Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu tiền thời 4.0

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Quét mã, chuyển khoản ngỡ chỉ thực hiện được ở siêu thị, TTTM thì nay ngân hàng số đã phủ rộng, len lỏi tới từng gánh hàng rong, từng sạp hàng ở các chợ quê giúp hoạt động chi tiêu thanh toán dịch vụ hàng ngày của người dân trở nên đơn giản chỉ với một lần… quét mã QR.

Nam A Bank sớm đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm mang đến những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.
Nam A Bank sớm đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm mang đến những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.

Đi chợ… không tiền mặt!

Sau 5 năm đi xuất khẩu lao động ở Nhật, năm nay chị Nguyễn Thị Trang (TP Bắc Ninh) mới về quê ăn Tết. Không chỉ bất ngờ trước sự thay da đổi thịt của quê hương, chị Trang còn khá ngạc nhiên và vui mừng trước sự thuận tiện của dịch vụ chi tiêu không cần dùng tiền mặt ở Việt Nam. Đi sắm Tết ở chợ quê, nhưng chị Trang không mang tiền mặt mà sử dụng 100% dịch vụ quét mã QR.

“Tôi không ngờ dịch vụ ngân hàng số ở nước mình lại phát triển nhanh đến vậy. Mọi thanh toán từ trung tâm thương mại đến mua mớ rau, con cá ở chợ đều có thể chuyển khoản hoặc quét mã. Dịch vụ tiện lợi, nhanh gọn như đang sống ở nước ngoài” – chị Trang bày tỏ.

Không chỉ riêng những người sống ở nước ngoài như chị Trang, nhiều người Việt cũng đã có thói quen không sử dụng tiền mặt, hàng ngày thảnh thơi thụ hưởng những tiện ích từ dịch vụ của ngân hàng số. Với sự phát triển của công nghệ, chưa khi nào việc tiêu tiền lại thuận tiện, dễ dàng như vậy.

Trước đây, mỗi lần đi chợ bán hàng, chị Nguyễn Thị Mùi – tiểu thương bán cá tại chợ Bông Đỏ (Hà Đông) lại phải chuẩn bị sẵn một khoản tiền mặt lớn để nhập hàng và một xấp tiền lẻ để trả lại cho khách. Đã nhiều lần vì không có tiền lẻ, chị Mùi phải chật vật đi đổi tiền hoặc xin “khất” cho trả sau. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, khi chị in mã QR để ngay trước sạp hàng. “Khi thanh toán bằng tiền mặt tôi luôn bị nhầm lẫn, sai sót, thậm chí là luôn sợ bị giật túi khi đi lấy hàng buổi sớm. Nhưng từ khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số, việc sử dụng mã quét QR và chuyển tiền không dùng tiền mặt khiến tôi yên tâm và thuận tiện hơn rất nhiều”.

Đáng nói là giờ đây, người dân cũng dần quen với việc thanh toán điện tử cho các dịch vụ công. Các ngân hàng chọn liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ để tạo mã thanh toán riêng cho từng khách hàng. Từ việc thanh toán học phí, viện phí, phí dịch vụ y tế, đến đóng tiền điện, tiền nước… người dân chỉ cần ngồi ở nhà và thực hiện vài thao tác đơn giản là xong.

Giao dịch vô cùng thuận tiện bởi được tích hợp sẵn trong module thanh toán của phần mềm quản lý. Điều này giúp người dùng thanh toán nhanh chóng, chi trả được các khoản tiền khi không sẵn tiền mặt trong người mà vẫn có thể lưu trữ được lịch sử thanh toán, giúp quản lý chi tiêu.

Ngân hàng tăng tốc trong cuộc đua số hóa

Tại Việt Nam, 5 năm qua và nhất là giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của các ngân hàng khi tập trung vào công nghệ, số hóa các nghiệp vụ lõi nhằm cải tiến quy trình, nâng cao dịch vụ, từ đó giành vị thế cạnh tranh trong cuộc chơi số hóa vốn khốc liệt và chỉ dành cho những ngân hàng nào tiên phong chiếm lĩnh.

