Tiêu điểm tuần qua: WEF ASEAN 2018 - Hội nghị khu vực thành công nhất

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 tại Hà Nội; Đề nghị khai trừ Đảng cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Phạm Hồng Hải bị khiển trách; Phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử... là nội dung chú ý tuần qua.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 tại Hà Nội

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) khai mạc sáng 12/9 với phần chia sẻ về lựa chọn trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) của lãnh đạo 7 quốc gia ASEAN. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nhà lãnh đạo ASEAN, một số nước trong khu vực, lãnh đạo WEF cùng hơn 1.000 đại biểu dự phiên khai mạc toàn thể.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu

tham dự Phiên khai mạc. Ảnh: Chinhphu.vn.

Hàng loạt lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN cùng ngồi lại "định đoạt" về CMCN 4.0, thống nhất ASEAN sẽ là trung tâm của đổi mới, sáng tạo, hy vọng công nghệ và kết nối sẽ bao trùm nội khối, giúp ASEAN phát triển bền vững và thịnh vượng hơn nữa. Các đại biểu thảo luận một số vấn đề nổi bật như viễn cảnh kinh tế ASEAN, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tương lai, xung đột thương mại, chủ nghĩa đa dạng ở ASEAN...

"CMCN 4.0 sẽ xoá bỏ một số công việc nhưng tạo cơ hội cho công việc mới và là yếu tố quan trọng nhất để tăng năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế" - Chủ tịch WEF Klaus Schwab nhấn mạnh tới thực tại và tương lai của ASEAN trong bối cảnh bao trùm về CMCN 4.0.

Tuy vậy, ông cũng chỉ ra những thách thức thế giới đang vào cuộc đua làm chủ CMCN 4.0. Sự cạnh tranh này càng tăng cùng sự phát triển của CMCN 4.0.

Cho rằng, công nghệ cao và kinh tế số là lĩnh vực tiềm năng của nền kinh tế ASEAN với dự báo tăng gấp 4 lần tới trên 200 tỷ USD vào năm 2025, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra các thách thức ASEAN phải đối mặt là rất lớn. Đó là nguy cơ mất việc làm.

Theo số liệu, 56% việc làm tại 5 nước ASEAN sẽ chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot, do đó, nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên công xưởng châu Á truyền thống. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng có thể làm tăng khoảng cách thu nhập và tăng nguy cơ bất ổn xã hội.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã cử Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp quốc gửi thông điệp CMCN 4.0 tạo ra cơ hội tốt nhưng lại làm sâu sắc hơn vấn đề đang đặt ra hiện nay. Với dân số 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới, quy mô kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, ASEAN cần phát huy thị trường nội khối hướng tới tầm nhìn năm 2025, là đối tác rất quan trọng của Liên Hợp quốc. Cộng tác giữa các bên sẽ tạo sự phát triển bền vững, khai thác lợi ích CMCN 4.0 với lời hứa không để ai lại phía sau.

Chiều 13/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 có chủ đề "Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và sáng tạo" đã diễn ra, thu hút sự tham dự của trên 1.300 đại biểu là đại diện các DN, tập đoàn hàng đầu thế giới.

Đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh kinh doanh được tổ chức bên cạnh diễn đàn chính của WEF. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tái khẳng định, Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao thương mại tự do, toàn cầu hoá.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. "Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá, WEF ASEAN 2018 đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo nên 1 hình ảnh đẹp trong cộng đồng quốc tế về sự hợp tác hiệu quả giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới với Việt Nam và khu vực ASEAN. Đây là cơ hội tuyệt với để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư trong khu vực, các DN Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng kết nối sáng tạo để mở ra cơ hội hợp tác mới trong thời đại CMCN 4.0.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn luôn được duy trì trong top các quốc gia hàng đầu thế giới. Thủ tướng cho biết, hiện Việt Nam đang trở thành 1 trong những công xưởng của thế giới, 1 điểm tựa của các tập đoàn lớn xuyên quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ vui mừng trước sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm những DN lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế.

Phát biểu bế mạc WEF ASEAN, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Hội nghị đã thực sự là “ngày hội” giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc, nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có nhiều nhận thức mới, kinh nghiệm, thực tiễn tốt, cũng như các ý tưởng, chính sách về khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn khác biệt mới đưa các quốc gia, DN tiến lên trong thế giới ngày nay. Do đó, Chính phủ và DN các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa, tạo nên động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới.

Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, khuyến khích mạnh mẽ DN, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển năng động của cả quốc gia.

Phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Tiêu điểm tuần qua: WEF ASEAN 2018 - Hội nghị khu vực thành công nhất - Ảnh 2

  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ

điện tử.

