung hoàn thiện nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cũng như việc kiểm soát quyền lực và phòng chống tệ quan liêu, tiêu cực trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Đồng tình ủng hộ Ban Tổ chức T.Ư cũng như các cấp có thẩm quyền đẩy mạnh xây dựng thể chế về kiểm soát quyền lực, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng, vấn đề này đã có quy định nhưng phải xây dựng kỹ hơn, rõ hơn và có cơ quan giám sát cụ thể.
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những kết quả mà ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã đạt được trong thời gian qua, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân với Đảng. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, bên cạnh những thành tích đạt được cũng phải thẳng thắn, nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục.
Đó là, Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. "Thực tế cơ chế kiểm soát quyền lực chưa cao, hiện tượng chạy chức chạy quyền còn tinh vi, phức tạp.
Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai? Ban Tổ chức T.Ư cần làm rõ để có đề xuất Bộ Chính trị ban hành quy chế. Có hay không chạy chức chạy quyền, ai chạy - chạy ai phải làm rõ, vì cái này vẫn nhức nhối lắm, có nhiều thứ chạy lắm" - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu đối với công tác Đảng: "Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ".
Tổng Bí thư yêu cầu phải bắt tay chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng với tinh thần đổi mới, phát triển. Các việc kiểm điểm, lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ phải công khai, minh bạch, chặt chẽ, coi như một cuộc tổng duyệt lại đội ngũ cán bộ.
"Tôi đề nghị các lãnh đạo đề cao trách nhiệm, đề cao tinh thần tiên phong gương mẫu. Trước mắt còn nhiều việc phải làm đầy khó khăn thách thức nên không được chủ quan, tự mãn" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tuyên bố Hà Nội là dấu ấn, thành công lớn nhất của APPF-26

  Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thông báo tóm tắt

kết quả của Hội nghị

Tại họp báo công bố những kết quả quan trọng đã đạt được tại Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF-26), chiều tối 20/1, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thông báo tóm tắt kết quả của Hội nghị.
Theo đó, từ ngày 18-21/01/2018 tại Hà Nội, Quốc hội Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên APPF lần thứ 26 với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững”.
Đây là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Nhà nước ta trong năm 2018. Là lần thứ hai Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức APPF, việc đăng cai APPF-26 góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao Nhà nước ta, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF.
Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển, sẽ là một dấu ấn mới trong lịch sử của APPF, đồng thời đặt ra yêu cầu phải đổi mới chương trình nghị sự, xác định tầm nhìn mới cho APPF trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Hội nghị APPF- 26 thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC, phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam trên kênh nghị viện.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, sau ba ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi và trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy, với tinh thần trách nhiệm Hội nghị APPF- 26 đã hoàn thành 4 phiên thảo luận toàn thể, họp Ban Chấp hành và các phiên họp Ủy ban Soạn thảo và các Nhóm Công tác, với nhiều cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến thẳng thắn và bổ ích về những vấn đề cùng quan tâm chung của khu vực và trên thế giới. Hội nghị đã thông qua 14 dự thảo Nghị quyết; sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF; Thông cáo chung và Tuyên bố Hà Nội với sự đồng thuận cao của các đại biểu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thành công lớn nhất và là dấu ấn của Hội nghị lần này là các nghị viện thành viên đã thông qua Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á- Thái Bình Dương. Tuyên bố Hà Nội đánh dấu 25 năm thành lập và định hướng tương lai của Diễn đàn trong thập niên tiếp theo đến năm 2030; đánh giá những thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định vì hợp tác và phát triển bền vững ở châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới.
Chia sẻ cảm nghĩ về APPF-26 tại Việt Nam, Trưởng Đoàn Nghị viện Nhật bản, Đại diện Chủ tịch danh dự APPF Takuji Yanagimoto bày tỏ ấn tượng về những kết quả nổi bật của Hội nghị cũng như công tác đón tiếp, tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam; đánh giá cao những nỗ lực và hỗ trợ của Việt Nam đối với các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị trong quá trình thảo luận và tiến tới thông qua Tuyên bố Hà Nội.
Trưởng Đoàn Nghị viện Nhật bản cũng cho rằng, Tuyên bố Hà Nội là nội dung hết sức quan trọng của Hội nghị lần này cùng như trong tiến trình phát triển của APPF. Tuyên bố Hà Nội đã đề xuất và nêu bật những thách thức cần giải quyết và định hướng phát triển tương lai của APPF.
Từ 15 nghị viện sáng lập ban đầu tới thời điểm hiện nay APPF có 27 nghị viện thành viên hiện nay. APPF đã trở thành tổ chức đại diện cho hơn 4,5 tỷ người trên thế giới.
Trong 25 năm qua kể từ khi thành lập, APPF không chỉ chứng kiến những thay đổi lớn, mang tính bước ngoặt của khu vực và thế giới mà còn là một phần của những thay đổi đó. APPF cũng trở thành cơ chế thúc đẩy hoà bình, đối thoại trên cơ sở cùng có lợi và tôn trọng các quy tắc ứng xử của thế giới. APPF cùng tích cực tham gia thực hiện các cam kết chung trong khu vực và quốc tế.
Cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với ông Ngô Văn Tuấn
 Cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với ông Ngô Văn Tuấn
Thủ tướng Chính phủ ngày 18/1 đã ký Quyết định 80/QĐ-TTg về việc thi hành kỷ luật đối với ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Ngô Văn Tuấn, do bị kỷ luật về Đảng theo Quyết định số 651-QĐNS/TW ngày 26/12/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (18/01/2018).
Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận, từ tháng 10/2010 đến 11/2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Ngô Văn Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định về công tác tổ chức, cán bộ.
Ông bị xác định làm trái quy định của Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011; ban hành quyết định không đúng thẩm quyền về thành lập Hội đồng tuyển chọn cán bộ, công chức của Sở Xây dựng.
Với trách nhiệm là Giám đốc Sở Xây dựng, Bí thư Đảng ủy cơ quan, ông Tuấn ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước như: tiếp nhận, điều động bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó giám đốc Sở; việc kết nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng.
Ông Tuấn ban hành quyết định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền, vi phạm tiêu chuẩn cán bộ do cấp có thẩm quyền quy định; bổ nhiệm nhiều trưởng phòng, phó trưởng phòng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn; điển hình là trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Ông còn thành lập mới một số ban chuyên trách trực thuộc Sở Xây dựng trái thẩm quyền, trái các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế. Ngày 17/12/2017, Ban bí thư quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng của ông Ngô Văn Tuấn.
Bộ Công an họp báo, nhiều câu hỏi về Phan Văn Anh Vũ được đặt ra
 Bộ Công an họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2017.
Ngày 15/1, Văn phòng Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin tình hình kết quả công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác công an năm 2018.
Về tình hình công tác ngành công an năm 2017, thiếu tướng Lương Tam Quang, chánh văn phòng Bộ Công an cho biết công tác phòng chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, khám phá nhanh các vụ trọng án, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, trật tự xã hội có chuyển biến tích cực.
Do triển khai quyết liệt các biện pháp nên tội phạm được kiềm chế giảm (3,02%); kết quả điều tra khám phá phạm pháp hình sự đạt tỷ lệ cao (khoảng hơn 80%); phát hiện, xử lý hơn 17.000 vụ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế…
Trật tự, an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (năm 2017 xảy ra 20.061 vụ, giảm 6,32%, làm chết 8.267 người, giảm 4,33%, bị thương 17.036 người, giảm 10,81% so với năm 2016);
Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn được tăng cường (đã kiểm tra, xử lý 20.405 trường hợp vi phạm về phòng cháy; trực tiếp cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy 5027 vụ). Qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực hơn về trật tự, an toàn xã hội.
Ông Quang cho biết năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng - năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả" khi được Bộ Chính trị phê duyệt; đi đôi với làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ…
Tập trung phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá các thế lực thù địch, phản động; không để xảy ra khủng bố, phá hoại, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự.
Bảo vệ tuyệt đối an toàn mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa đối ngoại của đất nước và hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kiềm chế gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, làm giảm các loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng...
Tại buổi họp báo, nhiều PV đặt câu hỏi về những vấn đề, vụ án lớn mà dư luận đang quan tâm. Liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi là Vũ "nhôm") bị khởi tố về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Cụ thể như Cơ quan điều tra có xác định ai giúp Vũ "nhôm" trốn ra nước ngoài hay không?; Kết quả điều tra ban đầu?; Việc Vũ "nhôm" thâu tóm đất vàng...
Trả lời tại buổi họp báo, Trung tướng Trần Đăng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra (A92 - Bộ Công an) nói dư luận nghĩ đơn giản doanh nghiệp không liên quan đến bí mật nhà nước nhưng thực tế trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có liên quan đã bị khởi tố.
"Phan Văn Anh Vũ ngoài một số hành vi đã biết, còn một số hành vi liên quan đến hoạt động kinh tế đang được làm rõ. Việc điều tra đảm bảo khách quan, theo luật", trung tướng Trần Đăng Yến nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần