Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu thụ hàng Việt: Thiếu hàng, thiếu cả thông tin

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một kênh quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiêu thụ hàng tồn kho, thế nhưng sản phẩm "nội" không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng (NTD).

Đỏ mắt tìm hàng Việt

Nghiên cứu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy, tại chợ Đồng Xuân, trung tâm bán buôn có doanh thu hàng năm đạt hơn 4.000 tỷ đồng là nơi phát nguồn hàng cho các tỉnh phía Bắc, nhưng hiện hàng có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới 90% thị phần như: Hàng điện tử, đồ chơi các loại vải sợi, quần áo may sẵn... Những tiểu thương kinh doanh ở đây lý giải, hàng Trung Quốc thu hút khách bởi giá rẻ, phù hợp với thị hiếu NTD.

Những mặt hàng nông sản, hoa quả vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự. Khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, dù NTD đang quay lưng, không sử dụng hoa quả không rõ xuất xứ, đặc biệt là của Trung Quốc nhưng có một nghịch lý đáng buồn là khi NTD tìm mua hàng nông sản trong nước thì thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu. Thực tế cho thấy, những mặt hàng nông sản thương hiệu Việt như: Bưởi da xanh, cam Vinh, thanh long ruột đỏ... chỉ xuất hiện trong hệ thống siêu thị, hầu như vắng bóng tại các chợ truyền thống.
Tiêu thụ hàng Việt: Thiếu hàng, thiếu cả thông tin - Ảnh 1
Nước mắm Trung Thành bán trong phiên chợ hàng Việt tại huyện Thạch Thất.Ảnh: Hoài Nam

Việc hàng Việt chưa thực sự chiếm được cảm tình của NTD còn do hoạt động quảng bá chưa được chú trọng. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA: Hiện không có nhiều DN quảng bá sản phẩm tại thị trường nông thôn, khiến NTD thiếu thông tin về chất lượng hàng hóa, dẫn đến tâm lý e ngại mỗi khi mua hàng Việt. Trong khi đó, một số sản phẩm của địa phương như hàng may mặc dù chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu, giá lại chỉ bằng 2/3, nhưng những sản phẩm này chưa tạo được sức hút trong các phiên chợ hàng Việt.Tại Hội nghị sơ kết 3 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do MTTQ TP Hà Nội vừa tổ chức, ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết: Nguyên nhân của thực trạng trên là do DN khi muốn quảng bá thương hiệu, sản phẩm buộc phải vào TP đăng ký. Tại các huyện xa trung tâm, việc DN đăng ký quảng cáo thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn.

Chung tay gỡ khó

Để hàng Việt được người tiêu dùng tín nhiệm, hoạt động thông tin quảng bá sản phẩm là điều cần thiết.

Theo ông Đào Văn Bình, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" của TP Hà Nội: UBND các cấp cần chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, từ đó từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong cộng đồng dân cư. Hoạt động này phải được tiến hành thường xuyên liên tục. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng: Muốn chiếm lĩnh sân nhà, DN sản xuất không chỉ cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm mà cần nắm bắt tâm lý, thị hiếu của NTD, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ DN phân phối trong việc phát triển hệ thống bán lẻ tại khu vực chợ truyền thống. 

Bên cạnh sự cố gắng của các DN, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ hàng Việt trong việc tiêu thụ, quảng bá trong hệ thống bán lẻ hiện đại và truyền thống...

Ngoài ra, UBND các cấp vận động các hộ kinh doanh nhỏ liên kết với DN sản xuất, phân phối trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt tại hệ thống chợ địa phương; lực lượng quản lý thị trường tăng cường ngăn hàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc xuất xứ.