Việc thanh toán qua các ứng dụng công nghệ tài chính đang ngày càng thể hiện sự thuận tiện trong giao dịch hàng ngày. Người bán lẫn người mua vui vẻ đi chợ thời 4.0 đến uống cốc trà đá hay gửi chiếc xe máy cũng quét mã QR”.

Để đạt được những thành tựu này, các ngân hàng đã đầu tư không ít vào hệ thống công nghệ của mình. Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Anh Tuấn, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động số hóa. Nhiều công nghệ mới đã được đưa vào ứng dụng. Không ít ngân hàng từ lâu đã xem công nghệ là một trong những trọng tâm cho chiến lược phát triển của mình.

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Nam Á đã đưa Robot OPBA thông minh, đa năng, tích hợp công nghệ AI tiên tiến có khả năng tư vấn các sản phẩm, dịch vụ và hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục khi khách hàng đến giao dịch. Ngoài ra, Robot còn có thể trình diễn các bài hát giúp khách hàng thư giãn khi đến giao dịch tại Nam A Bank.

Robot OPBA là một trong nhiều sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao trong Hệ sinh thái Ngân hàng số của Nam A Bank. Ngoài Robot OPBA, hệ sinh thái này của Ngân hàng Nam Á còn có các sản phẩm khác như Tablet; ứng dụng Open Banking tích hợp tính năng định danh điện tử eKYC dễ dàng mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính… Đây cũng cũng là một trong những ngân hàng tiên phong tích hợp công nghệ đọc thông tin trên căn cước công dân gắn chip qua công nghệ kết nối không dây trên ứng dụng này.

Đại diện lãnh đạo Nam A Bank cho biết: “Xác định chuyển đổi số là trụ cột phát triển, Nam A Bank đã sớm có sự chuẩn bị nhằm tạo nên những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng bằng công nghệ tối ưu. Chúng tôi tin rằng, chuyển đối số chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của Ngân hàng. Hiện tỷ lệ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số của Nam A Bank ngày càng tăng cao. Trong đó, tỷ lệ giao dịch online chiếm hơn 90% tổng số các giao dịch chuyển khoản, thanh toán của Ngân hàng”.

Là một trong những ngân hàng đi tiên phong và số hóa mạnh mẽ nhất, mới đây, ngày 24 tháng 11 năm 2022 – Tập đoàn Adobe (ADBE) và ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố quan hệ hợp tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Thỏa thuận trị giá triệu đô này đưa Techcombank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ra mắt nền tảng công nghệ xuyên suốt hành trình trải nghiệm khách hàng theo quy trình đầu cuối (end-to-end).

Việt Nam mong muốn thúc đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi số toàn quốc trong ngành tài chính và ngân hàng, với mục tiêu 70% giao dịch ngân hàng được thực hiện qua nền tảng số vào năm 2025. Song song với chiến lược đó của Chính phủ, Techcombank đã triển khai rất nhiều hành động, trong đó có việc hợp tác cùng Adobe ra mắt Trung tâm Xuất sắc (CoE), mang đến những kỹ năng công nghệ và số hóa được săn đón nhiều nhất để có thể phát triển và nâng cao kỹ năng của nhân tài trong lĩnh vực số.

“Ngày nay, khách hàng thường giao dịch xuyên suốt qua các nền tảng online và offline, việc chúng ta đáp ứng kỳ vọng của họ bất cứ ở nơi nào và thời điểm mà họ chọn tương tác hoặc giao dịch là rất quan trọng” – ông Jens Lottner – CEO tại Techcombank khẳng định.

 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có tới 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 80% đang số hóa các nghiệp vụ lõi và gia tăng tuyển dụng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho các ngân hàng trong lộ trình từ nay đến năm 2030 đảm bảo số hóa 70 - 90% các hoạt động ngân hàng.