70 năm giải phóng Thủ đô

Tiêu điểm tuần qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu dự Hội nghị Chính phủ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu dự Hội nghị Chính phủ; tiếp tục truy tố ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm gây thiệt hại 800 tỉ đồng; hơn 10.000 hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng... là nội dung chú ý tuần qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu dự Hội nghị Chính phủ
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 28/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá trong năm 2017, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Tổng Bí thư nhấn mạnh thành tựu nổi bật đầu tiên là lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%.
Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức thấp, khoảng 3,5% so với GDP. Thị trường tiền tệ ổn định; dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, 51,5 tỉ đô la Mỹ.
Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 425 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Số doanh nghiệp được thành lập mới đạt gần 127 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Mặc dù chịu tác động nặng nề của thiên tai, bão lũ, nhưng nông nghiệp vẫn tăng 2,9%, gấp 4 lần so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 36 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước tới nay.
Khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, tăng 7,44%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực. So với năm 2016, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc (từ 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc (từ 60 lên 55/137 nền kinh tế).
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Tổng bí thư nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, “nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”.
Theo ông, các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Tổng bí thư đề cập đầu tiên đến ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
“Tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái”, ông nói.
Người đứng đầu Đảng cũng lưu ý không vì sức ép tăng trưởng, sức ép xử lý các vấn đề cấp bách mà coi nhẹ, không quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực giải quyết các vấn đề có tính nền tảng, lâu dài cho phát triển nhanh và bền vững.
Ông nhấn mạnh đến việc tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục truy tố ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm gây thiệt hại 800 tỉ đồng
 Tiếp tục truy tố ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm gây thiệt hại 800 tỉ đồng
Ngày 28/12, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố bị can Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, bị can Đinh La Thăng nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PVN, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức - thành viên HĐQT/Hội đồng thành viên PVN, Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó tổng giám đốc PVN, Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN trong giai đoạn 2008-2011 đã làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Cơ quan tố tụng xác định, các bị can đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các cổ đông liên quan.
Bị can Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN đã có hành vi ký Thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, bị can Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceabank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Đến thời điểm ngày 1/1/2011, Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng... ”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, bị can Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank trái quy định.
Việc này tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank.
Hậu quả toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng Oceanbank.
Hơn 10.000 hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm

Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh Tuổi trẻ.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức tại TP.HCM, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho rằng mới 20 năm kể từ khi nước ta bước vào thế giới của mạng internet, Việt Nam đã là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet.
"Sự phát triển này có hai mặt. Ở mặt trái, các thế lực lợi dụng internet để chống phá. Nội dung chống phá không thay đổi, nhưng lực lượng, phương tiện, thủ đoạn, công nghệ thì rất mới", thượng tướng nói.
Thượng tướng cho biết Quân ủy trung ương xác định bảo vệ Tổ quốc thì quân đội vẫn là nòng cốt, tác chiến bây giờ không chỉ trên bộ, trên biển, trên không nữa mà có tác chiến trên cả không gian mạng, thậm chí tác chiến trên vũ trụ.
"Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng", phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hiện lực lượng này (gọi là lực lượng 47 - theo chỉ thị 47) đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị sau đó, ông Trần Quốc Vượng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban Bí thư - nhận định cuộc đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề khó khăn phức tạp không chỉ riêng ở Việt Nam.
"Vấn đề có quyết tâm, quan tâm và đầu tư không. Người ta đặt câu hỏi là một lực lượng làm công tác tuyên giáo hùng hậu như thế này, chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng ta lại chịu thua trên mặt trận này? Đây thực sự là một thách thức", ông Vượng nói.
Khởi tố, bắt tạm giam thêm hàng loạt nguyên lãnh đạo DongA Bank
 Khởi tố, bắt tạm giam thêm hàng loạt nguyên lãnh đạo DongA Bank. Ảnh minh họa
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ngày 29/12 đã thực hiện áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các bị can trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).
Theo đó, căn cứ tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố đối với 5 đối tượng nguyên là lãnh đạo một số phòng ban của DongA Bank.
Trong đó, đối tượng Nguyễn Thị Kim Loan (Giám đốc Khối kinh doanh nguồn vốn DongA Bank), Nguyễn Thị Ái Lan (Giám đốc Phòng Quản lý tài sản nợ và có thuộc Khối kinh doanh nguồn vốn DongA Bank) và Nguyễn Huỳnh Đăng (Nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Hội sở DongA Bank) bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội danh "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Cũng với tội danh trên, 2 đối tượng Nguyễn Hồ Bảo Quốc (Giám đốc DongA Bank Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng) và Võ Hoàng Đông (Nguyên Thủ quỹ DongA Bank Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng) bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo cơ quan điều tra, các bị can trên bị khởi tố vì liên quan đến việc giúp sức cho ông Trần Phương Bình (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc của DongA Bank), bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank) và Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank) gây thiệt hại số tiền lớn cho DongA Bank.
Các quyết định khởi tố, khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, bắt tạm giam của cơ quan cảnh sát điều tra đối với các bị can trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn ngày 27/12.
Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 5 bị can trên thuộc quá trình điều tra mở rộng vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại DongA Bank mà cơ quan công an đang làm.
Vụ án này thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, vụ án đã khởi tố tổng cộng 22 bị can, kê biên và thu hồi số tài sản có trị giá trên 2.000 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản của các bị can do phạm tội mà có.
Trước đó, C46 - Bộ Công an đã bắt giữ 3 nguyên lãnh đạo ngân hàng này gồm ông Trần Phương Bình, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Thị Kim Xuyến.
Ông Bình, bà Vân bị bắt vì có hành vi "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về cho vay".
Riêng bà Nguyễn Thị Kim Xuyến bị bắt về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".