Tiêu dùng trong tuần (18-24/4/2022): Giá thịt lợn tăng nhanh, cao nhất 150.000 đồng/kg

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng giảm mạnh; trong khi giá thịt lợn, hải sản, trái cây, xăng... đồng loạt tăng.

Giá vàng giảm mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.931 USD/ounce, giảm mạnh 21 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng 22/4.

Tuần qua, mặc dù chiến sự leo thang tại Ukraine khi nhiều nước viện trợ cho quốc gia này, đẩy giá vàng có 3 phiên tăng. Tuy nhiên lực tăng yếu ớt, ngược lại đà bán mạnh diễn ra ở 3 phiên khiến giá vàng thế giới lao dốc mạnh.

Phiên đầu tuần, giá vàng thế giới leo lên ngưỡng 1.985 USD/ounce thì sau 3 phiên giảm, đến cuối tuần đã đánh mất 54 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.

Tuần qua, giá vàng giảm mạnh chủ yếu do lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm và đồng USD đã tăng mạnh do thị trường dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng 0,5% lãi suất vào kỳ họp tháng 5 tới đây.

Giá vàng thế giới sáng nay giảm, ngoài thông tin về lợi tức trái phiếu và đồng USD tăng mạnh thì còn do có thông tin tích cực từ nền kinh tế. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) nửa đầu tháng 4 tại châu Âu đã tăng tốt lên mức 55,3%, cao hơn nhiều mức so với mức dự báo trước đó là 54,7%.

Theo giới chuyên gia, chỉ số PMI tăng phản ánh nhu cầu đặt hàng tại châu Âu tăng, điều này chứng tỏ sản xuất đang phục hồi tích cực. Như vậy, trong khó khăn thiếu nguồn cung dầu mỏ và khí đốt, giá cả tăng cao nhưng kinh tế vẫn phục hồi đi ngược lại với những dự đoán trước đó là khu vực kinh tế châu Âu dễ lâm vào suy thoái.

Tình hình kinh tế tích cực, mặc dù căng thẳng Nga và Ukraine chưa hạ “nhiệt”, nhưng giới đầu tư đã bán mạnh vàng đẩy giá lùi sâu. Giới đầu tư cho rằng, khi căng thẳng địa chính trị leo thang đã không làm các nền kinh tế kém tăng trưởng thì vàng khó được hỗ trợ để tăng giá dài hạn. Đặc biệt, khi các nền kinh tế trên toàn cầu đang dần mở cửa đón khách du lịch sẽ giúp GDP các nước tăng trưởng tốt hơn trong quý 2 tới.

Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 69,7 - 70,4 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 69,7 - 70,42 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng đến 250.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 69,85 - 70,55 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 100.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 69,7 - 70,4 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng trong nước dường như không đi theo xu hướng giảm của thế giới. Những phiên giá vàng thế giới giảm thì vàng SJC và vàng nhẫn vẫn tăng, hoặc đi ngang giá. Khi giảm mức điều chỉnh không sâu.

Tính đến sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường đã tăng đến 450.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji còn tăng đến 600.000 đồng/lượng và tại Phú Quý đã tăng 500.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần.

Giá vàng giảm mạnh; trong khi giá thịt lợn, hải sản, trái cây, xăng... đồng loạt tăng. Ảnh minh họa  
Giá vàng giảm mạnh; trong khi giá thịt lợn, hải sản, trái cây, xăng... đồng loạt tăng. Ảnh minh họa  

Giá thịt lợn tăng nhanh, cao nhất 150.000 đồng/kg

Khoảng 1, 2 tuần gần đây, giá lợn hơi ở nhiều tỉnh miền Bắc dao động quanh mức 53.000 - 58.000 đồng/kg, tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg kể từ cuối năm ngoái. Với người chăn nuôi, mức giá này được cho là hòa vốn, nếu đàn lợn không bị dịch bệnh hay chết đột ngột.

Dù giá lợn hơi rẻ, nhưng nghịch lý đang diễn ra đó là giá thịt thành phẩm trên thị trường vẫn đắt. Ngày 20/4, khảo sát tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội như chợ Tứ Hiệp (Thanh Trì), chợ Xanh (Cầu Giấy), chợ Láng Hạ (Đống Đa)... giá thịt lợn các loại đang ở mức cao, có dấu hiệu tăng nhanh: thịt ba chỉ dao động từ 135.000 - 150.000 đồng/kg; thịt mông, vai giá 120.000 - 135.000 đồng/kg; thịt đùi dao động 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Khi được hỏi, không ít tiểu thương khẳng định, giá lợn hơi tăng khiến hàng họ nhập về từ các lò mổ cũng tăng lên, do đó họ buộc phải nâng giá bán lẻ. Tuy nhiên, thắc mắc về việc khi giá lợn hơi giảm thì giá thịt vẫn ở mức cao, người bán lại đổ cho các khâu trung gian "ngốn" nhiều chi phí hoặc do giá xăng dầu tăng. Với nhiều lý do như trên, người tiêu dùng luôn phải mua thịt lợn giá đắt là điều dễ hiểu.

