Tiểu thương chợ gia cầm Hà Vĩ hối hả hoạt động trở lại sau Tết

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù mới chỉ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được hơn 10 ngày nhưng các tiểu thương tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ lớn nhất miền Bắc đã hối hả tất bật với những hoạt động kinh doanh gia cầm như thường ngày….

Chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ lớn nhất miền Bắc 
Chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ lớn nhất miền Bắc 

Trở lại với công việc

Đến chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ sáng 26/2, thời điểm các tiểu thương đang dần thu dọn chuồng trại nhốt gia cầm để chuẩn bị cho mẻ gia cầm nhập về vào ban ngày phục vụ các tiểu thương ở các chợ trên địa bàn huyện cũng như ở khắp TP đến mua bán lẻ kinh doanh.

Phó ban quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ Lê Văn Chung chia sẻ: Thời gian hoạt động chính của chợ là từ 3h đến 7h sáng. Ô tô, xe máy chở gà, chở vịt… lục đục ra vào; người mua, người bán chen nhau chọn gia cầm và chốt giá.   

Anh chị em trong tổ công tác ứng trực chợ tất bật kiểm tra giấy tờ chứng minh nguồn gốc gia cầm và phun thuốc khử trùng tiêu độc nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh. Các tiểu thương thì thoăn thoắt tay ghi chép, chốt số lượng, khối lượng và giá cả vào sổ sách. Người mua, người bán sôi động hơn bao giờ hết.

Bà Phạm Thị Loan, ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín đã có gần 20 năm làm nghề buôn gia cầm ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ cho biết, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 5 tạ ngan, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bán được khoảng 7 tạ ngan vịt mỗi ngày với giá gần 70.000 đồng/kg.

Lực lượng chức năng phun khử trùng xe ra vào chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ. 
Lực lượng chức năng phun khử trùng xe ra vào chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ. 

Vào những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chợ nhộn nhịp hơn. Càng gần Tết, người dân càng có nhu cầu tiêu thụ lớn, nguồn hàng phục vụ tết năm nay dồi dào, giá ổn định như cùng kỳ năm trước. Còn từ ngoài tết đến nay, gia cầm tiêu thụ chậm, mỗi ngày bán chỉ được khoảng 3 tạ, giá lại không cao.

Tương tự, bà Lê Thị Yến, tiểu thương tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ bộc bạch: “Những ngày giáp Tết có thể bán được nhiều hơn ngày thường. Để có nguồn hàng cho thị trường, hằng ngày bà phải dậy sớm đến trang trại chăn nuôi ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn mới gom được xe ô tô với cỡ tấn gà mang về chợ Hà Vĩ tiêu thụ.

Giá gà thời điểm cận tết Giáp Thìn 2024 tương đối ổn định. Gà ta Sơn Tây loại ngon dao động 100.000 - 120.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng 12/2023; còn như giá gà Sơn Tây bây giờ (ngày 26/2/2024) chỉ với khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg. Sức tiêu thụ thời điểm này chậm hơn…".

Theo Phó ban Quản lý chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ Lê Văn Chung, vào dịp Tết chợ đầu mối hoạt động suốt tới 30 Tết, cao điểm là từ ngày 24 đến 28 Tết. Thời điểm này, sức tiêu thụ gia cầm mỗi ngày với khoảng 70 - 80 tấn gia cầm các loại, nhiều nhất là gà ta các loại và ngan.

Tiểu thương giao dịch mua bán gia cầm sáng 26/2.
Tiểu thương giao dịch mua bán gia cầm sáng 26/2.

Còn từ ngày 15/2/2024 (ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch) đến nay, 162 tiểu thương kinh doanh, buôn bán gia cầm tại chợ đã hoạt động trở lại bình thường, giá giảm hơn so với trước Tết. Nguồn hàng từ các tỉnh và các huyện trong TP nhập về chợ Hà Vĩ bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường. Giá giảm hơn 10% và lượng gia cầm nhập về chợ cũng giảm khoảng 15%.

Kiểm soát từ khâu đầu vào

Trong điều kiện thời tiết những ngày ngoài Tết có diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại và kèm theo mưa phùn... làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, dễ phát sinh dịch bệnh. Trước tình hình này, Ban quản lý chợ tích cực tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu các hộ kinh doanh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc môi trường xung quanh chợ theo quy định, phối hợp với các ngành chức năng kiểm dịch 24/24 giờ. Kiểm soát nghiêm ngặt xe vận chuyển gia cầm ra vào chợ, nhất là thời điểm từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, thời gian cao điểm hoạt động của chợ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, để bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm, đặc biệt tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, huyện yêu cầu xã Lê Lợi phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thường Tín, chốt kiểm dịch động vật liên ngành TP tại chợ gia cầm Hà Vĩ trực 24/24 giờ.

Công tác phun rửa vệ sinh trong chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ được thực hiện thường xuyên nhằm bảo vệ môi trường.
Công tác phun rửa vệ sinh trong chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ được thực hiện thường xuyên nhằm bảo vệ môi trường.

Đồng thời, kiểm tra gia cầm về chợ, bắt buộc hàng hóa phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, xã phải chủ động phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Phòng Kinh tế và các địa phương trong huyện xử lý vi phạm đối với việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Là chợ gia cầm lớn nhất khu vực miền Bắc nên những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ Hà Vĩ được đặc biệt quan tâm. Tất cả các hộ kinh doanh tại chợ đều được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, yêu cầu ký cam kết không buôn bán gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết thêm: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Ban quản lý chợ, UBND xã Lê Lợi cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, yêu cầu người dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, nhất là gia cầm nhập lậu.

Cùng với đó, chốt kiểm dịch động vật liên ngành có sự phối hợp giữa TP và huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát gia cầm vận chuyển ra vào chợ, phun hóa chất tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển. Phát hiện gia cầm có biểu hiện bất thường phải áp dụng biện pháp mạnh xử lý, không cho nhập vào trong chợ.

Chuồng trại nhốt gia cầm luôn được các tiểu thường quét dọn sạch sẽ.
Chuồng trại nhốt gia cầm luôn được các tiểu thường quét dọn sạch sẽ.

Ban quản lý chợ cần chấp hành tốt việc thu gom rác thải trong ngày, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn trong công tác lấy mẫu gia cầm để xét nghiệm, kiểm soát sự lưu hành của virus cúm nhằm hạn chế sự lây lan, chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm ở thời điểm giao mùa đầu xuân.