Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu dùng trong tuần (từ 26/6-2/7/2023): Giá hàng hoá rục rịch tăng theo lương

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, gas đồng loạt giảm; trong khi giá thực phẩm, trái cây tăng nhẹ.

Giá vàng, gas đồng loạt giảm; trong khi giá thực phẩm, trái cây tăng nhẹ. Ảnh minh họa  
Giá vàng, gas đồng loạt giảm; trong khi giá thực phẩm, trái cây tăng nhẹ. Ảnh minh họa  

Giá vàng giảm nhẹ

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế ở quanh ngưỡng 1.919 USD/ounce - tăng 11 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua. Tuy nhiên, tính chung cả tuần vàng thế giới giảm 5 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.

Thị trường vàng đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế đầy thách thức khi các chính sách tiền tệ diều hâu trên toàn thế giới tiếp tục hỗ trợ cho lợi suất trái phiếu.

Tại một sự kiện diễn ra trong tuần này, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã nói rằng lãi suất sẽ phải tăng cao hơn để đạt được mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%. Sau các phát biểu, vàng đã thử nghiệm trở lại mức hỗ trợ 1.900 USD/ounce. 

Các chuyên gia cho rằng, trong môi trường hiện tại, không có gì ngạc nhiên khi vàng thử nghiệm lại mức hỗ trợ 1.900 USD/ounce. Mặc dù kim loại quý này đã cố gắng giữ được mức tâm lý quan trọng này, nhưng nhiều nhà phân tích dự đoán nó sẽ bị phá vỡ, điều này có thể đẩy giá vàng xuống mức trung bình động 200 ngày quanh 1.860 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế được công bố trong tuần này cho thấy GDP của Mỹ đã tăng 2% trong quý đầu tiên, vượt xa kỳ vọng của các nhà kinh tế một cách đáng kể. Tăng trưởng quý đầu tiên diễn ra ngay cả khi ngành ngân hàng Mỹ chứng kiến những thất bại lớn nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng tài chính năm 2008.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn lạc quan về vàng trong tương lai khi cho rằng kim loại quý này vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn vẫn hiện hữu. Chuyên gia phân tích Neils Christensen nói rằng, các nhà đầu tư không cần phải tìm kiếm rủi ro tiềm tàng trong nền kinh tế, những diễn biến gần đây tại Nga đang cho thấy kết cấu xã hội trên thế giới lỏng lẻo thế nào. Ông nói thêm rằng, người tiêu dùng trên toàn cầu phải đối mặt với giá lương thực tăng cao và các ngân hàng trung ương thắt chặt các điều kiện tín dụng. Điều này có thể sẽ tạo tao bất ổn.

Bên cạnh đó, bất chấp kết quả kinh doanh quý I vững chắc, nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ vẫn còn khi Fed tiếp tục thắt chặt lãi suất. Chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư Axel Merk của Merk Investments cho rằng, ngân hàng trung ương khó có thể duy trì lập trường tích cực này mà không phá vỡ một cái gì đó.

Mặc dù vàng vẫn đóng vai trò trong danh mục đầu tư, nhưng câu hỏi bây giờ là nên sở hữu bao nhiêu. Trong chiến lược danh mục đầu tư đa tài sản quý III, Ngân hàng Pháp Société Générale cho biết họ đang duy trì tỷ lệ cốt lõi là 6%. Các nhà phân tích cho rằng kim loại quý này vẫn trên đà tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối năm nay.

Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,4 - 67 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. 

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 66,37 - 66,95 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 510.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua đơn vị này giảm mạnh đến 130.000 đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng SJC trong nước có đến 3 phiên đi ngược xu hướng thế giới. Tuy nhiên, mức điều chỉnh hẹp và cuối tuần chỉ tăng chiều bán, do đó đã kéo giãn chênh lệch 2 chiều mua - bán.

Kết tuần, giá vàng SJC tại doanh nghiệp chiều mua vào giảm 100.000 đồng, và chiều bán giảm 50.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Với các diễn biến của giá vàng SJC hiện tại, nhiều nhà đầu tư cho rằng khó đoán định hướng đi của tuần tới.