Nguồn cung khan hiếm, giá nhiều loạt hải sản tăng cao

Hơn một tuần qua, thị trường thủy, hải sản tươi sống ở vài tỉnh miền Tây có sự biến động khi một số loại cá khan hiếm. Trong đó, cá kèo và cá khoai là đặc sản tại Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu đã trở nên hút hàng, cung không đủ cầu.

Chị Trịnh Thị Trúc Linh (36 tuổi, ngụ thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết rất nhiều khách hàng đặt mua cá kèo thiên nhiên nhưng nhiều ngày qua chủ vựa thủy sản này chỉ mua được 5-7 kg. Theo chị Linh, ngày rằm và 16 âm lịch hàng tháng nước sông dâng cao nhưng tháng này nước kém hơn.

“Nước kém nên ngư dân làm nghề đặt lưới đáy không thu hoạch được nhiều tôm, cá. Cơ quan chức năng không cho người dân đặt đáy trên các tuyến sông thuộc luồng quốc gia nên tôm, cá tự nhiên lên chợ ngày càng ít”, chị Linh nói.

Trưa 19/4, cá kèo sông tươi sống tại thị xã Vĩnh Châu và TP Sóc Trăng được tiểu thương bán với giá 200.000 đồng/kg, tăng 80.000 đồng so với 10 ngày trước.

Chị Thu Hồng, chủ vựa hải sản tại chợ phường 2, TP Sóc Trăng cho biết không chỉ cá kèo mà cá khoai đánh bắt từ biển cũng khan hiếm. Hồi cuối tháng 3, ngày nào chị Hồng cũng thu mua hàng chục kg cá khoai từ cảng biển Trần Đề và tàu đánh bắt hải sản ở thị xã Vĩnh Châu. Tuy nhiên, 2 tuần qua mỗi ngày chị chỉ mua được vài kg cá khoai, có hôm không mua được chút nào.

“Cá khoai trước đây 80.000 đồng/kg nhưng hiện nay khoảng 180.000 đồng. Cua biển cũng khan hiếm do thời tiết nắng nóng, ngư dân không bắt được nhiều cua”, chị Hồng nói.

Theo phản ánh của người dân ấp Phước Thọ Hậu, xã Phước Long (huyện Phước Long, Bạc Liêu), một số hộ nuôi tôm sú quảng canh bị thiệt hại sau 2 tháng thả giống. Vì vậy, nhiều người sợ thua lỗ nên thu hoạch tôm kích cỡ khoảng 40 con/kg với giá 160.000 đồng.

“Tôm sú thiệt hại do trời nắng nóng và gần đây có nhiều cơn mưa lớn khiến nhiệt độ thay đổi bất thường. Giá tôm sú hiện nay nông dân đã có lãi nên gia đình tôi thu hoạch sớm”, bà Ngô Thị Tư ở xã Phước Long nói.

Giá sầu riêng tăng mạnh

Những ngày cuối tháng 4, sầu riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào vụ. Theo khảo sát, giá sầu riêng tại các vườn ở Hậu Giang, Tiền Giang đang được bán 50.000 - 55.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng (khoảng 30%) so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hạ, nhà vườn trồng sầu riêng tại Hậu Giang cho biết vừa bán 10 tấn, loại Ri 6 giá 55.000 đồng/kg. "Với mức giá này, gia đình tôi thu lãi 300 triệu đồng cho vụ năm nay", ông nói.

Cũng phấn khởi khi sầu riêng loại chuồng bò được thương lái mua 50.000 đồng/kg, nhưng ông Thành ở Tiền Giang cho hay, hàng đầu vụ số lượng trái có thể cắt bán mới chiếm khoảng 10-20%. Nếu mức giá này được duy trì đến khi thu hoạch xong, nhà ông năm nay có thể thu về số tiền lãi kha khá.

Ghi nhận tại các chợ lẻ và đầu mối bán sầu riêng ở TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy giá mặt hàng này đang tăng 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 110.000 đồng/kg với Ri 6 và 100.000 đồng với loại chuồng bò.

"Nếu năm, ngoái sầu riêng Ri 6 chỉ 70.000 - 85.000 đồng/kg, nay lên 110.000 - 120.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ hàng để bán", tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) cho hay.

Ở các cửa hàng trái cây, giá Ri 6 đang được bán ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg (loại chưa tách vỏ), tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải giá sầu riêng tăng cao, các tiểu thương cho rằng do chi phí đầu vào cao và giá vận chuyển đắt đỏ. Giá vận chuyển hiện tăng 20-30%, thậm chí có nơi tăng 50%.

"Đặc biệt, sầu riêng là hàng cồng kềnh nên giá được tính theo khối. Tuỳ vào khu vực và khoảng cách mà nhà xe sẽ đưa ra mức giá khác nhau", chị Hoa, chủ cửa hàng trái cây trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) cho biết.

Xăng dầu đồng loạt tăng giá

Tại kỳ điều chỉnh ngày 21/4, liên Bộ Công thương - Tài chính trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 400 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa 100 đồng/lít, dầu diesel 100 đồng/lít. Trong khi đó, cơ quan điều hành chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu mazut 250 đồng/kg.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ chiều nay như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 660 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 680 đồng/lít; Dầu diesel tăng 970 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 801 đồng/lít; Dầu mazut tăng 880 đồng/kg

Theo đó: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 27.130 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 27.990 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 25.350 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 23.828 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 21.800 đồng/kg.