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Phó Chủ tịch Ủy ban là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban. Các ủy viên khác là các Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ ngành, cơ quan có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban. Tổ phó gồm quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Đồng thời, cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị khai trừ Đảng cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh
Ngày 10-12/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT Trung ương) đã họp kỳ 29. Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp này, UBKT Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Đề nghị khai trừ Đảng cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh.
Theo UBKT Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai, về quản lý, sử dụng tài sản công, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước.
Vi phạm của ông Trần Văn Minh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng) là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền TP Đà Nẵng, gây bức xúc trong xã hội. UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Văn Minh.
Ông Nguyễn Xuân Luật làm ảnh hưởng xấu đến Vietcombank. Trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Hà Nội, ông Luật đã thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định trong việc phê duyệt cấp tín dụng và cho doanh nghiệp vay vốn, dẫn đến nợ xấu với số tiền lớn.
Vi phạm của ông Nguyễn Xuân Luật (Phó trưởng Ban Giám sát Tập đoàn tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng Vietcombank. Căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Luật.
Xem xét, thi hành kỷ luật đại tá Hồ Xuân Vượng. Trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên UBKT Đảng ủy Quân đoàn 4, Bộ Quốc phòng, ông Vượng đã vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, lối sống và vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí. Căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Vượng.
Ngoài một số cá nhân trên, trong kỳ họp thứ 29 của UBKT Trung ương cũng xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an (Tổng cục IV) và cá nhân liên quan về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 28. Căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định:
Thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí trung tướng Bùi Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục IV.
Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đối với ông Diệp Văn Thạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; cảnh cáo đối với ông Trần Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP; cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Tám, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh.
Cũng trong kỳ họp thứ 29, UBKT Trung ương xem xét kết quả kiểm điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh Bình Dương về trách nhiệm liên quan đến các vi phạm xảy ra đối với Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Ngoài ra còn xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy Bình Dương; kết quả giám sát đối với Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y và một số cá nhân.
Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Phạm Hồng Hải bị khiển trách
Ngày 10/9, Thủ tướng quyết định kỷ luật khiển trách ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và đã bị kỷ luật về Đảng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phạm Hồng Hải bị khiển trách
Trước đó, từ ngày 28 đến 30/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 26 xem xét, kết luận dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Nhiều lãnh đạo bị đề nghị xem xét kỷ luật vì có khuyết điểm, vi phạm liên quan đến dự án trên. Trong đó, ông Phạm Hồng Hải - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông được xác định cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021.
Ông Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện dự án; trực tiếp ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định.
Tại kỳ họp thứ 27 (28/6), Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khiển trách ông Phạm Hồng Hải.
Việt Nam lọt Top điểm đến du lịch hàng đầu châu Á 2018
Mới đây, tại lễ trao giải World Travel Awards (WTA) diễn ra tại Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam vinh dự được nhận giải “Điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á 2018”. Đây là lần đầu tiên du lịch Việt Nam đạt được danh hiệu này.
Việt Nam lọt Top điểm đến du lịch hàng đầu châu Á 2018.
Đây là giải thưởng được tổ chức thường niên vinh danh các lĩnh vực trong ngành công nghiệp du lịch như hãng vận chuyển khách, sân bay, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công ty lữ hành, điểm đến du lịch.
Trong số hơn 200 giải thưởng được trao cho khu vực châu Á, châu Úc, chỉ có duy nhất 1 giải thưởng cho du lịch Việt Nam đạt được danh hiệu này.
Giải WTA được Tạp chí The Wall Street Journal và nhiều tổ chức truyền thông quốc tế nhìn nhận như: Giải Oscar của ngành công nghiệp du lịch.
Ngoài ra, với kết quả đón trên 12,9 triệu lượt khách quốc tế năm 2017 và tốc độ tăng trưởng 30%/ năm, Việt Nam đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp trong 6 quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch nhanh nhất thế giới và đứng đầu Châu Á về chỉ số này.
Kết quả này được các chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là kỳ tích lần đầu tiên đạt được của du lịch Việt Nam, cả về lượng khách quốc tế đón được trong 1 năm và tốc độ tăng trưởng.
Giải thưởng World Travel Awards do ông Graham E. Cooke (Vương Quốc Anh) sáng lập vào năm 1993, gồm các giải thưởng của từng châu lục, sau đó tiếp tục được bình chọn giải toàn cầu cho từng năm.
Đến nay, sau 25 năm tổ chức, giải WTA đã được công nhận trên toàn thế giới với sự tham gia của hơn 200 quốc gia, thu hút hơn 90 triệu người xem truyền hình.