Giá gas tiếp tục tăng 6.000 đồng/bình 12kg
Theo thông báo vừa phát đi của các doanh nghiệp đầu mối tại TP Hồ Chí Minh từ 1/10, giá bán gas được điều chỉnh tăng 6.000 đồng/bình 12kg so với tháng trước.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo từ 1/10 giá bán gas tăng thêm 6.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng là 324.500 đồng/bình 12kg.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam tại miền Nam cũng thông báo từ 1/10, giá gas PetroVietNam Gas tăng 6.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 330.000 đồng/bình 12kg.
Trong khi đó, công ty khác như Gas Pacific Petro, City Petro, ESGas công bố giá gas tăng 5.000 đồng/bình 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng không vượt quá quá 347.000 đồng/bình 12kg.
Theo các công ty gas, do giá gas thế giới bình quân tháng 10 là 377,5 USD/tấn, tăng 17,5 USD/tấn so với tháng trước, kéo theo giá gas bán lẻ trong nước cũng tăng tương ứng.
Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Như vậy, từ tháng 7 đến tháng 10 giá gas liên tục tăng. Trước đó, đầu tháng 7 giá gas tăng 3.500 đồng/bình 12kg, tháng 8 và 9, mỗi tháng tăng 2.000 đồng/bình 12kg.
Bưởi da xanh tăng giá
Anh Lê Đình Khang, ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), trồng hơn 1ha bưởi da xanh cho biết, hiện thương lái đến tận vườn thu mua bưởi loại tốt với giá dao động từ 65.000 đến 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, nhà vườn thu lãi hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Trần Văn Sáu, ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy - một trong những nơi có vùng trồng bưởi da xanh chuyên canh nổi tiếng ở Tiền Giang cho biết, gia đình ông canh tác 4.000m2 bưởi da xanh chuyên canh. Trong những ngày tới, giá bưởi da xanh có thể đạt hơn 70.000 đồng/kg loại tốt. Với năng suất khoảng 10 đến 15 tấn/ha bình quân, mỗi hécta bưởi da xanh thu hoạch đạt giá trị sản lượng trên 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, nhà vườn còn lãi từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
Theo phân tích của nhiều nhà vườn, giá bưởi da xanh có xu hướng “sốt” là do ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa qua, nhiều vườn bưởi bị suy kiệt dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra, đây là thời điểm nghịch vụ, các vườn bưởi cho sản lượng rất hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá lớn. Mặc dù giá cao, nhưng có rất ít nhà vườn có bưởi để bán, trong khi nhiều thương lái hàng ngày đến các vườn bưởi lùng sục thu mua với giá cao.
Hiện nay, bưởi da xanh là loại trái cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại trái cây khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang hiện có vùng chuyên canh bưởi gần 4.000ha, chủ yếu là giống bưởi da xanh, còn lại là giống bưởi Năm Roi và Lông Cổ Cò, tập trung ở các huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy.
Cá tra rớt giá thê thảm
Thời gian gần đây do xuất khẩu gặp khó bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người nuôi cá tại ĐBSCL phải bày bán cá tra ven các lề đường ngay tại thủ phủ cá tra.
Bày 2 mâm cá tra dưới dốc cầu Ba Láng (quận Cái Răng, Cần Thơ), anh Trần Văn Ngoan - đến từ huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, do không có thương lái nào đến hỏi mua, trong khi cá nuôi đã quá tháng nên gia đình anh buộc phải đem cá ra lề đường bán.
"Dù giá cá bán lẻ lên tới 30.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá bán cho thương lái nhưng tui hổng mấy vui" - anh Trần Văn Ngoan cho biết.
Theo anh Trần Văn Ngoan, sản lượng cá tra thương phẩm của gia đình anh lên tới 50 tấn, đã quá lứa nhưng không thương lái nào đến hỏi mua hoặc mua với giá rất thấp, tính ra bị lỗ nặng nên gia đình anh mới quyết định đưa cá ra bán ở lề đường. Ngoài điểm bán do chính anh đứng trông, gia đình anh còn mở 3 điểm bán lề đường khác.
Nhiều người thấy anh Ngoan bày bán cá tra ven đường nên cũng tò mò rồi mua một vài ký, tiêu thụ rất chậm, có hôm ế ẩm cả buổi chợ. "Cực chẳng đã tui mới đem cá tra ra bán lẻ dọc lề đường, bởi số lượng tiêu thụ mỗi ngày không nhiều trong khi sản lượng cá rất lớn, lên tới 50 tấn, với mục đích xuất khẩu" - anh Trần Văn Ngoan nói.
Ông Phan Thanh Phong (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết gia đình ông cũng điêu đứng do hơn 40 tấn cá trong ao nuôi đã quá lứa bán nhưng thương lái vẫn biệt tăm, trong khi giá cá có thời điểm thấp hơn 19.000 đồng/kg.
"Với mức giá này, gia đình tui bị lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Tui buộc phải đem ra chợ bán với giá cao hơn chút đỉnh nhưng một ngày cũng chỉ kéo 2 - 3 tấn cá. Mà kéo riết cá đừ nên bỏ ăn và mất ký, tui cũng bị lỗ nặng" - ông Phan Thanh Phong chia sẻ.
Thời gian gần đây, theo ông Phong, cứ nghe đến cá tra người dân tại khu vực này đều lắc đầu vì "ớn đến tận cổ". Gia đình ông Phong còn may mắn giữ lại đất, đang tính chuyển sang trồng thêm xoài, cam và nuôi lợn để cải thiện kinh tế, trong khi nhiều hộ nuôi cá khác bán cả đất để trả nợ vay vẫn còn ôm nợ do liên tục thua lỗ vì giá cá tra đứng ở mức thấp suốt 2 năm nay, nhất là khi hoạt động xuất khẩu cá gặp khó khăn hơn do dịch Covid-19.
Giá lợn hơi giảm mạnh
Tuần qua, giá lợn hơi trên cả 3 miền đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, tại miền Bắc: Giá lợn hơi hôm nay 3/10 tại tỉnh Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Thái Nguyên ở mức 76.000 - 78.000 đồng/kg. Tại tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam giá lợn hơi được thu mua với mức thấp hơn 72.000 - 75.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên: Tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng giá lợn hơi hôm nay ở mức 80.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Huế, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Đắk Lắk giá lợn hơi hôm nay được thu mua từ mức 75.000 - 79.000 đồng/kg.
Tại miền Nam: Tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Trà Vinh, Vũng Tàu giá lợn hơi hôm nay được thu mua với mức 80.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang giá lợn hơi hôm nay ở mức thấp hơn 78.000 - 79.000 đồng/kg.