Hà Nội: Giá hàng hoá rục rịch tăng

Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, giá cả hàng hóa đang có xu hướng tăng sau thông tin tăng lương cơ sở từ ngày 1/7. Tại chợ Nghĩa Tân - Hà Nội chiều ngày 29/6, giá cả các mặt hàng thực phẩm rau củ tươi, thịt lợn, thịt gà, trứng… tăng nhẹ.

Cụ thể, giá các loại rau xanh tăng nhẹ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Rau cải xanh từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg. Rau cải thảo tăng từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg. Cà chua khoảng 20.000 đồng/kg, rau muống 8.000 đồng/mớ. Mặt hàng trứng vịt, trứng cút lộn không có sự biến động. Trứng gà ta tăng nhẹ từ 2.800 đồng/quả lên 3.000 đồng/quả.

Chị Nguyễn Thanh Mai - tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân cho biết các loại rau xanh nhập tại chợ đầu mối tăng nhẹ trong tuần vừa qua. Nguyên nhân là do thời tiết nắng mưa thất thường ảnh hưởng đến việc chăm sóc rau.

“Giá rau xanh bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường là chính. Tuy nhiên, vừa qua có thông báo tăng lương nên các chợ đầu mối lớn cũng rục rịch tăng giá. Thời gian tới, nếu giá rau nhập vào tăng như thời điểm bão giá cách đây một năm trước sẽ khiến người tiêu dùng e ngại. Thực chất, giá cả hàng hoá tăng nhưng tiểu thương chúng tôi cũng phải nhập giá cao nên không có nhiều lợi nhuận” - chị Thanh Mai chia sẻ.

Là một người nội chợ, bà Nguyễn Thị Nga (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) cho biết những ngày gần đây, thực phẩm hàng ngày tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng thông thường khi tăng lương, giá cả sẽ tăng theo. "Tôi mong rằng giá thực phẩm lần này sẽ không tăng phi mã theo mức lương" - bà Nga nói.

Giá nông sản, trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại

Cụ thể, giá mít Thái loại 1 đạt chuẩn xuất khẩu, trọng lượng từ 9kg/trái trở lên được nông dân nhiều nơi bán cho thương lái và các vựa thu mua mít ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg, trong khi cách đây hơn 2 tuần chỉ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Mít Thái loại 2 (từ 7-9 kg/trái) được nông dân tại nhiều nơi bán với giá 7.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Ngoài mít Thái, nhãn Ido dù đang thu hoạch rộ nhưng vẫn bán được giá ở mức 23.000 - 25.000 đồng/kg (cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022).

Bên cạnh đó, giá gương sen tại nhiều địa phương trong vùng cũng tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với hơn 1 tuần trước. Gương sen già được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua với giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg.

Giá gas tháng 7 giảm mạnh 

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ ngày 1/7, giá gas của công ty sẽ giảm 18.000 đồng/bình 12 kg và 75.000 đồng/bình 50 kg.

Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 385.000 đồng/bình 12 kg và 1.603.000 đồng/bình 50 kg.

Tương tự, Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết, từ ngày 1/7 giá gas giảm 18.000 đồng/bình 12 kg và 67.500 đồng/bình 45 kg.

Trong khi đó, công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/7 giảm 18.500 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng 347.000 đồng/bình 12 kg.

Theo các công ty gas, do giá gas thế giới tháng 7 chốt 387,5 USD/tấn, giảm 57,5 USD/tấn so với tháng 6 nên các công ty điều chỉnh giảm theo. Tuy nhiên, xu hướng giá gas có thể đổi chiều trong các tháng cuối năm do chuẩn bị nhiên liệu cho mùa đông cũng như dịp lễ hội cuối năm.

Như vậy, giá gas trong nước đã giảm mạnh 2 lần liên tiếp sau 1 lần tăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 2 lần tăng (tháng Hai và tháng Năm )và 5 lần giảm (tháng Một, tháng Ba, tháng Tư, tháng Sáu và tháng Bảy) với tổng mức giảm tới hơn 140.000 đồng/bình 12 kg.