Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau xanh, cam đồng loạt tăng

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, rau xanh, cam đồng loạt tăng, trong khi nhãn lồng Hưng Yên rớt giá thê thảm.

Giá vàng tăng nhẹ

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch ở quanh mức trên 1.939 USD/oz, giảm hơn 7 USD/oz so với cùng thời điểm này sáng qua.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau xanh, cam đồng loạt tăng

Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh. Mở cửa tuần (17/8), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.936 USD/oz tại thị trường châu Á. Nhưng chỉ phiên sau đó, vàng thế giới đã tăng lên gần mức 1.990 USD/oz, tăng đến trên 50 USD/oz.

Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới trong phiên này tăng mạnh là do hàng loạt các khu vực kinh tế lớn công bố báo cáo tăng trưởng quý 2 giảm mạnh. Cụ thể, khu vực châu Âu có 19 nền kinh tế lớn nhất khu vực báo cáo tăng trưởng quý 2/2020 giảm 19%; Mỹ tăng trưởng GDP giảm 32,9% trong quý 2; Singapore GDP quý 2 giảm 41,2%, do đất nước này phụ thuộc chính vào thương mại và dịch vụ và Thái Lan giảm 12,2%.

Kinh tế Mỹ kém khả quan cũng khiến cho đồng USD giảm mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế. Chính vì thế giá vàng thế giới bị đẩy lên trên 2.000 USD/oz vào phiên ngày 19/8.

Tuy nhiên, cũng chỉ sau đó 1 phiên, vàng thế giới mất giá sâu về mức 1.929 USD/oz, mất đến 71 USD/oz chỉ trong 1 phiên. Nguyên nhân khiến giá vàng lao dốc trong phiên này cũng chỉ xoay quanh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố báo cáo cuộc họp tháng 8, cho thấy tình hình kinh tế Mỹ vẫn có nhiều khả quan. Cơ quan này không tăng hoặc giảm lãi suất thêm.

Phiên ngày 21/8, giá vàng lại bị đẩy lên cao ở mức 1.946 USD/oz, trước khi về lại mốc sáng nay. Phiên này giá vàng bị đẩy lên là do số người mất việc làm mới tại Mỹ tuần vừa qua tăng so với tuần trước đó lên mức trên 1,1 triệu người.

Như vậy, tuần qua giá vàng thế giới đã biến động mạnh cả chiều tăng và giảm. Bước giá điều chỉnh từ 40 đến trên 70 USD/oz. Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới chỉ nhích tăng khoảng 2 USD/oz so với giá mở cửa tuần.

Tuần qua, giá vàng SJC cũng theo xu hướng thế giới tăng mạnh. Tính chung tuần qua, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 1,45 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Doji 1,05 triệu đồng/lượng và Phú Quý tăng 900.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Trong khi đó, giá vàng thế giới cơ bản đi ngang.

Nhận định của chuyên gia, giá vàng trong nước tuần qua có phiên đi theo xu hướng thế giới những có phiên ngược chiều.  Hơn nữa giá vàng thế giới biến động mạnh, do đó có thể không theo nhu cầu hay quy luật tự nhiên. Chuyên gia khuyến cáo, người dân có thể mua theu nhu cầu, còn nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng trước khi giao dịch, nhất là những yếu tố tác động lên giá vàng là tăng trưởng kinh tế và dịch bệnh.

Rau xanh tăng giá

Sáng 22/8, tại một số chợ dân sinh như Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), Ngọc Hà (quận Ba Đình), Gia Lâm (quận Long Biên)…, nhìn chung, các mặt hàng đều giữ giá ổn định. Tuy nhiên, giá rau xanh tiếp tục tăng.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau xanh, cam đồng loạt tăng

Chị Lê Thị Mai, kinh doanh rau, củ ở chợ Ngọc Hà cho biết, giá một số loại rau tăng do mưa liên tục trong nhiều ngày qua. Ghi nhận tại các chợ, rau muống có giá từ 8.000 - 15.000 đồng/mớ tùy loại; rau mùng tơi, ngót, cải xanh từ 8.000 - 12.000 đồng/mớ; xà lách xoăn 50.000 - 60.000 đồng/kg; bí đỏ, mướp hương 15.000 - 18.000 đồng/kg; cà chua 25.000-28.000 đồng/kg…

Trong khi đó, giá lợn hơi ở miền Bắc và Hà Nội ở mức 81.000 - 86.000 đồng/kg nên giá thịt lợn tới các chợ vẫn từ 125.000-170.000 đồng/kg tùy loại.

Giá nhãn lồng Hưng Yên giảm mạnh

Nhãn lồng Hưng Yên đang vào chính vụ, những ngày này, từ các chợ dân sinh, hàng rong, chợ online đến siêu thị ở Hà Nội, đâu đâu cũng tràn ngập nhãn. Vốn nổi tiếng là đặc sản của Hưng Yên, giá bán cao hơn bất kỳ các loại nhãn nào trồng ở các địa phương khác, nhãn lồng năm ngoái có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg thì nay chỉ còn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến thị trường xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến sức mua trong nước.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau xanh, cam đồng loạt tăng

Chị Mai Lan, bán hoa quả ở phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nhãn Hưng Yên giòn, ngọt, cùi dày nhưng do thu hoạch muộn và rộ vào một thời điểm, nên giá bán chỉ bằng một nửa so với nhãn Sơn La bán cách đây 1 tháng. Rẻ là vậy mà khách mua cũng chỉ thưa thớt. Mọi năm khách của tôi thường đóng thùng cả tạ gửi đi nước ngoài, gửi vào miền Trung, miền Nam làm quà, năm nay chỉ có khách mua lẻ. Dịch bệnh ai cũng khó khăn, mình bán đắt cũng chẳng ai mua”.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, vụ nhãn năm 2020, trên địa bàn tỉnh này có hơn 4.600ha, nhãn được mùa lớn, ước sản lượng khoảng 50.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ nhãn đang gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư, các nhà phân phối, chế biến và chung tay của người tiêu dùng.

Tại H.Khoái Châu (Hưng Yên), nơi được coi là “thủ phủ” của nhãn lồng, nhiều hộ nông dân sợ dịch Covid-19 lan rộng nên đã thu hoạch ồ ạt. Do dịch bệnh, thương lái Trung Quốc không thể sang thu mua, khiến giá nhãn có thời điểm chỉ rẻ bằng 1/3 các năm trước. Nhãn loại đẹp chỉ còn 12.000 đồng/kg; loại 2, loại 3 chỉ còn 7.000 - 10.000 đồng/kg. Nhiều gia đình cả năm trông chờ vào 1 vụ nhãn, thu hoạch được vài tấn quả, nhưng thu về chưa đến 100 triệu đồng.

Anh Vũ Văn Tuyến (ở thôn Hạ, xã An Vỹ, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: “Nhà tôi năm nay thu hoạch được hơn 4 tấn nhãn. Tính chi phí công chăm sóc, phân bón, công thu hoạch… giá bán phải 17.000 - 20.000 đồng/kg mới có lãi, nhưng như hiện nay thì các hộ trồng nhãn đều lỗ nặng. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, các doanh nghiệp, đơn vị tìm đầu ra cho quả nhãn”.

Cam miền Tây tăng giá mạnh

Tại các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, An Giang giá cam xoàn, sành hiện tăng 5.000-6.000 đồng mỗi kg so với tháng trước đó và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau xanh, cam đồng loạt tăng

Thương lái ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho biết đang mua cam xoàn với giá 20.000 - 25.000 đồng một kg, cam sành 14.000 - 20.000 đồng một kg, bình quân tăng khoảng 5.000 - 6.000 đồng so với tháng trước.

Anh Hoàng, một nhà vườn cho hay, đây là giá bán cao nhất trong khoảng ba năm qua. Với giá này, người trồng cam lãi gần 10 - 15 triệu đồng trên 1.000 m2. "Vụ năm nay nhà tôi có 3.000 m2 (0,3 ha) nên cũng lãi khoảng 40 triệu đồng một vụ", anh nói..

Tuy nhiên, theo anh Hoàng, cam năm nay không nhiều trái như mọi năm do dịch bệnh tấn công mạnh. Ngoài ra, Covid-19 lan rộng nên anh không dám đầu tư nhiều như mọi năm nên năng suất thấp. Không chỉ gia đình anh, nhiều nhà vườn trồng cam tại đây cũng thu hẹp diện tích vì sợ thua lỗ do sâu bệnh và Covid -19.

Hiện tại huyện Phụng Hiệp chỉ còn khoảng 3.700 ha trồng cam. Trong đó, cam xoàn chiếm khoảng 300 ha, còn lại là cam sành.

Tại Đồng Tháp, các loại cam cũng có giá dao động 18.000 - 24.000 đồng một kg. Theo ông Hùng - một thương lái thu mua cam tại đây, năm nay do ảnh hưởng của bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi nên năng suất cam bị giảm khoảng 30% khiến giá tăng cao.

Ông Hùng cho hay, nếu các năm trước, mỗi ngày ông xuất khoảng 4 - 5 tấn cam đi các tỉnh, nay chỉ còn 2 - 3 tấn, thậm chí có ngày được 1 - 2 tấn. Ngoài ra, mẫu mã cam năm nay cũng không đẹp như mọi năm nhưng vì khan hàng nên giá liên tục tăng.